Trong khi đó, phát biểu khi tham gia Hội nghị Phong trào Các nước không liên kết (NAM) ở Ai Cập, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam nói rằng trước những hành vi thù địch này, chính phủ của ông không còn cách nào khác hơn là củng cố sức mạnh răn đe bằng hạt nhân. Quan chức cấp cao thứ hai của Triều Tiên nói rằng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân không thể tái tục nếu chủ quyền của Triều Tiên không được tôn trọng.
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên hôm 12/6 đã thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân thứ hai hồi cuối tháng 5, trong đó cấm vận chuyển các loại vũ khí. Hội đồng này đang thảo luận một danh sách các tổ chức, cá nhân và các mặt hàng phải chịu lệnh trừng phạt này.
“Không giống như trước đây, danh sách mà Hội đồng Bảo an xem xét lần này sẽ bao gồm cả những cá nhân ở Triều Tiên”, một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên nói. “Có thể khẳng định các biện pháp trừng phạt đang cứng rắn hơn”.
Các biện pháp trừng phạt trước đây nhằm vào các công ty có tài sản ở nước ngoài bị phong toả, nhưng không nhằm vào các cá nhân.
Quan chức trên không cho biết bao nhiêu người sẽ nằm trong danh sách này hay họ là ai. “Hội đồng vẫn đang thảo luận”, quan chức Hàn Quốc nói, trong khi cho biết thêm nhiều khả năng danh sách này sẽ được hoàn tất vào chiều 15/7 (giờ New York) để đáp ứng thời hạn chót phải đưa ra là ngày 19/7.
Về vấn đề này, Trung Quốc đã lần đầu tiên tỏ thái độ ủng hộ trừng phạt các cá nhân Triều Tiên vi phạm nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Zhenmin hôm đầu tuần tuyên bố chính phủ Trung Quốc sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào “phần lớn” trong danh sách 15 quan chức Triều Tiên mà Mỹ và các nước phương Tây khác đề xuất.
Tuần trước, Nga đã đồng ý với đề xuất trừng phạt các cá nhân ở Triều Tiên./.
Theo Báo Dân Trí