Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 1/11/2013 22:48'(GMT+7)

"Liệu cơm gắp mắm" trong chi tiêu công

(Ảnh minh hoạ: Mạnh Thắng/QĐND)

(Ảnh minh hoạ: Mạnh Thắng/QĐND)

Năm 2013, lần đầu tiên sau nhiều năm, ngân sách nhà nước bị hụt thu do tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động đầu tư công từ ngân sách nhà nước nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Do vậy, bên cạnh việc siết chặt kỷ cương, chống thất thu ngân sách, việc chống lãng phí trong các khoản chi ngân sách ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần được thực hiện quyết liệt, triệt để hơn.

Lâu nay, dư luận vẫn nhắc tới cơ quan này, địa phương kia cố tình “vẽ” ra những dự án không thực sự cần thiết, sao cho ngân sách phân bổ càng nhiều càng tốt. Xin được ngân sách rồi mới tìm cách “giải ngân” bằng hết. Thế nên mới có chuyện như các đại biểu Quốc hội nói, ở miền núi nhưng làm đường to như thành phố, xây trụ sở làm việc “hoành tráng” quá mức cần thiết, sân cơ quan trải bê tông đang còn tốt nhưng vẫn trải thảm nhựa lên trên, bồn cây đang từ hình vuông phá đi xây lại thành hình tròn, đường phố bị băm nát bởi sự đào bới, sửa sang của các cơ quan, doanh nghiệp...

Để ngăn chặn việc dùng tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho những dự án chưa thực sự cần thiết, tùy điều kiện và yêu cầu thực tế, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nên có cơ chế thích hợp để nắm tình hình từ cơ sở. Đặc biệt, trách nhiệm giải trình cần được nâng cao hơn. Chẳng hạn, có thể bổ sung yêu cầu phải có ảnh, video thực địa để chứng minh sự cần thiết đầu tư. Việc truy cứu trách nhiệm tới cùng, như các đại biểu Quốc hội nhắc tới rất nhiều trong những ngày qua, cũng cần được nghiêm túc thực hiện để lành mạnh hóa trong hoạt động đầu tư công, chi tiêu ngân sách. Chẳng hạn, trong số những dự án bị đình, hoãn, giãn thi công, kể cả những dự án đã hoàn thành, dự án nào chưa thật sự cần thiết mà vẫn được đầu tư dẫn tới lãng phí, thì phải truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan.

Người xưa có câu: “Liệu cơm gắp mắm”. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách đang eo hẹp như hiện nay, việc chi tiêu ngân sách càng cần phải được tính toán thật chi li để mỗi đồng ngân sách chi ra đều mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho đất nước. Nếu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và các vị lãnh đạo thực sự đặt lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể lên trên, cân nhắc kỹ trước khi quyết định dùng công quỹ, thì khoản tiền tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ không nhỏ./.

Minh Thắng (QĐND)






Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất