Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 17/8/2011 10:22'(GMT+7)

Linh hoạt để chính sách đến với người dân vùng sâu, vùng xa

Chính sách phát triển cho các vùng Dân tộc và Miền núi cần linh hoạt để các địa phương dễ triển khai thực hiện

Chính sách phát triển cho các vùng Dân tộc và Miền núi cần linh hoạt để các địa phương dễ triển khai thực hiện

Chênh lệch giàu - nghèo ngày càng lớn

Theo Ủy ban Dân tộc, trong 5 năm qua, dù các xã đặc biệt khó khăn vùng Dân tộc và Miền núi đã có những bước phát triển quan trọng nhờ đội ngũ cán bộ chuyên trách gần dân, bám địa bàn hơn. Tuy nhiên tại nhiều địa phương vẫn tồn tại những bất cập về cơ sở hạ tầng; cơ cấu lao động; trình độ dân trí, cũng như nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Theo đó, tính đến nay cả nước đã phân định được 3 vùng Dân tộc và Miền núi đặc thù, gồm 1.159 xã khu vực I; gần 2.200 xã khu vực II và trên 1.700 xã khu vực III. Trong số này, khu vực III là khu vực khó khăn nhất, thiếu thốn các điều kiện sống, các dịch vụ xã hội và hạ tầng cơ sở thiết yếu. Hiện những vấn đề nảy sinh đến chênh lệch giàu – nghèo ở khu vực này đã và đang được đặt ra cấp thiết.

Ông Trịnh Công Khanh - Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc lo ngại, sự không đồng đều về phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng mà hiện nay đã nảy sinh vấn đề chênh lệch mức sống giữa các đồng bào dân tộc với nhau. Đáng lưu ý, vẫn còn một số xã chậm phát triển, thậm chí có chiều hướng tụt hậu lại, do đó đã tạo ra một khoảng cách lớn so với mặt bằng phát triển chung của cả nước.

Theo báo cáo của Vụ Chính sách Dân tộc, tỷ lệ khoảng cách chênh lệch về thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi so với vùng đồng bằng có xu hướng ngày càng tăng: 6,8 lần các tỉnh miền núi phía Bắc và 12,9 lần các tỉnh Tây Nguyên (so sánh giữa 20% hộ có thu nhập cao nhất và 20% hộ có thu nhập thấp nhất). Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên hiện có tới 22,48% hộ nghèo và 7,51% hộ cận nghèo; khu vực Tây Bắc có tới 39,16% hộ nghèo và 13,77% hộ cần nghèo (bình quân cả nước là 14,2% hộ nghèo và 7,49% hộ cận nghèo).

Cần linh hoạt để có tiêu chí cho từng vùng

Bà Trần Thị Hoa Ry (dân tộc Khmer), Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu lưu ý Ủy Ban Dân tộc trong quá trình xây dựng Bộ tiêu chí chung cho các vùng Dân tộc và Miền núi cần phải nghiên cứu kỹ đặc điểm riêng của từng vùng để có chính sách phù hợp. Theo bà Hoa Ry, nếu cứ cứng nhắc áp dụng chung chuẩn của các vùng dân tộc Tây Nguyên và miền núi phía Bắc với khu vực Tây Nam Bộ là rất không ổn, bởi vì hầu hết các dân tộc thuộc vùng Tây Nam Bộ đều có lịch sử và quá trình sinh sống đan xen với dân tộc Kinh. Nếu lấy mức thu nhập trung bình ở các khu vực như vậy mà xác định chuẩn "xã đặc biệt khó khăn” thì rất thiệt thòi cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Kiên Giang kiến nghị nên "thoáng” hơn trong Bộ khung tiêu chí xã đặc biệt khó khăn, chẳng hạn chỉ cần 4/6 tiêu chí là đủ để phù hợp hơn với các vùng đồng bào dân tộc phía Nam. Ngoài ra, bà Giang cho biết, tiêu chí xác định thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn trong dự thảo yêu cầu phải có 5% là hộ du canh du cư là không phù hợp vì khái niệm "du cư du canh” không hề có ở ĐBSCL. Theo bà Giang, hiện hai khó khăn lớn nhất đối với vùng châu thổ phía Nam là vấn đề chống lũ và ngăn mặn, đã tác động khiến đời sống của người dân và đồng bào các dân tộc tại đây từ nhiều năm qua gặp vô vàn khó khăn. Do đó cần thiết phải có chính sách phù hợp.

Góp ý về tiêu chí phân định xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), ông Lê Văn Cúc, Phó Ban Giảm nghèo – Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu Ban Soạn thảo chính sách lấy tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên để xác định xã đặc biệt khó khăn thì khu vực phía Nam sẽ không có một xã nào đạt tiêu chí. Ông Cúc đơn cử ngay tại tỉnh Đồng Nai, là tỉnh có thu nhập cao so với các địa phương khác trong khu vực nhưng cũng không thể áp dụng được tiêu chí trên. Ông Cúc phân tích: "Nếu mà áp dụng chuẩn nghèo và cận nghèo chung cả nước thì Đồng Nai không có hộ nghèo. Nếu có thì cũng chỉ ép được 1%”.

Các đại biểu tại Sóc Trăng và Vĩnh Long cũng kiến nghị Vụ Chính sách dân tộc xem xét tiêu chí phù hợp với khu vực ĐBSCL vì đặc thù các đồng bào dân tộc sinh sống tại vùng này khác so với khu vực Tây Nguyên, cũng như miền núi phía Bắc. Các đại biểu lưu ý trong chính sách của Chính phủ không thể chi tiết quá nhiều tiêu chí cụ thể, vì như thế có thể phù hợp với vùng này nhưng lại trở nên không ăn nhập gì với điều kiện tại các vùng khác. Nhiều tỉnh đề nghị Ban Soạn thảo chính sách cần mở rộng phạm vi áp dụng của chính sách, như: "Những địa phương có điều kiện có thể áp dụng tiêu chí cao hơn, cân đối theo ngân sách địa phương” để các tỉnh linh hoạt hơn trong quá trình áp dụng chính sách vào thực tế. Ngoài ra, các địa phương cũng đề nghị bỏ các tiêu chí khó định lượng như: số hộ có nhà ở còn tạm bợ (tranh, tre, nứa, lá...); số hộ còn du canh du cư hoặc định cư du canh; số hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh; chưa đủ phòng học cho các lớp mẫu giáo... đối với tiêu chí xác định thôn, bản đặc biệt khó khăn,... Ông Lê Văn Cúc, đại biểu Đồng Nai lưu ý: "Nhiều tiêu chí, nghĩa là chúng ta phải thẩm tra quá trình thực hiện tại các địa phương, nhiều khi hiệu quả không cao mà lại tốn kém ngân sách của Nhà nước”.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu các tỉnh/thành phía Nam, ông Trịnh Công Khanh - Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc cho biết, quan điểm chung là những địa phương nào nghèo thì Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đặc thù cho dân tộc và miền núi. Lâu nay, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách cho các vùng dân tộc và miền núi rồi nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn giãn ra. Do đó, làm thế nào để các dân tộc xích lại gần nhau hơn là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn tới. Ông Khanh khẳng định, sau khi lấy ý kiến ở cả 3 miền, Ủy ban Dân tộc sẽ tổ chức một Hội nghị tham vấn tại Trung ương. Sau đó Vụ Chính sách Dân tộc sẽ hoàn chỉnh Bộ tiêu chí gửi cho các Bộ lấy ý kiến tổng hợp và Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến đến cuối năm 2011, quy trình này sẽ hoàn thành.


 THÀNH LUÂN/ ĐĐk
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất