Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 3/4/2010 14:8'(GMT+7)

Lộ dần bức tranh tối màu của giáo dục đại học

Một số trường, số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ cao hơn so với số thí sinh nộp đơn xin dự tuyển

Một số trường, số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ cao hơn so với số thí sinh nộp đơn xin dự tuyển

Đó là nội dung đáng chú ý tại Dự thảo báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học mà Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục.

Phát triển manh mún, dàn trải

Theo dự thảo, mặc dù việc ban hành được số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật với phạm vi điều chỉnh bao quát các vấn đề chủ yếu về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với GDĐH nhưng nhiều quy định tại cả hai văn bản Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đều chưa cụ thể (cơ cấu nguồn nhân lực của từng ngành, lĩnh vực trong từng thời kỳ; quy mô đào tạo cụ thể của từng cấp, bậc học cho từng giai đoạn), một số chỉ tiêu đề ra quá cao, thiếu tính thực tiễn và tính khả thi, đặc biệt là không chỉ rõ lộ trình, tiến độ thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học dự thảo chỉ rõ: Hạn chế, bất cập lớn nhất đó là việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới chưa đúng yêu cầu.

Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương lập quy hoạch phát triển các cơ sở GDĐH phù  hợp với quy hoạch chung của Chính phủ; chưa có quy hoạch cụ thể các cơ sở GDĐH trong các vùng miền như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long...

Việc thành lập trường chưa căn cứ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả  nước và từng địa phương, chưa chú trọng tới chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Vẫn theo báo cáo mặc dù ngân sách nhà nước dành cho GD&ĐT đã tăng lên 20%. Tuy nhiên phần đầu tư cho GDĐH chỉ chiếm khoảng từ 10% đến trên 11 % trong tổng ngân sách dành cho GD&ĐT.

Trong khi đó, các trường ngoài công lập nhìn chung có vốn đầu tư nhỏ, chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí, trong khi việc thành lập ồ ạt các trường ĐH, CĐ công lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố làm cho việc đầu tư cho GDĐH bị dàn trải, manh mún, không đáp ứng yêu cầu và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đồng thời, tình trạng nhiều trường mới được thành lập nhưng đã tuyển sinh với quy mô lớn vượt xa năng lực đào tạo (đội ngũ GV, cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị thực hành, thư viện...), ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo, đã gây bức xúc trong dư luận.

Kết quả khảo sát cho thấy quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo, của hầu hết các trường ĐH, CĐ mới thành lập là do các trường tự đề xuất một cách tự phát, không căn cứ vào nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như năng lực của đội ngũ GV và cơ sở vật chất kỹ thuật của trường...

Kết quả  khảo sát thực tế cho thấy việc thành lập các trường ĐH, CĐ trong thời gian qua nói chung đã tuân thủ  quy trình được pháp luật quy định lúc đó. Tuy nhiên, quy trình thành lập này đã bộc lộ bất cập, gây khó khăn nhất định cho việc xem xét, thẩm định, xử lý hồ sơ xin thành lập trường, đặc biệt là đối với các cơ sở ngoài công lập.

Một bất cập nữa là Bộ GD&ĐT không tổ chức hậu kiểm đối với các cơ sở GDĐH mới được thành lập. Quyết định chính thức thành lập trường đồng thời được hiểu là quyết định cho phép hoạt động giáo dục. Do đó, nhiều cơ sở GDĐH vừa mới thành lập, chưa có đất đai, địa điểm, chưa xây dựng cơ sở vật chất và tuyển GV nhưng đã vội vã tuyển sinh và tổ chức đào tạo mà Bộ GD&ĐT không nắm được.

Chất lượng đầu vào đang bị buông lỏng


Dự thảo nêu rõ, việc tuyển sinh các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết, liên thông còn bị buông lỏng hơn.

Cụ thể, phần lớn các trường ngoài công lập, trường “quốc tế” tuyển sinh với điểm chuẩn sát điểm sàn.

Trường ĐH RMIT có vốn đầu tư 100% của Australia không tham gia kỳ thi “ba chung” với các trường ĐH, CĐ trong cả nước mà tuyển toàn bộ những HS tốt nghiệp THPT có nguyện vọng vào trường.

Hơn nữa, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh của một số  trường ngoài công lập rất cao, ví dụ trong vòng 4 năm, từ năm 2006 đến năm 2009, chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH DL Quang Trung tăng từ 700 đến 3300; Trường ĐH DL Hùng Vương tăng từ 1000 đến 2100.

“Do chạy theo mục tiêu thu học phí, dù chỉ tiêu tuyển sinh được giao đã khá rộng rãi, nhiều trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu (riêng năm 2009 có 32 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, điển hình là Trường CĐ Cần Thơ vượt 88,64%, Trường ĐH Phan Thiết vượt 91, 73%) 22, thậm chí có trường tự tuyển thêm hàng trăm SV vào những ngành Bộ chưa cho phép mở nhưng chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Một số trường ĐH mở nhiều cấp học, từ trung cấp đến SĐH, trong khi Luật Giáo dục chỉ cho phép các trường ĐH đào tạo các cấp học từ CĐ trở lên, nhưng Bộ GD&ĐT chưa xử lý trường hợp nào”, dự thảo nêu rõ.

Tuy nhiên, Dự thảo cảnh báo một điều đáng lo lắng nhất là trong lĩnh vực  đào tạo sau đại học, việc tuyển sinh còn ít tính sàng lọc hơn nhiều lần so với đào tạo ĐH, CĐ.

Có  tình trạng một số trường, số chỉ tiêu  đào tạo tiến sĩ cao hơn so với số thí sinh nộp đơn xin dự tuyển (năm 2008, ĐHQG TP HCM có  154 chỉ tiêu đào tạo TS nhưng chỉ có  140 thí sinh dự tuyển); có trường hợp, khi Bộ GD&ĐT thẩm định lại 17 bài thi môn Tiếng Anh của thí sinh NCS, chỉ có 2 bài đạt yêu cầu.

Tất cả  những điều nói trên  dẫn đến tình trạng chất lượng đầu vào của một bộ phận lớn sinh viên và học viên sau đại học rất yếu, không phù hợp với yêu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng.

Hạn chế  tối đa mở thêm các trường Đại học

Để hoạt động quản lý hoạt động giáo dục sau đại học đạt được kết quả cao Dự thảo đã đề xuất chính phủ phải xây dựng ngay Nghị định hướng dẫn cụ thể và ban hành kèm theo các thông tư hướng dẫn về thủ tục, điều kiện và các tiêu chí để thành lập các cơ sở GDĐH. 
Cần xác lập rõ hai loại hình trường đại học tư thục hoạt động có lợi nhuận và phi lợi nhuận với những quy định rõ ràng về tài sản, vốn và phân bổ lợi nhuận. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các trường hoạt động thực sự phi lợi nhuận và cần xây dựng một khung pháp lý cho loại hình trường này.

Quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đối với các trường ĐH, CĐ; quy định rõ mối quan hệ công tác giữa Chính phủ, Bộ GD&ĐT, và các bộ, ban, ngành liên quan trong quản lý GDĐH; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý ngành đối với các trường thuộc lĩnh vực chuyên môn do Bộ quản lý cũng như của cơ quan chủ quản trường ĐH, CĐ.

Hạn chế cho mở thêm các trường ĐH, CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương không đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo; ưu tiên cho phép thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn hoặc hoạt  động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận; có biện pháp xử lý nghiêm khắc, kể cả giải thể với những trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, đặc biệt đối với các trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm nay vẫn chưa xây dựng cơ sở riêng.

Mạnh Hùng (Bee.net.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất