Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 22/4/2016 10:58'(GMT+7)

Lỗ hổng kiến thức phổ thông

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Sau những lỗ hổng về kiến thức là lỗ hổng về phương pháp sai lệch khi gắn kiến thức với đời sống thực tế. Tại sao lại cứ phải phim Hàn Quốc mà lại là một bộ phim chưa được chính thức phát hành, học sinh mới chỉ có thể xem trên mạng? Các câu chuyện lỗ mỗ và lệch hướng về kiến thức như thế đã tích tụ thêm cho sự học lệch, liên hệ sai lệch giữa nhà trường và đời sống thực tế quanh không gian học sinh. 

Lứa trẻ hôm nay có những bộ phận thuộc tên sao điện ảnh, sao âm nhạc nước ngoài hơn cả các nhân vật lịch sử, văn hóa đất nước một phần do thế. Sự thiếu hiểu biết sơ đẳng về lịch sử, xã hội, địa lý, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, luật lệ, vệ sinh, an toàn… ngoài đời còn bội phần hơn những gì được đưa ra trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có bao nhiêu học sinh, sinh viên và người trưởng thành trả lời được tên các tỉnh, thành phố trên từng vùng miền đất nước? Có bao nhiêu người có thể kể được đầy đủ những dòng sông lớn, dãy núi lớn, có thể vẽ được bản đồ Việt Nam? Có được phần mấy số học sinh tốt nghiệp phổ thông đạt chuẩn Anh ngữ? Có bao nhiêu người trong số hàng vạn, hàng triệu người hiểu biết đúng về những nhân vật lịch sử, văn hóa trọng yếu của đất nước được thờ cúng trong các đình, đền mà họ thường xuyên đến cầu cúng? v.v.. và v.v..

Tất cả những điều đó đều được dạy ở các cấp học phổ thông. Và nhiều chục năm qua lỗ hổng kiến thức và chỗ yếu trong vận dụng kiến thức vẫn cứ tồn tại. Nguyên nhân có gì khác là chất lượng dạy và học, trong đó đặc biệt có sự học lệch khi các trường lớp chỉ dạy với mục đích để đi thi. Mà thi chỉ gói trong các môn chính. Việc phân chia môn chính, môn phụ là bình thường, xưa nay vẫn vậy nhưng cái mục tiêu thi cử càng ngày càng bao trùm, lấn át và xem nhẹ, thậm chí có trường bỏ qua không dạy các môn phụ. Ngay các giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học hay Thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc… cũng không có được địa vị trong trường lớp và xã hội so với đồng nghiệp ở các môn Toán, Văn.

Có những ý kiến cho rằng thời nay mọi kiến thức đều có thể tra cứu trên mạng. Lại có ý kiến vin rằng bây giờ đổi mới giáo dục, tập trung rèn luyện năng lực cho học sinh chứ không phải giảng dạy kiến thức. Nhưng nếu không có nền kiến thức cơ bản thì biết mình thiếu gì, cần gì để tra cứu? Nếu dạy kiến thức không gắn với thực hành, không dạy cách vận dụng, thậm chí dạy lệch cách liên hệ với cuộc sống như câu chuyện dùng hình ảnh phim ngoại kia thì sẽ rèn tạo nên thứ năng lực vọng ngoại, nệ ngoại hay sao?

Tại sao lại có tên phổ thông cho các lớp học trước khi vào đời nếu không phải khối lượng tri thức đầu tiên đó đều là những thứ cơ bản tối thiểu thiết yếu đối với mỗi con người. Con người thiếu hụt, thiệt thòi lắm thay khi không có được nền tảng tri thức phổ thông, không có được tri thức và tình cảm để hiểu biết, cảm nhận cái đẹp của cuộc sống, để tự tin vào chính mình.

Không thể chấp nhận được tình trạng “môn phụ” bị xem nhẹ, coi thường. Chả thấy mấy khi trường này, trường kia bị phê phán, xử lý khi để xảy ra tình trạng này. Xã hội đã dốc các nguồn lực và tìm nhiều cách thức để liên tục nuôi dưỡng bổ sung những thiếu khuyết trong giáo dục phổ thông như tăng cường văn hóa đọc, thế giới sách, cập nhật kiến thức trên internet, như các chương trình truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia”, “Ai là triệu phú”… Những điều đó cần được kiên trì và sáng tạo thêm nữa nhưng ở nơi gốc gác căn cốt nhất là trường phổ thông cần phải được tổng rà soát đánh giá và cải cách. Xã hội cũng cần phải đóng góp ý kiến, vun vào cho những bước đi đã mở theo hướng Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phát triển nguồn nhân lực như đường lối của Đảng đã vạch ra./.

Nguyễn Mạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất