Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 17/4/2016 14:40'(GMT+7)

Cần thêm nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường học

Trải nghiệm sáng tạo không phải là tham quan dã ngoại

Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã yêu cầu các trường phổ thông chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường các hoạt động TNST để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Trước yêu cầu về đổi mới giáo dục, năm học 2015-2016, Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa (Hà Nội) đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động TNST theo hình thức liên môn cho học sinh lớp 11 và 12. Theo đó, ở các môn như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, giáo viên không chỉ lồng ghép các kiến thức thực tế mà còn đưa học sinh đi TNST ở các địa phương để biến những bài học đó trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Mới đây, nhà trường đã tổ chức chuyến học tập TNST liên môn với chủ đề “Hành trình tri ân” cho học sinh khối 12 với thời gian ba ngày tại các địa điểm lịch sử như: Ngã Ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương, Vũng Chùa.

Điều đáng nói, để có được chuyến học tập TNST ý nghĩa này cũng là một câu chuyện dài trong việc vận động, tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Trước đó, phần lớn phụ huynh cho rằng, các con còn nhỏ lại chưa xa nhà một mình bao giờ cho nên không đồng ý để con tham gia. Nhưng bằng tình thương học trò cũng như vì sự nghiệp đổi mới giáo dục, cô giáo Nguyễn Kim Anh, người phụ trách đưa đoàn học sinh đi thực tế đã viết bức “tâm thư” gửi đến toàn thể phụ huynh. “Trong thư, tôi đã cam kết với phụ huynh bằng lương tâm, trách nhiệm của nhà giáo, sẽ không để phụ huynh phải lo nghĩ về chuyện ăn ở, đi lại của học sinh. Chuyến đi này hoàn toàn khác với chuyến đi tham quan dã ngoại đơn thuần vì hoạt động TNST mang tính chất giáo dục thực tế”, cô Nguyễn Kim Anh tâm sự. Với sự thuyết phục “có tình, có lý”, tất cả phụ huynh học sinh khối 12 đã vui vẻ cho con mình tham gia, một số phụ huynh còn xin đi cùng.

Chị Tuyết Minh, phụ huynh học sinh lớp 12D2 tâm sự: Ban đầu khi nghe con nói sẽ đi xa cho nên tôi không đồng ý. Nhưng sau đó, cô giáo của con đã gửi một bức thư, khi tôi đọc xong đã hiểu và xin đi cùng. Sau ba ngày trải TNST cùng học sinh, khi trở về đến trường an toàn, chị Tuyết Minh đã gọi điện cho cô giáo hiệu trưởng để bày tỏ sự cảm ơn vì chưa bao giờ bản thân và nhất là các con được đi một chuyến để học tập ở các nghĩa trang liệt sĩ thật ý nghĩa. “Tôi rất xúc động khi vào Ngã ba Đồng Lộc, mặc dù có hơn 300 học sinh nhưng tất cả đều giữ trật tự, điều đó thể hiện ý thức nghiêm túc. Chuyến đi thực tế đã giúp học sinh hiểu hơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc”, chị Tuyết Minh bày tỏ.

Khác với hoạt động tham quan dã ngoại, học sinh học TNST được giáo viên hướng dẫn và giao những công việc cụ thể, khi kết thúc tất cả phải có bài “thu hoạch” nói lên những suy nghĩ, chính kiến bản thân. Điều đó đã kích thích khả năng tự khám phá, tìm hiểu và nghiên cứu thông qua khả năng tự học của mỗi học sinh.

Cần ban hành tài liệu hướng dẫn


Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa: Xuất phát từ yêu cầu đổi mới giáo dục, năm học 2015-2016, các chuyên đề đơn môn, liên môn về hoạt động TNST được nhà trường xây dựng nhiều hơn, đa dạng hóa hình thức học tập. Sau bốn năm triển khai hoạt động TNST, từ một giáo viên tham gia đến nay cả tổ nhóm giáo viên tham gia; từ một lớp tham gia đến nay các khối lớp cùng tham gia. Tuy nhiên, để hoạt động nói trên đạt kết quả tốt, người đứng đầu Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa mong muốn Bộ GD và ĐT sớm ban hành tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn; cấp chứng chỉ cho học sinh khi hoàn thành khóa TNST...

Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá: Hiện nay, bên cạnh việc giảng dạy những môn văn hóa, các trường phổ thông đều triển khai giáo dục cho học sinh hoạt động TNST. Thông qua các hoạt động TNST, học sinh có điều kiện kiểm nghiệm lại những điều đã học trên lớp và tiếp thu thêm kiến thức từ thực tế. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động TNST ở nhiều trường còn mang tính hình thức, chưa có kế hoạch triển khai cụ thể; một số trường còn nhầm lẫn giữa hoạt động tham quan dã ngoại với hoạt động TNST… Vì vậy, thời gian tới, các trường cần thực hiện hoạt động TNST theo năm bước gồm: Thống nhất quan điểm, xây dựng kế hoạch, triển khai, quan sát và đánh giá, tổ chức rút kinh nghiệm. Ban giám hiệu nhà trường cần thống nhất quan điểm cho từng hoạt động, xác định rõ mục tiêu của hoạt động như kiến thức, kỹ năng, thái độ; khảo sát, nghiêm cứu chủ đề, điểm đến thật phù hợp, có tính khả thi, trong đó giáo viên là người chủ động. Khi triển khai, giáo viên cần giao một số đề tài để học sinh chuẩn bị tìm hiểu, sau khi trở về các em phải có bài “thu hoạch” và tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh các hoạt động đó ngày càng tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trước đây, chúng ta quan niệm mục tiêu giáo dục chủ yếu tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng. Bây giờ quan niệm về mục tiêu giáo dục đã thay đổi là phát triển phẩm chất, năng lực người học cho nên phải đổi mới hình thức dạy học cũng như thi, kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, quan điểm của Bộ là xây dựng hệ thống giáo dục mở để bảo đảm học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Thời gian tới, các trường phổ thông cần tiếp tục có nhiều hoạt động đổi mới giáo dục, nhất là có kế hoạch đưa học sinh đi các địa phương, bảo tàng, di tích để các em được TNST bổ ích. “Sau mỗi chuyến đi, sự TNST của mỗi học sinh sẽ rất đa dạng và tôi tin không ai có thể nói hết được”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Quý Tùng/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất