Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 10/4/2016 8:55'(GMT+7)

Tân bộ trưởng Bộ Giáo dục: “Nhiệm vụ quan trọng là tạo niềm tin"

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: vnu.edu)

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: vnu.edu)

Đó là những chia sẻ của giáo sư Phùng Xuân Nhạ trong lần đầu tiên tiếp xúc với báo chí trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mục tiêu của giáo dục là con người nhân văn


- Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn là một chiếc ghế rất nóng. Trong nhiệm kỳ tới, ngành giáo dục có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận coi đây là một trận đánh lớn, còn với ông?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Bất kỳ người dân nào cũng có những mưu cầu rất chính đáng là được học hành tử tế, được sống vui vẻ, sống trong xã hội yên bình. 

Mình được giao nhiệm vụ này [Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – PV] mà lại không chú trọng đến mưu cầu đó một cách thực sự thì không đúng, vì bản chất của giáo dục là con người chứ không phải bằng cấp, càng không phải là những cái trung gian như chương trình, sách giáo khoa...

Mà mưu cầu của con người là rất tự thân. Ngay cả những người nghèo nhất họ cũng có mưu cầu được sống một cách thanh thản. Bản thân những tội phạm họ cũng không muốn làm tội phạm nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy.

Thế nên, giáo dục tội phạm là phần ngọn chứ không phải gốc. Gốc là giáo dục thế nào để hạn chế phần xấu, tăng phần thiện lên.

Mục tiêu của giáo dục là đào tạo những con người thực sự nhân văn, theo UNESCO là học để biết, học để làm việc, học để làm người, học để sống với nhau.

Mục tiêu của giáo dục không phải ở chương trình, sách giáo khoa hay là việc làm, mục tiêu của giáo dục phải là con người. Xã hội cần con người sản phẩm cuối cùng của giáo dục.

Nói chuyển đổi căn bản từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực thì rất hay nhưng nếu không đi vào nội hàm sẽ là sáo rỗng. Ai cũng biết cần chuyển đổi nhưng vấn đề là phát triển thế nào? 

Tôi xuất phát từ thực tiễn là lắng nghe nhu cầu con người. Tất cả con người đều có mưu cầu để cuộc sống tốt lên, nhân văn hơn. Từ nhu cầu đó quay trở lại giáo dục phải làm thế nào. Nhưng một mình giáo dục không làm được mà phải kết hợp nhà trường, gia đình và xã hội.

Tại sao cứ đổ hết cho giáo dục? Xã hội ở đâu? Giáo dục có cố gắng đến mấy nhưng môi trường xã hội, cộng đồng không thực sự đồng hành cùng mà chỉ bình luận, chỉ kêu thì không được.

Hãy đưa ra đòi hỏi về con người, đừng hỏi sách giáo khoa


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Lâu nay, mọi người mất nhiều công sức để nói về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhưng đó là câu chuyện của các thầy, câu chuyện của nhà trường. Với yêu cầu mục tiêu đặt ra là đào tạo con người như thế thì các thầy phải làm thế nào? Đấy là công việc có tính chất nghiệp vụ. Sao mang nghiệp vụ của thầy ra để xã hội bàn?

Có những công việc chỉ những người trong ngành bàn với nhau. Có những công việc cả xã hội cùng bàn. Không nên lẫn lộn hai thứ. 

Cũng giống như báo chí. Nghiệp vụ báo chí chúng tôi không thể biết hết được. Nhưng báo chí phải định hướng được dư luận hay làm sao để xã hội tốt lên. Còn làm thế nào để đạt được điều đó thì đấy là nghiệp vụ của báo chí.

Hãy đưa ra đòi hỏi về con người, đừng đưa ra đòi hỏi về giáo trình, sách giáo khoa, vì đó là công việc của các thầy, của nhà trường. Nếu các thầy không đáp ứng được mục tiêu đầu ra thì sách giáo khoa không giải quyết được gì. Đó chỉ là khâu trung gian trong việc quản lý, trong quá trình chứ không phải mục tiêu. 

Ví dụ, học sinh phổ thông học xong có kiến thức cơ bản, ngoan ngoãn, yêu thương, nề nếp, kỷ cương. Nhưng từ dạy nghề trở đi phải chuyên nghiệp. Như vậy, phổ thông giáo dục con người, đó là nơi ươm mầm, tạo nền móng để từ đó có người theo nghề này, nghề kia, người làm bác sỹ, người làm công nhân... Tất cả bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không thể có chuyện ông giáo sư coi thường ông công nhân.

Nếu chúng ta nhìn theo sự phân công công việc thì sẽ ứng xử với nhau tốt hơn, bao dung hơn, tôn trọng hơn, còn nhìn đẳng hạ thì lại khác. 

Tôi tiếp cận theo hướng đó chứ không phải việc thế nào là chương trình, sách giáo khoa. Đó là nhiệm vụ của các ông thứ trưởng, vụ trưởng sẽ phải làm. 

Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm. 

Nếu làm như chiến dịch thì làm xong rồi tắt luôn. Con người đâu phải chiến dịch, con người đâu phải thắng thua. Tôi quan niệm không có chuyện thắng hay thua. Nhiệm vụ quan trọng của mình là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì đó mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại.

- Ông sẽ xây dựng niềm tin đó bằng cách nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Niềm tin phải được xây dựng bằng nhận thức. 

Nhưng trước khi làm cho xã hội tin thì người trong ngành phải tin đã. Nhiều giáo viên rất buồn, rất tâm tư, tự ty. Bây giờ phải thổi được sự tự hào, niềm hứng khởi vào hàng triệu đội ngũ giáo viên, thậm chí thổi cái hổ thẹn (nếu có) cho hàng triệu giáo viên phấn khích. 

Đừng mắng mỏ, chê bai, các thầy cô giáo là “kỹ sư tâm hồn”, họ rất nhạy cảm, nhạy cảm hơn cả nghệ sỹ, khi họ đã buồn rồi thì làm sao họ “sáng tác” được? Vì thế phải động viên, khích lệ giáo viên.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.


Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất