Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc ta từng nói: "Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay"1. Trong những tên tuổi bất diệt đó, Hà Huy Tập nổi lên như một tấm gương kiên trung bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Nhà lưu niệm đồng chí Hà Huy Tập- Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1936-1938), ở làng Thổ Ngoạ, tổng Kim Nặc(nay là xã Cẩm Hưng), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh TL
|
Đồng chí Hà Huy Tập giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng gần hai năm (7-1936 – 3-1938). Công lao của đồng chí là đã tận dụng được thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, tích cực lặn lội trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng ở trong nước, sớm hình thành được Ban Chấp hành Trung ương; triệu tập và chủ trì ba Hội nghị Trung ương (3-1937, 9-1937 và 3-1938), tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, đưa phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên những bước mới. Đặc biệt, đến trước Hội nghị Trung ương tháng 3-1938, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Ban Trung ương do đồng chí đứng đầu đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của cả ba Xứ ủy và nhiều Tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở về tổ chức và lực lượng để Đảng ta vững bước tiến lên trong các giai đoạn sau.
1. Xây dựng Đảng về chính trị
Tháng 8-1936, đồng chí Hà Huy Tập về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng chí đã chỉ đạo, tiến hành sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân công tác tuyên truyền lý luận, đường lối chính sách của Đảng, đấu tranh với các nhận thức và khuynh hướng sai lầm trong Đảng.
Trong tác phẩm "Chung quanh vấn đề chiến sách mới" (10-1936) do đồng chí Hà Huy Tập khởi thảo, đã làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản của cách mạng Việt Nam.
- Về chiến lược và sách lược cách mạng. Đồng chí Hà Huy Tập nêu rõ: Chiến lược của cách mạng Đông Dương là làm cách mạng tư sản dân quyền - phản đế và điền địa, lập chính quyền công nông, chuẩn bị điều kiện đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Về sách lược thời kỳ này cần phải thay đổi, đó là lập mặt trận phản đế, tranh thủ hợp tác với giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản Pháp; ủng hộ chính phủ do L.Blum đứng đầu; thay đổi cách tổ chức quần chúng, v.v..
Đồng chí Hà Huy Tập cho rằng: "Không biết tùy hoàn cảnh để thay đổi sách lược thì không bao giờ thực hiện được mục đích. Thay đổi sách lược không phải là thay đổi mục đích. Hiểu chiến lược mà không biết dùng sách lược thì không bao giờ thực hiện được chiến lược; trái lại, biết dùng sách lược khôn khéo mà không có chiến lược thì cũng không thể thắng được địch. Chính sách của Đảng là "nhận rõ ai là kẻ địch nhân nguy hiểm nhất trong lúc hiện thời nhất định sẽ tập trung ngọn lửa vào đó mà đánh"[2].
Căn cứ vào tình hình thế giới và trong nước, Tổng Bí thư Hà Huy Tập nhận định: Ở Đông Dương, đế quốc Pháp là kẻ áp bức dân tộc, bóc lột quần chúng lao động, là kẻ thù chung của nhân dân. Vì kinh tế khủng hoảng, đế quốc Pháp tăng thêm bóc lột để bù vào sự thua thiệt cho đại tư bản làm cho quần chúng thêm căm giận, mâu thuẫn giữa tư bản bản xứ với tư bản chính quốc; mâu thuẫn giữa đế quốc Pháp với nhân dân Đông Dương thêm sâu sắc. Bọn đế quốc phản động ở Đông Dương là tay chân của phát xít ở Pháp, nên chúng tăng cường áp bức nhân dân Đông Dương. Đấu tranh chống đế quốc Pháp là nhiệm vụ chung của nhân dân Đông Dương. Nhưng lúc này, tình hình chính trị và tổ chức chưa tới thế trực tiếp đánh đổ đế quốc Pháp. Đảng chủ trương lập mặt trận nhân dân phản đế bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, cùng nhau đấu tranh đòi những quyền dân chủ đơn sơ. Nhiệm vụ của mặt trận nhân dân phản đế lúc này chưa phải là đánh đổ sự thống trị của đế quốc Pháp, mà là chống chế độ thuộc địa dã man, chống những tên thực dân phản động, tay chân của phát xít ở Đông Dương, đòi dân chủ tự do. Thành lập mặt trận nhân dân phản đế là để tập hợp lực lượng đòi quyền lợi hàng ngày chống chế độ phản động thuộc địa; là để "dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển"[3]. Đảng chủ trương liên lạc mật thiết với giai cấp vô sản, Đảng Cộng sản Pháp và cả với các phái, các cá nhân, các chi bộ của Mặt trận nhân dân Pháp ở Đông Dương chống phản động thuộc địa. Việc ủng hộ Chính phủ B.Lum không thể gọi là "Pháp Việt đề huề". Đảng Cộng sản Đông Dương không bao giờ hô hào nhân dân ủng hộ bất cứ chính phủ Pháp nào, ủng hộ bọn toàn quyền, khâm sứ ném bom tàn sát đồng bào. Đảng chủ trương ủng hộ Chính phủ B.Lum là mong Chính phủ thực hiện những yêu cầu dân chủ cho nhân dân Đông Dương.
Đây là một nhận thức rất đúng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập về mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược, giữa đấu tranh giải phóng dân tộc và yêu cầu dân chủ trước mắt.
- Về quan hệ giữa phản đế và điền địa, Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trương: "Nếu việc đấu tranh chống đế quốc là cần kíp cho lúc hiện thời, còn vấn đề giải quyết điền địa tuy quan trọng nhưng chưa phải là trực tiếp bắt buộc, thì có thể trước đánh đổ đế quốc rồi sau giải quyết vấn đề điền địa, nhưng cũng có khi vấn đề điền địa và phản đế liên tiếp giải quyết vấn đề này giúp cho vấn đề kia làm xong mục đích của cuộc vận động, nghĩa là cuộc phản đế phát triển tới trình độ võ trang tranh đấu kịch liệt, đồng thời vì muốn tăng thêm lực lượng tranh đấu chống đế quốc cần phải phát triển cuộc cách mạng điền địa"[4].
Những luận điểm trên đây của Tổng Bí thư Hà Huy Tập vừa là nhận thức sâu sắc, khoa học, cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như nước ta, vừa là nghệ thuật vận dụng tài tình sách lược đấu tranh cách mạng chống đế quốc, chống phong kiến. Đây là một bước phát triển mới về nhận thức của Đảng ta, có giá trị lịch sử và lý luận to lớn đối với cách mạng Việt Nam, khác với nhận thức ở thời kỳ 1930-1935, nó mở đường cho sự chỉ đạo đường lối chiến lược và sách lược cách mạng trong những thời kỳ sau, cho đến khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ. Các nghị quyết Trung ương về Mặt trận dân tộc thống nhất tháng 11-1939, tháng 11-1940 và tháng 5-1941 đều thống nhất với nhận định trong tác phẩm "Chung quanh vấn đề chiến sách mới", về mối quan hệ giữa chống đế quốc và chống phong kiến.
Đây là một cống hiến lý luận quan trọng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
2. Xây dựng Đảng về tư tưởng
Tổng Bí thư Hà Huy Tập là người rất quan tâm đến công tác tư tưởng của Đảng, chú trọng đến việc xuất bản báo, tạp chí và xem đây là vũ khí cực kỳ quan trọng, sắc bén để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; đấu tranh chống các khuynh hướng sai lầm trong Đảng, những tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch.
Thời kỳ hoạt động và học tập ở Liên Xô, Hà Huy Tập viết nhiều bài nghiên cứu, tuyên truyền về lịch sử Đảng ta, như Lịch sử củaTân Việt cách mạng Đảng (1929), Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931), Thư gửi Ban biên tập tạp chí Bôn sơ vích (1932), Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng cộng sản Đông Dương (1933), đăng trên Tạp chí Cahiers du Bolchevisme. ( Tạp chí Bônsêvích, cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp). Năm 1934, Hà Huy Tập là người sáng lập và là Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơ vích (cơ quan lý luận của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng).
Khi về nước, Hà Huy Tập viết nhiều bài đăng trên các báo La Lutte (Tranh đấu), L’ Avant-garde ( Tiền phong, do Hà Huy Tập làm Tổng biên tập), Le Peuple ( Dân chúng, do Hà Huy Tập làm Tổng biên tập ), En Avant (Tiến lên), Kịch bóng, với các bút danh Hong Qui Vit, H.Q.V, Châu Dân, “Một nhóm công nhân Ban biên tập báo L’ Avant-garde”, như: Ủng hộ hay phản đối mặt trận nhân dân (Báo La Lutte); Ủng hộ mặt trận nhân dân Đông Dương. Quan điểm chính trị của chúng tôi (báo En Avant ); Ông Trần Văn Thạch nói láo (báo Kịch bóng)…và viết 5 cuốn sách: Trốtxky và phản cách mạng (1937) và Vì sao cần ủng hộ Mặt trận bình dân bên Pháp (1937) ký tên Thanh Hương; Cộng sản là gì, Ai chia rẽ nhóm La Lutte, Sự thật về vụ án ở Moscou (1938) ký tên Nguyễn Văn Trấn. Các bài báo, sách của Hà Huy Tập viết tập trung vào các nội dung: Ủng hộ Mặt trận nhân sân Pháp và Chính phủ của mặt trận bình dân; vận động thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương; chống phản động thuộc đại và chủ nghĩa phát xít, đòi các quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống; chống các xu hướng “tả” và hữu khuynh trong đường lối chính trị và tổ chức của Đảng. Nội dung này có quan hệ đến tất cả các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, phản ánh cuộc đấu tranh trong đời sống xã hội và thể hiện tiếng nói của Đảng, đứng ở trung tâm cuộc đấu tranh và là người lãnh đạo cuộc đấu tranh đó.
2. Xây dựng Đảng về tổ chức
Một vấn đề được đặt ra ngay từ khi đồng chí Hà Huy Tập về nước, đó là đấu tranh cho Đảng và hoạt động công khai, làm cho ảnh hưởng của Đảng lan rộng trong nhân dân, công khai lãnh đạo quần chúng đấu tranh cho tự do dân chủ, cải thiện đời sống.
Trên cơ sở móc nối, liên lạc được với các Ban Xứ ủy, ngày 12-10-1936, đồng chí Hà Huy Tập đã triệu tập một cuộc Hội nghị cán bộ để tổ chức ra Ban Trung ương lâm thời, do đồng chí làm Bí thư. Sau Hội nghị, Ban Trung ương đã cử các đồng chí đi Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên để tìm cách khôi phục các mối liên lạc.
Được cộng nhận công khai, về mặt pháp lý tức là có địa vị hợp pháp. Đảng ta không có địa vị hợp pháp, nên không được công nhận công khai. Dựa trên phong trào quần chúng đấu tranh cho tự do dân chủ lên mạnh, Đảng ta đã cử một số đảng viên ra hoạt động công khai và nửa công khai. Báo chí của Đảng xuất bản công khai, nửa hợp pháp và hợp pháp. Tháng 10-1937, nhà cầm quyền mới có thông tư "Từ nay không được truy tố những người có chân trong Đảng Cộng sản hay lập ra những chi bộ cộng sản, vì những hoạt động ấy không phạm vào điều thứ 91 của Luật Hình sự sửa đổi"[5]. Tuy không có văn bản pháp lý nào chính thức công nhận Đảng được công khai, hợp pháp, nhưng thông tư mặc nhiên và gián tiếp công nhận những đảng viên cộng sản, các tổ chức cộng sản được hoạt động không bị truy tố, vì không phạm pháp. Đảng ta đã hoạt động dưới hình thức ấy.
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã mở rộng công tác tuyên truyền để đảng viên và quần chúng hiểu đúng về Đảng Cộng sản. Chống lại quan điểm của các nhóm tơrốtxkít cho rằng: "Đảng ta chỉ biết quyền lợi của lao động, không biết quyền lợi của nhân dân, của dân tộc"; kết hợp tuyên truyền, cổ động với đấu tranh cho quyền lợi hàng ngày của đông đảo quần chúng, của toàn dân tộc để đoàn kết họ chung quanh Đảng Cộng sản.
Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các đảng viên hoạt động bí mật, nửa công khai và công khai, ở tù mới ra, ở trong nước hay ở nước ngoài về cùng nhau ra sức xây dựng lại cơ sở và hệ thống tổ chức của Đảng. Xứ ủy Nam Kỳ được bổ sung cán bộ, chấn chỉnh tổ chức để tăng khả năng làm việc, lãnh đạo toàn xứ, Xứ ủy Bắc Kỳ, Liên Bắc Trung Kỳ được thành lập, Ban Chấp hành Trung ương được bổ sung thêm cán bộ như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu đang tích cực khôi phục cơ sở và hệ thống tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã thực hiện đường lối chính trị mới, được đảng viên và quần chúng đồng tình; phong trào quần chúng diễn ra sôi nổi và đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu; công tác Đảng được phát triển, ảnh hưởng của Đảng lan rộng.
Để thống nhất các tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, xác định những chủ trương mới nhằm thúc đẩy phong trào phát triển, ngày 13 và 14 tháng 3-1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương, quyết định một số vấn đề quan trọng: về tổ chức quần chúng; về tham gia các cuộc tuyển cử; về lập Mặt trận dân tộc thống nhất nhân dân Đông Dương; về tuyên truyền và cổ động; về tổ chức Đảng; về tổ chức lực lượng v.v.. Những chủ trương đó được thể hiện trong bản Thông cáo ngày 20-3-1937. Thông cáo là bước phát triển quan trọng trong nhận thức lý luận của Đảng ta về mối quan hệ giữa đường lối chính trị và tổ chức lực lượng, sự sáng tạo, linh hoạt trong việc đề ra những hình thức tổ chức thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đối tượng nhằm thu hút đông đảo quần chúng vào cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ. Đồng thời cũng là sự thể hiện năng lực chỉ đạo sắc bén của Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 3-1937, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình đã phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện và có tổ chức. Tổ chức Đảng từ cấp ủy xuống đến cơ sở đã có hầu hết ở các địa phương trong cả nước, kịp thời lãnh đạo các tổ chức quần chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những thắng lợi, cũng còn khá nhiều khuyết điểm, thậm chí sai lệch trong quá trình chỉ đạo phong trào, cần phải uốn nắn, khắc phục. Trước tình hình đó, để đẩy nhanh phong trào thành cao trào cách mạng trong cả nước, ngày 2 và 3 tháng 9-1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương. Hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình trong nước và thế giới, về công tác vận động quần chúng, về tình hình hoạt động của Đảng và những sai lầm khuyết điểm của Đảng; về công tác xây dựng Đảng, v.v.. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 đồng chí; Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí, do đồng chí Hà Huy Tập là Tổng Bí thư.
Tháng 3-1938, Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Trung ương. Với trách nhiệm của mình, đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị nội dung, dự thảo nghị quyết và ra nghị quyết chính thức của Hội nghị. Sau Hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí Hà Huy Tập đã viết báo cáo gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản về tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương 6 tháng (9-1937 đến 3-1938).
Như vậy là hơn một năm, từ khi về nước, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã hoàn thành việc thành lập và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương mới với các thành viên là những cán bộ đảng kỳ cựu xứng đáng là những người tiêu biểu cho trí tuệ và kinh nghiệm đấu tranh của Đảng, đủ sức lãnh đạo Đảng và đưa phong trào cách mạng của quần chúng tiến lên cao trào mới./.
PGS,TS Nguyễn Thị Kim Dung
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, tr.159-160.
[2] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr.141.
[3] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr.151.
[4] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr.152.
[5] Báo Thời Thế, do Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo, số 1, ngày 30-10-1937.