Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 15/6/2012 13:40'(GMT+7)

Lỗ hổng trong phòng ngừa HIV

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Người nhà của bạn tôi quê ở Quảng Ninh, mới đây đi kiểm tra sức khỏe đã vô tình phát hiện mình bị nhiễm HIV. Anh là người đứng đắn, có học thức, khẳng định chắc chắn không phải loại “tiêm chích” và quan hệ “ngoài luồng” nhưng không hiểu vì sao nên nỗi?

Mới đây, dư luận cũng xôn xao chuyện 12 người dân ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, bị phát hiện nhiễm HIV một cách bí hiểm, trong đó có cả những người cao tuổi. Cho đến nay, ngoài những nghi vấn do tiêm thuốc chữa bệnh ở nhà một nhân viên y tế, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nhiễm “hát”?

Ngoài những trường hợp vô tình được phát hiện, liệu còn những ai vẫn hồn nhiên sống mà không biết mình đang bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Biết đâu đấy, chính họ lại vô tình đi gieo rắc mầm bệnh!

Những ai bị nhiễm vi-rút HIV/AIDS luôn có suy nghĩ cầm chắc cái chết. Nhiều người còn phải chịu thêm nỗi hổ thẹn, dằn vặt khi bị mọi người nghi ngờ về lối sống không trong sạch... Cho đến nay, mọi nỗ lực truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đều tập trung vào ba nguồn lây nhiễm là từ mẹ sang con, truyền máu và quan hệ tình dục. Vậy nếu loại trừ ba nguyên nhân trên thì số người bị “nhiễm oan” HIV là do đâu?

Lâu nay, người dân đã quen phòng ngừa HIV/AIDS theo khẩu hiệu “Quan hệ tình dục lành mạnh”, “Hãy dùng bao cao su”, “Không dùng chung bơm kim tiêm”. Việc này là cần thiết và cực kỳ hữu ích. Thế nhưng cũng có những phương tiện trong sinh hoạt hằng ngày rất có thể là thủ phạm “gây án”. Một ông thợ cắt tóc có thể dùng lưỡi dao cạo, đồ dùng ngoáy tai để tái sử dụng cho nhiều người. Một nhân viên nha khoa tư nhân có thể sẽ dùng chung dụng cụ y tế để nhổ răng, lấy cao răng, chữa viêm lợi cho bất cứ khách hàng nào. Một “thầy lang vườn” hoàn toàn có thể châm cứu cho người bệnh bằng kim châm không qua khử trùng. Đặc biệt là việc tiêm thuốc, truyền nước, lấy máu xét nghiệm… ở một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân không phải nơi nào cũng thực hiện đúng quy định! Ai dám chắc, trong số những phương tiện, vật dụng kia không làm tổn thương da, gây trầy xước niêm mạc, và mầm bệnh hoàn toàn có thể khu trú trên dụng cụ được khám trước đó cho một người bị nhiễm HIV.

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến hết năm 2011, Việt Nam đã có 52.325 người tử vong do HIV/AIDS, khoảng gần 200.000 được phát hiện bị nhiễm HIV. Với tình hình lây nhiễm vẫn tăng cao hiện nay, công tác ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng phải làm tốt hơn nữa. Cùng với tăng cường đầu tư, giám sát việc dự phòng lây nhiễm HIV qua các dịch vụ xã hội và y tế, trong đó Nhà nước chú trọng việc cung cấp trang thiết bị y tế bảo đảm vô trùng, tiệt trùng cho các cơ sở y tế, thì ngành chức năng cần có những quy định cụ thể và giám sát chặt chẽ việc sử dụng phương tiện khám, chữa bệnh tư nhân, phòng ngừa lây nhiễm HIV tại đây. Còn nữa, ngay cả các cơ sở thẩm mỹ viện, cắt tóc, châm cứu… cũng phải có chế tài xử lý cần thiết và nghiêm túc, tránh “thả nổi” như hiện nay. Đây có lẽ chính là lỗ hổng trong phòng ngừa HIV./.

(Lê Thiết Hùng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất