Loạn ngôn thường thấy ở những người bạ
đâu nói đấy, bất chấp phép tắc, nói “như đúng rồi” mà không nghĩ tới hậu
quả. Lộng ngôn thể hiện qua những lời đay nghiến, phỉ báng, một tấc đến
trời. Ngoa ngôn thì gặp từ vỉa hè đến nơi công sở, chả hiếm những lời
quá quắt, thị phi, phải trái bất phân. Còn xảo ngôn thì lắm khi nghe có
vẻ lọt lỗ tai, nhưng thường là lời bịa đặt, giả dối.
Đáng chú ý, trong rất nhiều thứ loạn ngôn ngoài đường phố, trong công sở thì biểu hiện này trên các mạng xã hội như
Facebook, Zalo, Twitter, TikTok, Instagram... là phổ biến nhất. Các
nhân vật “chém” mạnh nhất lại thường là một số người trong giới nghệ sĩ,
trí thức, làng văn, làng báo... Họ là những người có sức ảnh hưởng lớn
tới công chúng. Chính vì thế, sức công phá của những quả tù mù có khói
độc nguy hại khôn lường.
Loạn ngôn, lộng ngôn nhảy dựng lên trên những sân khấu nào? Thôi thì
đủ cả, chuyện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là chuyện nhân
sự. Họ thông tin, bình luận, phán xét với cách nhìn phiến diện, chủ quan
và cả những ác ý nhằm giải tỏa những ấm ức cá nhân, hoặc nhằm trả thù
một ai đó. Họ bàn chuyện trong nước, ngoài nước, chuyện chính sử, chuyện
ngoài chính sử, từ chuyện vô lối như “đưa lược cho sư” đến chuyện hoang
đường “gà mái gáy”. Họ nhất quyết tin “cỏ bên kia đồi luôn xanh”, cái
gì của tây cũng nhất, còn của ta thì chỉ đáng nải chuối cuối buồng. Có
cán bộ cấp cao gương mẫu không đi máy bay vé VIP, đáng hoan nghênh chứ,
vậy mà cũng có người dè bỉu “diễn ấy mà”(!). Thậm chí, công việc đại sự
chống tham nhũng cũng có những “anh hùng bàn phím” nhảy vào xiên xẹo
lung tung, cho rằng, chẳng qua đây là cuộc thanh trừng nội bộ, là nhằm
phang “chết tươi” hoặc “có sống cũng thành tật” những người thuộc phe
này, nhóm kia(!).
Hơn hai năm cả nước gồng mình chống đại dịch COVID-19, cùng với những
điều tốt đẹp cũng không ít chuyện đáng buồn, trong đó có chuyện ngồi lê
đôi mách, một tấc đến trời. Đến mức có những đối tượng đã bị xử lý
trước pháp luật. Điển hình là trường hợp một cá nhân ở quận Nam Từ Liêm,
Hà Nội đã đăng
tải gần 300 bài viết, đưa các thông tin bịa đặt trên Facebook, ám chỉ
một số cá nhân đại diện các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán
sắp bị bắt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt
hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư. Trường hợp
khác là một nữ doanh nhân ở phía Nam đã tổ chức nhiều buổi phát trực
tiếp những thông tin từ "trên trời rơi xuống", tùy tiện sử dụng những từ
“lộng ngôn, loạn ngôn, xảo ngôn” mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh
dự, nhân phẩm của người khác.
Đấy là trường hợp vi phạm pháp luật. Còn có những trường hợp tuy
không vi phạm nhưng lại gây nhức nhối, tê buốt, như vướng cái dằm lim
trong kẽ móng tay. Lời nói gió không bay mà nó luẩn quẩn, găm vào óc,
vào tim bao người, nhất là với các bạn trẻ, gây lệch chuẩn, rối loạn giá
trị. Có cả những anh nói năng lưu loát, luôn tỏ vẻ ta đây đọc thiên
kinh vạn quyển, thật ra thì chữ nghĩa cũng vừa một vốc. Chuyện mới đây ở
lễ khai giảng của một trường quốc tế tại Việt Nam là một thí dụ. Có anh
được gọi là “diễn giả” nói về “trọc phú kiến thức”, ý nói cần phải có
kiến thức thật từ mình (tri thức nguyên bản), chứ không chỉ có mớ kiến
thức hổ lốn đọc được qua sách vở. Ý kiến này gây một làn sóng tranh
luận, rằng chính “diễn giả” kia đã làm rối tung rối mù một câu chuyện
muôn thuở: Học trong sách và học trong cuộc sống, đọc sách và ngấm sách.
Cha ông ta chẳng đã phê phán, đã kể bao câu chuyện thâm thúy về những
người học vẹt là gì?
Đến đây tôi nhớ đến câu phương ngôn quen thuộc: “Người ta chỉ mất ba
năm để học nói, nhưng mất cả đời để học nghe”. Học nghe và cũng cần tiếp
tục học nói suốt đời, để tránh loạn ngôn, lộng ngôn./.
Hải Đường (qdnd.vn)