Những trò chơi tập thể nhưng đầy rẫy kiểu chơi phản cảm, gợi dục. Càng nhức nhối hơn khi “đầu têu” trò chơi đó lại là đoàn, hội các trường học, công ty, xí nghiệp dưới danh nghĩa gắn kết tinh thần cộng đồng.
Mới đây, trò chơi tập thể “chuyền thẻ bằng mặt” mà Trường THPT
Thực hành Sư phạm (THSP) Đại học Cần Thơ tổ chức cho học sinh dịp mừng
ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, bị dư luận lên án dữ dội.
Trong đoạn clip xuất hiện trên mạng, hai học sinh khác giới đặt một
tấm thẻ mỏng lên môi rồi nằm xuống đất, ôm nhau, giữ chặt tấm thẻ lăn
một vòng rồi chuyền cho người khác. Đội nào chuyền nhanh nhất sẽ là
thắng cuộc. Hiệu trưởng cho biết đây không phải là trò do học sinh nghĩ
ra mà có xuất xứ từ nước Nhật. Trò này nằm trong chương trình sinh hoạt
“Trò chơi lớn” dành cho học sinh đã được Ban giám hiệu trường giao cho
Đoàn trường tổ chức.
Trong bức thư ngỏ viết ngày 24/8 gửi Hiệu trưởng Trường
THPT- THSP Đại học Cần Thơ, anh Lê Hoàng Hải - du học sinh người Việt
tại Nhật Bản, khẳng định đây là trò chơi mang tính kích dục, dành cho người lớn của Nhật Bản, thường được phát trên truyền hình vào ban
đêm...
Đáng báo động là dạng trò chơi này không thiếu khi tham gia sinh hoạt
tập thể với các tổ chức đoàn, hội, đặc biệt là đoàn hội có lượng thanh
niên tham gia đông đảo. Người ta từng chia sẻ vô số clip ghi lại trò
chơi quái đản giữa thanh thiên bạch nhật.
Nào là cánh đàn ông con trai thi nhau ăn hai chùm nho treo tòn ten
trước ngực chị em, thi bú bình sữa mà chị em kẹp vào nách, ăn trái táo
đặt dưới thắt lưng chị em. Nào là cánh chị em thi nhau ăn quả chuối ở
chỗ nhạy cảm của quý ông, nằm lên người quý ông để cố làm sao đè nổ bong
bóng đặt ở mông hoặc phần nhạy cảm. Vân vân và vân vân…
Thanh thiếu niên thoải mái chơi những trò kiểu này mà không chút e dè
bởi ngay trên truyền hình và mạng xã hội không thiếu kiểu gameshow mang
tính khiêu dâm. Gameshow “Cười là thua” trên truyền hình có vô vàn kiểu
chọc khán giả cười bằng đủ trò sờ soạng, làm tư thế nhạy cảm. Mà người
tham gia toàn nghệ sĩ có tên có tuổi.
Ở gameshow “Kỳ phùng địch thủ”, trước mặt đông đảo khán giả, Trấn
Thành, Vân Sơn và không ít nghệ sĩ khách mời liên tục đụng chạm vào chỗ
hiểm, thậm chí “khóa môi” người mẫu Ngọc Trinh khi cô làm MC. Truyền
hình còn có nhà đài kiểm duyệt nên mức độ thô thiển, phản cảm vẫn được
hạn chế phần nào.
Riêng YouTube, ai đăng gì cũng được nên các gameshow khiêu dâm đầy
rẫy và trở thành mồi câu khách cực hút. Tâm bão giai đoạn này xoay quanh
chương trình “Date and Kiss” (Hẹn hò và hôn) khi cô gái thoái mái hẹn
hò, hôn hít hai chàng trai ngay lần đầu gặp mặt để chọn người yêu.
Nếu soát lại các trò chơi từng gây bão, thì mức độ của “Date and
Kiss” không thấm tháp gì so với “Dare pong” và “Rút gạch xây tổ ấm”. Hai
chương trình này sở hữu loạt thử thách buộc người chơi phải làm đủ trò
“đỏ mặt” như cởi quần áo, dây nịch bằng răng, ăn thức ăn đặt ở điểm nhạy
cảm trên cơ thể, liếm kem trên người, nhảy gợi cảm, vỗ vào mông nhau,
mô tả tư thế “yêu” mà người chơi thích nhất… Tham gia chương trình này
không phải chỉ có những chàng trai, cô gái xa lạ mà ngay cả hotgirl,
hotboy đình đám trong giới trẻ cũng tham gia.
Học hỏi từ “thần tượng”, bây giờ rất nhiều trò chơi mang tính phong
trào, kết nối tinh thần đồng đội đã không còn lành mạnh mà bị khiêu dâm
hóa. Nó không chỉ dừng lại ở các anh chị thanh niên, mà ngay cả lứa tuổi
học sinh cũng bắt đầu bị cuốn vào. V.X.H - một người từng tổ chức những
trò chơi nhạy cảm phân bua: “Những tư thế, hành động liên tưởng đến
chuyện người lớn như vậy mới kích thích, làm khó người chơi và thu hút
khán giả xung quanh. Họ vừa ngượng ngùng vừa vui. Trò chơi như vậy mới
có sức hoạt náo, gây cười chứ trò nghiêm túc thì chán ngắt. Tư tưởng bây
giờ cũng thoáng, không khắt khe nên những trò này cũng bình thường thôi
mà”.
Vui đấy, nhưng sau cuộc vui, tác hại mà người chơi và xã hội nhận lấy
là gì? Phân tích về hệ quả trò chơi kích dục mà Trường THPT - THSP Đại
học Cần Thơ tổ chức cho học sinh, anh Lê Hoàng Hải - du học sinh người Việt
tại Nhật Bản viết trong thư: “Tôi thực sự
lấy làm quái dị khi ông (tức hiệu trưởng – PV) lấy cớ đây là trò chơi
của Nhật và cho học sinh lớp 10 chơi, khi mà tuổi của chúng chỉ vừa
13-14, vừa bắt đầu dậy thì, bắt đầu có ý tưởng về chuyện quan hệ xác
thịt và tò mò với cơ thể bạn khác giới. Ở lứa tuổi này, chỉ cần một sự
kích thích nhỏ về tình dục cũng có thể dẫn tới những hành vi không kiểm
soát, để lại những hậu quả khôn lường”.
Ca sĩ Thụy Uyên cho rằng, những trò chơi thiếu văn hóa chỉ chứng tỏ rằng
nhận thức của một bộ phận giới trẻ đang xuống cấp trầm trọng. Tư tưởng
bây giờ cởi mở nhưng không thể đem chuyện phòng the ra làm trò chơi
trước bàn dân thiên hạ dưới danh nghĩa là đi tìm tình yêu, thậm chí thô
bỉ hơn là gắn kết tinh thần cộng đồng, chào mừng ngày lễ lớn của đất
nước.
Thế nhưng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho bọn trẻ mà đáng bị phê phán
trước tiên là người lớn. Họ trưởng thành, có học hành đầy đủ nhưng lại
là người chỉ đạo, tổ chức những trò chơi kích dục ấy với mục đích vui là
chính hoặc câu khách, tìm kiếm lợi nhuận. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng
Khắc Hiếu cho hay, trò chơi vận động là hoạt động tập thể không thể
thiếu để chơi mà học hoặc giải trí. Nhưng giải trí thì cũng phải giải
trí lành mạnh. Tham gia trò chơi độc hại trên, người trẻ là những nạn
nhân bị nhào nặn nhận thức lệch lạc về tình yêu, tình dục. Họ coi nhẹ
tình yêu, dễ dãi với tình dục, rẻ rúng phụ nữ, từ đó dễ dẫn đến các hành
vi nguy hiểm như quấy rối, xâm hại tình dục…
Khi những clip, hình ảnh không hay của trò chơi ấy bị tung ra, nhân
vật bị “ném đá” nhiều nhất lại là người chơi. Người “đầu têu” nếu bị đưa
ra công luận cũng tìm cách ngụy biện. Đơn cử như lãnh đạo Trường THPT -
THSP Đại học Cần Thơ. Trong buổi họp báo để trình bày về vụ việc, Hiệu
trưởng nói nhận trách nhiệm nhưng lại đổ cho khâu tổ chức và cho rằng
học sinh khá đông, các giáo viên sơ suất không giám sát kịp thời.
Rồi ông Hiệu trưởng lại bảo vụ việc trở nên ầm ĩ là tại dư luận “trầm
trọng hóa vấn đề” chứ phụ huynh học sinh đâu có ý kiến trái chiều nào.
Chẳng lẽ trái ngược với làn sóng phản đối của dư luận, các bậc làm cha
làm mẹ có con em bị xúi tham gia trò chơi biến thái này đều cho rằng nó
là điều bình thường?
Riêng các gameshow khiêu dâm như “Date and Kiss”, “Dare pong”…, người
hứng chịu gạch đá vẫn là nam thanh nữ tú tham gia trò chơi. Riêng nhà
sản xuất gameshow này vẫn chưa mấy ai biết mặt mũi ngang dọc thế nào
trong khi họ ngang nhiên gửi thông cáo báo chí biện hộ cho mình khi xảy
ra lùm xùm như một chiến dịch truyền thông bài bản.
Để những trò phản văn hóa như vậy không có đất tồn tại, những người bày
trò phải bị phê phán mạnh mẽ. Người chơi phải kiên quyết tẩy chay, không
tham gia trò phản cảm, thô tục như thế. Những trò chơi bổ ích, hướng
dẫn kỹ năng sống, phát triển tri thức, thể lực, tinh thần đoàn kết… cần
thay đổi cách chơi và nhân rộng để giới trẻ hào hứng tham gia./.
Mai Quỳnh Nga (Văn nghệ Công an)