Thứ Sáu, 8/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 17/5/2010 14:41'(GMT+7)

Lời Người dạy trở thành phương châm sống

Nữ Anh hùng Phạm Thị Vách (thứ hai từ bên phải ) vinh dự được gặp Bác Hồ nhân dịp Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1962 - Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Nữ Anh hùng Phạm Thị Vách (thứ hai từ bên phải ) vinh dự được gặp Bác Hồ nhân dịp Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1962 - Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Bà Phạm Thị Vách trú tại thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động, Hưng Yên), được phong Anh hùng Lao động năm 1962 và nhiều lần được vinh dự gặp Bác Hồ...

Gần gũi quần chúng để học tập, làm việc

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về nữ Anh hùng Phạm Thị Vách là sự cởi mở và thân thiện. Ở tuổi 71 nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh và nụ cười luôn xuất hiện trên khuôn mặt đã hằn những nếp nhăn thời gian.

Bà Vách nhớ lại, đó là năm 1960, khi Bác về tỉnh Hưng Yên dự Hội nghị thủy lợi miền bắc và động viên cán bộ và nhân dân tỉnh trong quá trình xây dựng công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tại hội trường, Bác đã hỏi cán bộ và nhân dân: “Bé Vách có xứng đáng được Bác trao huy hiệu của Bác không?”. Nghe Bác hỏi vậy, mọi người đều vỗ tay đồng ý.

“Lúc đó, tôi mới 20 tuổi, Bác gọi tôi là bé Vách và Bác trực tiếp trao tặng huy hiệu cho tôi. Tôi vui mừng sung sướng đến rơi nước mắt, chân tay lập cập không bước đi được. Đồng chí Lê Quý Quỳnh (nguyên Bí thư tỉnh Hưng Yên) phải dắt tôi lên”, bà Vách kể lại.

Bà Phạm Thị Vách - Ảnh Chinhphu.vn

Lần thứ hai, bà Vách được gặp Bác là ở  Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 3 tại Hà Nội năm 1962. Tại đại hội này, bà được phong tặng Anh hùng Lao động vì có thành tích lao động xuất sắc trong những năm  làm công tác thủy lợi.

Đêm trước diễn ra đại hội, bà được gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Tại buổi gặp, Bác đã ân cần căn dặn: “Cháu đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn nữa. Gần gũi quần chúng để học tập mà làm việc”. Nghe Bác nói vậy, bà vô cùng xúc động và tự nhủ sẽ làm việc tốt hơn.

Lời dặn dò trên của Bác đã trở thành phương châm sống và làm việc của bà Vách kể từ ngày đó đến bây giờ. Dù là những năm tháng làm thủy lợi gian nan, vất vả hay khi làm Phó Bí thư Huyện ủy bà vẫn luôn nhớ đến lời dạy của Người, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm việc hết mình vì lợi ích của nhân dân.

Nữ Anh hùng Phạm Thị Vách tiếp tục câu chuyện bằng những hình ảnh bà lên thăm khi Bác ốm vào thời điểm tháng 8/1969. Bà nhớ lại: “Lúc tôi vào thăm Bác thì thấy Bác đang nằm trên giường. Tôi bước lại gần Bác, gọi Bác nhưng Bác chỉ gật đầu. Nhìn thấy Bác như vậy, tôi đã bật khóc…”

Khi được hỏi, lời dạy nào của Bác mà bà nhớ nhất? Nhìn vào bức ảnh chụp với Bác Hồ, bà nói: “Đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn nữa. Gần gũi quần chúng để học tập mà làm việc. Lời dạy của Bác luôn nhắc nhở tôi hoàn thành tốt công việc của mình dù ở cương vị nào”.

Không bao giờ nghĩ đến tư lợi cho bản thân

Nữ Anh hùng lao động Vũ Thị Tỵ (ở xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) kể, lần đầu tiên bà gặp Bác khi mới 14 tuổi. Lúc đó, bà là thành viên của đội thiếu niên tham dự hội diễn văn nghệ đón Bác về thăm tỉnh Hưng Yên. Nhìn Bác ân cần hỏi thăm, động viên nhân dân và chứng kiến Bác biểu dương tinh thần lao động xuất sắc của chị Phạm Thị Vách, bà vô cùng xúc động, hào hứng.

Đặc biệt, lời dạy của Bác Hồ “làm thủy lợi khó nhọc vài năm nhưng được sung sướng muôn đời” đã có tác động mạnh đến nhận thức của bà. Ngay từ ngày ấy, bà luôn tâm niệm phải lao động thật tốt để góp phần xây dựng quê hương, đất nước theo lời dạy của Người.

Nữ Anh hùng Vũ Thị Tỵ xưa và nay

Trong trí nhớ của bà, cái đói, cái nghèo của người dân trước khi chưa có những công trình thủy lợi vẫn còn hiện rõ. Trước kia, vùng đất Triêù Dương, nơi bà sinh sống quanh năm ngập lụt và hạn hán, thường xuyên bị mất mùa  nên đói nghèo cứ đeo đẳng. Đất Triều Dương ngày ấy đã đi vào ca dao tục ngữ: “Trăm cái tội không bằng lội Triều Dương…”

Thấu hiểu điều đó,  năm 1961, khi 17 tuổi, bà đã hăng hái tham gia làm thủy lợi nội đồng, xây dựng “Đội tên lửa” bao gồm những người lao động giỏi nhất ở địa phương. Nghe theo lời dạy của Bác, dù gian khổ vất vả đến đâu bà cũng vượt qua. Không kể trời mưa hay nắng bà luôn hăng say làm việc, những khối đất bà vác hay những gánh đất bà gánh đắp đê bao giờ cũng to hơn, nặng hơn người khác.

Nhớ lại những ngày đó, bà bảo: “Chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi, trên vai vác những khối đất nặng 60 - 70 cân mà vẫn đi băng băng. Ai cũng tự nhủ, làm việc hết mình để xây dựng quê hương, đất nước, không bao giờ nghĩ đến tư lợi cho bản thân”.

Bà còn được biết đến là người có nhiều cải tiến công cụ làm thủy lợi. Bà đã sáng kiến ra chiếc mai xúc đất hai lưỡi, chế tạo ra xe goòng… để chở đất được nhiều hơn, nâng cao năng suất lao động, giảm được từ 3- 4 lao động.

Qua nhiều năm lao động tích cực, với nhiều thành tích xuất sắc, ngày 1/1/1967, bà vinh dự được tham gia Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại đây, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và được Bác Hồ tận tay trao bằng khen.

Bà cùng với 30 người khác được Bác mời gặp mặt tại Phủ Chủ tịch. Trước ngày gặp Bác, bà đã thao thức cả đêm, chỉ mong cho trời mau sáng để được gặp Bác.

“Sáng hôm đó, chúng tôi được gặp Bác khoảng 30 phút. Ngồi bên Bác, nghe Bác nói, tôi cảm nhận thấy tình cảm Bác dành cho nhân dân, đất nước là vô bờ bến. Hình ảnh Bác luôn sống trong trái tim tôi…”, bà Tỵ nói.

Nguyễn Thắng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất