PV: “Văn hóa, sinh thái, tri thức, dân tộc và hiện đại” được xác định là tầm nhìn của Thành phố Bắc Ninh tương lai. Đồng chí có thể chia sẻ gì về ý tưởng này?
Đó là một ý tưởng mà lãnh đạo Bắc Ninh đang rất tâm huyết và trăn trở. Tầm nhìn về Thành phố Bắc Ninh mới trong tương lai sẽ là một “đô thị thông minh” với những thế mạnh, những giá trị riêng biệt, hấp dẫn khiến mọi người “muốn đến thăm”, “muốn sống thử” và “muốn sống mãi”. Thành phố Kinh Bắc mới với các tiêu chí: “Văn hóa, sinh thái, tri thức, dân tộc và hiện đại” sẽ là một thành phố trực thuộc Trung ương, có vai trò là một cực của “tam giác phát triển” vùng Thủ đô, vừa gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường, vừa giàu có về văn hóa, lịch sử, vừa tiếp cận được công nghệ, nguồn nhân lực gắn kết được với tương lai.
Về lộ trình thời gian, theo Quyết định số 338/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, đô thị Bắc Ninh sẽ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh trước năm 2025; tỉnh Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến trước năm 2030.
PV: Ưu thế nào của Bắc Ninh để làm cơ sở xây dựng ý tưởng và khát vọng này?
Ý tưởng này được xây dựng trên cơ sở những tiềm lực của Bắc Ninh, được nghiên cứu từ thực tiễn Bắc Ninh với những luận cứ khoa học.
Bắc Ninh có lợi thế to lớn về vị trí địa lý kinh tế - chính trị trong hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc và cả nước.
Sau 17 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp sang một tỉnh công nghiệp – đô thị với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Điều đó cho thấy thành công trong tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh những năm qua.
Con người Bắc Ninh mang trong mình truyền thống văn hóa Kinh Bắc, hiếu khách, cần cù và sáng tạo với những đôi bàn tay khéo léo mang đậm nét dân gian của vùng trăm nghề như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, làm giấy, tranh vẽ dân gian. Những nét đẹp văn hóa quyến rũ lòng người như những làn điệu dân ca quan họ - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Bắc Ninh có không gian phát triển du lịch như “về miền quan họ”; khu văn hóa – lễ hội Đền Bà chúa Kho; Đền Đầm gắn với Lăng sơn cấm địa nhà Lý và cảnh quan Tiêu Tương; không gian lễ hội Lim; khu chiến tuyến lịch sử Như Nguyệt; khu du lịch sinh thái và tâm linh Phật Tích; làng cổ Vạn Ninh, làng nghề tranh tre Xuân Lai, gò đúc đồng Đại Bái, tranh Đông hồ, gốm Phù Lãng, du lịch sông Đuống thăm viếng đền Cao Lỗ Vương, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành cổ Luy Lâu, di tích Lệ Chi Viên, đền thờ Lê Văn Thịnh, cảnh quan núi Thiên Thai…
Quá trình đô thị hóa ở Bắc Ninh vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Công nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển cùng với việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại. Nhiều thương hiệu của các hãng sản xuất nổi tiếng thế giới đã đặt nhà máy tại Bắc Ninh như: Canon, SamSung, Nokia, ABB, Pepsico… Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ gắn khu công nghiệp đô thị, hình thành khu công nghiệp công nghệ cao, phân định, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo sự chuyển biến nhanh về cơ cấu lao động, việc làm và thu nhập. Dân số, lao động, thu nhập bình quân trên người cũng khá cao, quá trình chuyển dịch dân cư - đô thị hóa, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đang diễn ra tích cực, đúng hướng, có tính cộng hưởng.
Tuy nhiên, từ làng lên phố, hòa nhập mà không hòa tan… là những bài toán không hề đơn giản. Ý tưởng thì đã có, nhưng làm thế nào để biến thành hiện thực thì Bắc Ninh đã và đang nỗ lực xây dựng hệ thống giải pháp để thực hiện. Điều này theo tôi, chắc chắn không đơn giản, cần có sự đầu tư thời gian và công sức, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân. Có như vậy, Bắc Ninh mới có thể tận dụng và phát huy ưu thế và vượt qua thách thức để khẳng định mình.
PV: Thách thức hay những điểm nghẽn mà Bắc Ninh cần phải vượt qua là gì, thưa đồng chí?
Để xây dựng một đô thị thông minh, sinh thái, phát triển bền vững, cần sự nỗ lực ngay từ ngày hôm nay. Từ những ý tưởng như những viên gạch ban đầu, cho tới khi Bắc Ninh tương lai hiển hiện, là cả một quá trình. Không phải ngày một ngày hai, năm nay hay năm sau, mà thậm chí tới cả chục năm sau mới nhìn thấy kết quả. Ngay từ bây giờ, cần có những cơ chế, chính sách, chiến lược mới. Xây dựng đô thị lõi có nhiều tiêu chí, ngoài vấn đề xây dựng, công nghệ thông tin, quản lý chính quyền điện tử còn vấn đề liên quan đến giao thông, dịch vụ, môi trường, chất lượng cuộc sống. Môi trường phải thân thiện, cân bằng với thiên nhiên. Cần phải giải quyết tất cả vướng mắc ở những tiêu chí này thì mới có thể hiện thực hóa giấc mơ về đô thị tương lai được.
Đến Bắc Ninh ngày nay, có thể thấy diện mạo văn hóa, con người, kinh tế, xã hội Kinh Bắc đã có những đổi thay rất đáng trân trọng. Song cũng phải thấy rằng, mặc dù kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững; hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu; ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp… Sự mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa phát triển nóng và phát triển bền vững đặt ra nhiều thách thức.
Các cụ có câu: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”, đến giờ vẫn rất đúng. Không chuyển dịch sang cơ cấu công nghiệp, dịch vụ thì không thể nào có tiềm lực kinh tế mạnh và vững được. Nhưng nếu không duy trì nông nghiệp thì cũng không ổn, không còn bản sắc gì cả. Và để làm được tất cả điều đó, yếu tố quyết định chính là con người. Con người phải có trí và có lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối được với tương lai là cái đích cần hướng đến.
Dịch vụ là khu vực tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội và có tính cạnh tranh cao. Nhưng khu vực dịch vụ ở Bắc Ninh hiện vẫn còn yếu. Dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng sự biến động nhanh chóng của nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; liên kết tham gia vào cơ cấu kinh tế dịch vụ của Thủ đô còn hạn chế; không những vậy, còn chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “chân đèn” làm cho các hoạt động dịch vụ yếu kém. Các ngành dịch vụ có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, hoạt động mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và có sức cạnh tranh trong vùng còn hạn chế. Du lịch của Bắc Ninh giàu tiềm năng nhưng dịch vụ đi kèm chưa tương xứng thì chưa thể mở rộng phát triển và hấp dẫn du khách được.
Theo tôi, nhìn nhận lại quá trình phát triển của Bắc Ninh, cũng như qua đánh giá sự phát triển của các tỉnh, thành khác trong cả nước, có thể thấy cần xác định bài học quan trọng nhất chính là bài học về phát triển quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, sắp đặt cấu trúc không gian, bố trí hạ tầng, đầu tư xây dựng, từng bước hình thành ra đô thị quy hoạch mới có tính khả thi.
PV: Như đồng chí nói, yếu tố quyết định vẫn là con người. Vậy nguồn nhân lực của Bắc Ninh đã “gắn kết được tương lai” như mong muốn hay chưa, thưa đồng chí?
Bắc Ninh mong muốn xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nhưng, để nguồn nhân lực tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng, tham gia vào các phát triển kinh tế dịch vụ rõ ràng là còn rất hạn chế.
Hàng trăm năm trước, các cụ đã dùng thơ ca, hò vè tổng kết đất Bắc Ninh là đất khoa bảng, nguồn lực mạnh là khoa bảng mạnh: “Một giỏ ông đồ, một bồ ông Cống, một đống Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Nhưng bây giờ là thời kỳ hội nhập, thời khoa học công nghệ phát triển, lại phải nhìn nhận nguồn nhân lực ở nhiều góc độ khác. Triển khai Nghị quyết Trung ương 9 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh cũng đang xây dựng các đặc trưng của con người Bắc Ninh. Về cơ bản, bám sát các đặc trưng chung của con người Việt Nam. Thẳng thắn nhìn nhận, truyền thống của người Bắc Ninh năng động, sáng tạo. Nhưng đâu đó, vẫn có nơi mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm ngay trong đội ngũ cán bộ. Triển khai Nghị quyết về xây dựng con người và phát triển văn hóa, Bắc Ninh chú trọng xây dựng môi trường văn hóa: từ gia đình đến nhà trường, xã hội; tăng cường an sinh xã hội, thu hút nhân lực… Đây cũng chính là điểm căn cốt để xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đề cập trực tiếp đến vấn đề nhân lực ở Bắc Ninh hiện nay, trước hết cần nói tới giáo dục. Hệ thống giáo dục của Bắc Ninh thường được nhắc tới với nhiều cái “nhất”. Trên địa bàn Bắc Ninh hiện có 16 trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề và nhiều cơ sở giáo dục có quy mô lớn, chất lượng khá. Tỉnh nằm trong top 10 cả nước về giáo dục đại trà. Hiện Bắc Ninh đang tập trung xây dựng trường chuyên Bắc Ninh hiện đại nhất Đông Nam Á, mạnh dạn trích kinh phí cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đi nghiên cứu kỹ năng quản lý ở nước ngoài, đội ngũ giáo viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Phong trào khuyến học, khuyến tài đang phát triển mạnh mẽ ở Bắc Ninh.
Chăm lo cho sức khỏe học đường, hơn hai năm nay, tỉnh đã phát động phong trào “Sữa học đường” và thu được kết quả tốt. Phong trào thể dục thể thao học đường cũng như trong nhân dân phát triển mạnh… Rõ ràng, đó là biểu hiện rõ nét những nỗ lực của Bắc Ninh, góp phần thực hiện chiến lược vì con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Và chắc chắn, chỉ 5-10 năm sau thôi, thành quả sẽ đến ngày gặt hái.
Một góc độ khác, cần đề cập khi nói tới nguồn nhân lực, đó là chất lượng đào tạo nghề. Trong vài năm gần đây, Bắc Ninh đã có những đổi mới trong việc mở rộng đào tạo nghề. Tuy nhiên, kết quả thu được chưa được như mong muốn. Hiện trạng dạy nghề vẫn còn manh mún, phân tán, lãng phí và thiếu hiệu quả. Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề của Bắc Ninh, mà là vấn đề của cả nước. Để có thể đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn phải tiếp tục quan tâm đào tạo lại, đào tạo thêm.
PV: Trong tiến trình xây dựng và phát triển, chắc chắn, Bắc Ninh cũng như nhiều nơi khác phải đối mặt với các vấn đề “nóng” và khó. Đồng chí có thể “bật mí” quan điểm, cách làm của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi giải quyết những vấn đề này?
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi giải quyết mọi vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, giải phóng mặt bằng, phải giữ vững, ổn định để phát triển, lắng nghe và đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Điều gì đã sai thì phải sửa, mà đã sửa thì phải hợp lòng dân, chứ không chạy theo thành tích.
Từ kinh nghiệm giải quyết các vụ việc phức tạp thời gian qua, tôi tạm rút ra bốn điểm: một là, công tác tuyên truyền phải chủ động để làm cho dân hiểu và đồng thuận; hai là, xử lý phải đúng pháp luật, xử lý cán bộ trước, dân sau (nếu có vi phạm); ba là, sau xử lý, địa phương phải ổn định và phát triển; bốn là, đáp ứng lợi ích chính đáng của người dân và cộng đồng nơi có dự án (lợi ích kinh tế, hạ tầng xã hội...).
Riêng về góc độ công tác tuyên giáo, tôi cho rằng, công tác tuyên giáo luôn phải đi trước một bước, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, nhất là trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Thực hiện tốt quy chế phối hợp, gắn trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường đối thoại với nhân dân sẽ góp phần tháo gỡ mọi khó khăn. Công tác tuyên giáo cần phải lắng nghe và thuyết phục để đạt được sự đồng thuận cao nhất.
Như tôi đã nói ở trên, làm gì thì làm, quan trọng là phải hợp lòng dân. Bởi vì, lòng dân soi chiếu mọi công việc. Lòng dân là thước đo hiệu quả việc ta làm. Nếu giải quyết việc gì cũng có lý, có tình, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết thì sẽ được tôn trọng và ghi nhận.
PV: Đồng chí có nói đến công tác tuyên truyền phải chủ động. Gần đây là vụ việc Minh Sâm thu hút sự quan tâm của dư luận và báo chí, công tác tuyên giáo đã vào cuộc như thế nào?
Ngày 13-8-2014, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh bắt 10 đối tượng trong vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn. Trong đó có hai Giám đốc doanh nghiệp là Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh Sâm), Giám đốc Công ty TNHH Đại An và Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng.
Sau vụ việc, báo chí, các trang mạng và dư luận xã hội đưa nhiều thông tin, bình luận nhiều chiều, ảnh hưởng tư tưởng cán bộ, đáng viên và nhân dân.
Dư luận đặt vấn đề địa phương để ổ nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trong một thời gian dài, các cấp chính quyền địa phương có biết hay không. Chúng tôi trả lời ngay, trong suốt quá trình, chính quyền các cấp và lực lượng công an tỉnh Bắc Ninh đã chủ động nắm tình hình và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các ổ nhóm hoạt động phạm tội này. Nhưng do nhận định tính chất phức tạp của vụ án, đảm bảo tính nghiệp vụ cao và chuyên sâu, công an tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất khi tiến hành bắt các đối tượng đề nghị tạm giam tại T16 Bộ Công an trước thời gian Cục C47 thực hiện lệnh bắt. Dư luận lại nhìn nhận như vậy là chưa chính xác.
Dư luận cũng quan tâm tới việc khen thưởng người tốt việc tốt, có vấn đề khuất tất hay không? Tại sao Minh Sâm lại được tuyên dương khen thưởng?… Trên thực tế, Công ty Đại An có thành tích đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện một số nội dung từ thiện xã hội; kết quả sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, thực hiện một số dự án có hiệu quả, hỗ trợ giải quyết 12 hộ chính sách ở Phù Khê về đất ở đã tồn tại nhiều năm nay, thực hiện các chương trình từ thiện do các cấp phát động. Những điều đó đáng được ghi nhận và đã được hội đồng thi đua, khen thưởng của tỉnh xem xét. Trong thời điểm ấy, việc tuyên dương, khen thưởng là có cơ sở.
Dư luận cho rằng, doanh nghiệp Đại An có quan hệ sâu rộng từ Trung ương đến địa phương. Về việc này, có thể nói các cơ quan, doanh nghiệp nói chung và các cơ quan chính quyền các cấp đều có mối quan hệ chặt chẽ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, với trách nhiệm Đảng và chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong quan hệ luôn được xác định giữa đối tác và đối tượng đan xen; trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác. Có điều, chúng ta xác định cho rõ đối tác thì tạo điều kiện để cùng phát triển, còn đối tượng thì cần phòng ngừa, đấu tranh, đảm bảo giữ vững tính nguyên tắc tuân thủ đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không tiếp tay không bao che những việc làm sai trái của đối tượng.
Thông qua Hội nghị giao ban báo chí, Hội nghị Thông tin công tác tuyên giáo, chúng tôi định hướng dư luận, đánh giá lại các vấn đề báo chí đã đăng, nói rõ là đúng đến đâu, không đúng đến đâu, cái gì còn chưa rõ, cái gì không nên quy chụp. Sau khi chúng tôi họp báo, những băn khoăn trong dư luận phần nào đã đã được giải tỏa.
PV: Từ những chia sẻ của đồng chí, có thể thấy, Bắc Ninh của ngày hôm nay đã, đang và sẽ đối mặt, giải quyết nhiều vấn đề. Từ vĩ mô tới vi mô, từ những bài học về hoạch định chính sách, quy hoạch cho đến những câu chuyện, bài học thực tiễn nóng hổi diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Đồng chí có tin rằng ý tưởng về một thành phố Bắc Ninh trong tương lai sẽ trở thành hiện thực?
Chúng tôi tin rằng, nếu có lộ trình và những bước đi hợp lý thì khát vọng ấy sẽ thành hiện thực. Thế hệ chúng tôi làm chưa xong thì các thế hệ kế tiếp sẽ hoàn thiện. Vấn đề là, để đặt nền móng thì những bước đi đầu tiên cần phải suy nghĩ thấu đáo. Lãnh đạo Bắc Ninh đang rất trăn trở, bộn bề. Mong là nhận được sự đóng góp của các chuyên gia, các nhà hoạch định kinh tế - xã hội, các nhà khoa học, đồng thời có được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, định hướng phát triển từ Đảng, Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân… Bằng ý chí, khát vọng và những bước đi đúng đắn, một thành phố Bắc Ninh mới sẽ ra đời.
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!
Thu Thanh – Minh Huế (thực hiện)