Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 7/11/2010 7:22'(GMT+7)

"Lũ bùn đỏ" tấn công hàng trăm hộ dân Cao Bằng

Bùn đỏ ngập đường khiến việc đi lại hết sức khó khăn

Bùn đỏ ngập đường khiến việc đi lại hết sức khó khăn

Lũ bùn xuất hiện do sự cố vỡ đập chắn nước thải tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng (thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng).

Sáng 6/11, con đường vào xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng tràn ngập toàn bùn đất, hàng chục người và xe máy dồn tắc vì không qua được dòng suối nhỏ đã bị bùn đỏ đặc quánh ngập quá đầu gối.

Cạnh đó, một chiếc máy xúc đang cố gắng dùng gàu gạt dòng bùn đỏ quặch, đặc sánh để thông đường cho dân đi lại. Dọc hai bên bờ suối dài khoảng 2 km, bùn đỏ đã tràn ngập khắp những cánh đồng lúa và hoa màu, vùi lấp giếng nước của dân.

Chị Mã Thị Bạch, xóm Nà Kéo cho biết tối hôm qua, không biết bùn từ đâu tràn vào đầy nhà. Nhiều nhà dân khác tại xóm Nà Kéo cũng bị bùn đỏ tràn vào nhà, hoặc vùi lấp chuồng trại của gia súc, ao vườn…

Đến xóm 4 Nà Gà, xã Duyệt Trung, ông Nguyễn Văn Túc đang cố gắng dùng xẻng xúc đống bùn dày đặc đang bám đầy sân và giếng nước. Ông cho hay, những hộ dân sống gần bờ suối đã bị bùn đỏ vùi lấp hết ruộng đất ven suối. Không riêng gì gia đình ông Túc, chị Bạch mà khu vực này còn rất nhiều hộ dân bị thiệt hại bởi lũ bùn như hộ Nông Văn Ngân, Nông Văn Tuyến, Lương Văn Tòng, Hoàng Văn Hoà, Hoàng Văn Quang...

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng cho biết: Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này xảy ra. Chính quyền thị xã đã yêu cầu xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng phải có trách nhiệm phối hợp với người dân để sớm khắc phục hậu quả do cơn lũ bùn này gây ra. Xí nghiệp này cũng phải có biện pháp khử độc do bùn thải công nghiệp gây ra, đồng thời có chính sách bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại.

Mỏ quặng Nà Lũng được đưa vào khai thác những năm 1990. Quặng sắt sau khi được đào bới sẽ được phun nước rửa sạch. Sau đó, nước thải chảy xuống, lắng bùn tại những cái đập lớn. Hiên nay có 4 đập chắn nước thải, đập chắn số 4 là đập cuối cùng trước khi nước xả ra suối.

Theo những người dân sinh sống lâu năm ở đây, dòng suối này trước kia vốn trong xanh, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cả vùng, nhưng từ ngày xí nghiệp khai thác quặng đi vào hoạt động, con suối bỗng trở nên đỏ quặch, không những không thể dùng sinh hoạt mà đến cả cá tôm cũng chết sạch. Điều đáng nói hơn, con suối này còn chảy ra Sông Bằng - nơi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhiều cư dân ven sông.

Máy xúc đang khẩn trương gạt bùn thông đường cho dân

 

Yến Thanh (Bee)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất