Thứ Bảy, 28/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 26/8/2010 20:12'(GMT+7)

Lựa chọn chiến lược khai thác tài nguyên để phát triển bền vững ở nước ta

Từ nguyên tắc khai thác tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội hiện đại...

Một đất nước nói chung, mỗi tỉnh, thành phố nói riêng, muốn phát triển đều phải dựa vào và biết khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên của mình. Tài nguyên thiên nhiên có nhiều loại, nhưng có thể chia thành hai loại chủ yếu: một loại tái tạo được thường gắn với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và một loại không tái tạo được, hay tài nguyên khoáng sản. Việc lựa chọn đúng tiềm năng, lợi thế và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, trước hết là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được cho phát triển trở thành một yêu cầu bức bách trong thế giới hiện đại.

Trước đây, với quan niệm sai lầm cho rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên là vô tận, nên nhiều nước phát triển đã ra sức khai thác tài nguyên thiên nhiên cho tăng trưởng. Với những nước kém phát triển, do thiếu vốn, công nghệ và trình độ quản lý thấp nên nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác và đưa ra thị trường chỉ dưới dạng nguyên liệu thô hoặc sơ chế. Hậu quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại, lợi ích kinh tế từ khai thác và bán tài nguyên mang lại kém. Kết cục rơi vào trạng thái kinh tế phát triển chậm và kém bền vững.

Trước thực tế đó, sự xuất hiện của lý thuyết về sự khan hiếm nguồn lực, trước hết là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được, đã cảnh tỉnh loài người. Theo lý thuyết này, tài nguyên thiên nhiên là khan hiếm. Con người cần phải sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trước hết là tài nguyên không tái tạo được. Nguyên tắc này đòi hỏi: Thứ nhất, khai thác các nguồn tài nguyên thiên thiên không tái tạo được một cách tiết kiệm nhất. Khai thác nó như thế nào? Mỗi thời kỳ sẽ khai thác bao nhiêu?... phải được lên kế hoạch và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Như vậy, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được phải phù hợp với khả năng quản lý tài nguyên. Khả năng quản lý đến đâu thì mở rộng việc khai thác đến đó. Trong điều kiện khả năng quản lý tài nguyên còn thấp, việc mở rộng khai thác tài nguyên dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên. Thứ hai, khai thác tài nguyên thiên thiên không tái tạo được phải mang lại hiệu quả kinh tế cao. Muốn đạt hiệu quả cao, tài nguyên thiên thiên không tái tạo được phải được chế biến sâu và được đưa ra thị trường dưới dạng sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. Không phải ngẫu nhiên mà từ thế kỷ XVII, các nước phương Tây đã đặt ra nguyên tắc chỉ sản xuất và xuất khẩu thành phẩm chứ không xuất khẩu nguyên liệu. Điều này chỉ có được khi khai thác và chế biến tài nguyên thiên thiên không tái tạo được bằng công nghệ và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Công nghệ và chuyên môn kỹ thuật cao đến đâu thì mở rộng quy mô khai thác tài nguyên không tái tạo được đến đó. Thứ ba, bảo đảm hài hòa ba lợi ích: lợi ích người lao động, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích toàn xã hội trong khai thác tài nguyên thiên thiên không tái tạo được. Khai thác tài nguyên phải mang lại lợi ích cho con người. Đó là thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đối với toàn xã hội, không những ngân sách nhà nước được tăng lên mà điều quan trọng hơn là xã hội và môi trường sinh thái phải được bảo vệ để cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Ngay cả trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước từ khai thác tài nguyên thiên thiên không tái tạo được có tăng lên đáng kể, nhưng nếu những hậu quả chi phí xã hội và môi trường lớn hơn những gì mà ngân sách nhà nước thu được, thì nhà nước cũng phải xem xét lại việc khai thác nguồn tài nguyên này.

Chính vì thế, trong việc xây dựng hệ thống mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay cần phải tuân theo nguyên tắc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được. Có như thế mới bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

...Đến thực tiễn khai thác tài nguyên ở nước ta hiện nay

So với nhiều nước trong khu vực, nước ta có nhiều tiềm năng, trước tiên là tiềm năng và lợi thế tuyệt đối về nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản. Số liệu thống kê năm 2008 cho thấy, cả nước có 33.115.000 ha đất, trong đó đất nông nghiệp là 24.997.200 ha, chiếm gần 75,5% tổng diện tích đất đai của cả nước. Ngoài ra còn có 4.732.100 ha đất chưa sử dụng, trong đó có 4.363.300 ha đất bằng và đất đồi núi chưa sử dụng (không kể 368.800 ha là núi đá không có rừng cây). Năm 2008 cả nước có 21.950.400 lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, bình quân một lao động là 1,33 ha đất nông nghiệp(1). Bên cạnh đó, bờ biển chạy suốt chiều dài từ Nam ra Bắc với hơn 3.400 km là điều kiện cho sự phát triển thủy, hải sản rất lớn.

Nước ta có nguồn tài nguyên không tái tạo được khá phong phú, với hơn 5.000 điểm quặng, 60 loại khoáng sản trong đó dầu, than đá, quặng sắt, bô-xit, quặng a-pa-tit với trữ lượng khá lớn. Ngoài ra, nguồn nước khoáng thiên nhiên chất lượng tốt, đất sét... nằm rải rác ở các địa phương trong cả nước; nhiều địa phương có nguồn đá vôi trữ lượng lớn là nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng; nhiều sông ngòi có khả năng phát triển thủy điện.

Với tiềm năng về tài nguyên như thế, chúng ta cần lựa chọn chiến lược khai thác tối ưu để vừa có được lợi thế tuyệt đối, vừa có được lợi thế so sánh trong phát triển bền vững.

Những năm qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, nhiều chương trình khai thác tài nguyên khoáng sản đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, một mặt, do công nghệ sản xuất lạc hậu; mặt khác, do chưa đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật và kiến thức quản lý công nghiệp, nên hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao. Thực tiễn khai thác một số khoáng sản vừa qua đặt ra đối với nước ta năm vấn đề bất lợi xét trên phương diện phát triển bền vững.

Một cách tổng quát, trình độ công nghệ chung của ngành sản xuất thép Việt Nam còn ở mức thấp so với khu vực và thế giới và không đồng đều giữa các khâu sản xuất. Có thể đánh giá trình độ công nghệ và mức độ hiện đại của các công nghệ của ngành thép Việt Nam so với thế giới như sau: Công nghệ sản xuất gang tương đương những năm 1950; Công nghệ sản xuất thép thỏi tương đương những năm 1970 - 1980; Công nghệ sản xuất cán đối với các nhà máy nhỏ lạc hậutương đương những năm 1950 - 1960, các nhà máy trung bình tương đương những năm 1970 - 1980, các nhà máy hiện đại tương đương những năm 1990 - 2000.
(Nguồn: Viện Luyện kim đen, Tổng Công ty Thép Việt Nam, năm 2005)
Một là, do công nghệ khai thác lạc hậu nên việc khai thác khoáng sản của nước ta không đạt được lợi thế so sánh.

Có thể nói, kỹ thuật sản xuất của các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản nước ta hiện rất lạc hậu, phần lớn dựa vào kỹ thuật thủ công và bán cơ khí của những năm giữa thế kỷ XX. Tình trạng này không chỉ đối với công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, mà ngay cả với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đánh giá gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 60% số doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ thấp dưới mức trung bình(2). Do vậy, chi phí sản xuất 1 đơn vị sản phẩm của công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản của nước ta cao, hiệu quả thấp, không phát huy được lợi thế tuyệt đối và không đạt được lợi thế so sánh.

Hai là, đe dọa triển vọng phát triển trong tương lai. Do nguồn tài nguyên khoáng sản là khan hiếm và không tái tạo được nên nhiều nước có xu hướng hạn chế khai thác nguồn khoáng sản của nước mình và tăng cường mua than, quặng sắt, bô-xít... của các nước, trong đó có nước ta, để dự trữ cho phát triển bền vững trong tương lai. Trong khi đó, với trữ lượng và kỹ thuật khai thác như hiện nay, việc khai thác khoáng sản ở nước ta có thể kéo dài được bao nhiêu năm? Và nhất là khi khoa học và công nghệ phát triển, có điều kiện để nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến khoáng sản thì liệu chúng ta có còn tài nguyên khoáng sản để sản xuất nữa hay không? Với quan niệm phát triển bền vững là "việc khai thác tài nguyên để phát triển không chỉ cho hiện tại, mà phải tính toán cho các thế hệ mai sau" thì chiến lược khai thác tài nguyên khoáng sản như hiện nay có phù hợp với quan điểm phát triển bền vững không?

Ba là, hiệu quả đầu tư vào ngành công nghiệp nặng, công nghiệp khai khoáng không cao hơn so với đầu tư vào ngành nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản. Số liệu thống kê năm 2008 cho thấy, đầu tư cho công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản là 50.962 tỉ đồng, xuất khẩu được 19.200 triệu USD, tỷ suất xuất khẩu trên vốn đầu tư là 0,376 triệu USD/1 tỉ đồng vốn đầu tư. Trong khi đó, vốn đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản là 38.978 tỉ đồng, xuất khẩu được 14.910 triệu USD, tỷ suất xuất khẩu trên vốn đầu tư là 0,382(3). Như vậy, tỷ suất xuất khẩu trên vốn đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản cao hơn so với công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, dù là không nhiều, song đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản hầu như ít gây hại cho môi trường sinh thái, thậm chí nếu có tạo ra chi phí môi trường thì vẫn có thể kiểm soát được. Trong khi đó, việc khai thác tài nguyên khoáng sản đang tàn phá môi trường sinh thái, làm kiệt quệ nguồn tài nguồn không tái tạo được, làm chết những dòng sông, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tính toán lại việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được cho phát triển trong những năm tới.

Bốn là, bài toán về việc làm và thu nhập của người lao động cũng không giải quyết được, bởi lẽ số lao động được thu hút làm việc trong khu vực khai thác và chế biến khoáng sản không nhiều. Năm 2008, dân số Việt Nam là trên 86 triệu người. Lực lượng lao động toàn xã hội là 44.915.800 người, số người ăn theo là 41.295.000 người. Trong lực lượng lao động, ngành nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản là 23.634.700 người chiếm 52,6%; công nghiệp và xây dựng là 9.355.400 người, chiếm 20,8%; dịch vụ là 11.925.700 người, chiếm khoảng 26,6%(4). Với tiền lương bình quân của khu vực doanh nghiệp khoảng 2.630.000 đồng/tháng và theo mức chi tiêu bình quân năm 2008 khoảng 850.000 đồng/người/tháng(5), mỗi lao động trong khu vực công nghiệp nuôi được khoảng 2 người ăn theo. Như vậy, việc làm và thu nhập của khu vực công nghiệp nuôi được khoảng 18.700.000 người ăn theo để vượt qua ngưỡng nghèo, còn lại khoảng 22.595.000 khẩu ăn theo, khoảng 26% dân số, nếu không được đầu tư sẽ vẫn là gánh nặng nghèo đói của nền kinh tế. Mặc dù việc phát triển công nghiệp làm xuất hiện nhu cầu về nông phẩm cung cấp cho khu công nghiệp, nhưng đến nay, tác động lan tỏa của công nghiệp xem ra cũng chưa thật mạnh, nên nhìn chung, bài toán nâng cao thu nhập dân cư dưới tác động của phát triển công nghiệp chưa thật thuyết phục.

Năm là, trình độ chuyên môn và quản lý công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp khai khoáng nên hiệu quả công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản chưa cao. Quản lý công nghiệp đòi hỏi phải có trình độ khoa học cao. Nhưng hiện nay, do công nghệ thấp, khả năng trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động về sản xuất công nghiệp ở nước ta thấp và khả năng quản lý của cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu phát triển công nghiệp nên hiệu quả kinh tế không cao và môi trường sinh thái bị tàn phá mà không kiểm soát được.

Khai thác tài nguyên phát triển công nghiệp ở nước ta như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020?

Thực tiễn phát triển công nghiệp nước ta mấy chục năm qua cho thấy, những tỉnh, thành phố có sự phát triển mạnh về công nghiệp, một mặt, kinh tế tăng trưởng nhanh, GDP bình quân đầu người được nâng lên; mặt khác, tình trạng xã hội và môi trường đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc. Khai thác kiệt quệ tài nguyên rừng dẫn đến xói mòn đất đai và lũ lụt; tỉnh nào có núi cũng xây dựng nhà máy khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng dẫn đến núi non bị tàn phá; khai thác quặng dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm,... Trong khi đó, với trình độ công nghệ, trình độ quản lý, trình độ lành nghề của người lao động còn thấp nên hiệu quả kinh tế từ khai thác tài nguyên mang lại chưa tương xứng với những gì mà con người lấy đi từ tự nhiên; vấn đề xã hội, môi trường nảy sinh ngày càng phức tạp và vượt tầm kiểm soát quản lý của Nhà nước.

Để thực hiện tư tưởng phát triển bền vững, phát triển vì con người, việc khai thác tài nguyên phát triển công nghiệp phải bảo đảm được hiệu quả kinh tế, bảo đảm phát triển xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Hiệu quả kinh tế cao trong phát triển công nghiệp khai thác chế biến tài nguyên khoáng sản chỉ có được khi sản phẩm đó phải là thành phẩm, được chế biến sâu, trở thành sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. Bởi lẽ chỉ có xuất khẩu thành phẩm, hay xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu thì mới có giá trị kinh tế cao. Vì thế, Nhà nước nên rà soát lại chiến lược phát triển công nghiệp, cơ cấu lại đầu tư công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản. Theo chúng tôi, trong điều kiện nguồn lực hiện tại còn khan hiếm về vốn, kỹ thuật và quản lý, chúng ta chỉ nên tiếp tục các dự án đầu tư công nghiệp khai thác chế biến tài nguyên khoáng sản nào có trình độ công nghệ cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và quản lý một cách chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, tạo ra sản phẩm chế biến sâu để bảo đảm hiệu quả kinh tế của việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Những loại khoáng sản nào chưa đủ nguồn lực khai thác có hiệu quả, nên soát xét lại, có chính sách bảo vệ và quản lý chặt chẽ để chuẩn bị cho việc khai thác cho các thế hệ mai sau. Thay vào đó, Nhà nước cần khuyến khích các chương trình dự án phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản để vừa mở mang thị trường, tạo đầu ra cho sản xuất của nông dân, vừa đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước đẩy mạnh CNH, HĐH. Nói cách khác, vấn đề là phải lựa chọn bước đi trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Nguồn lực đến đâu thì mở rộng khai thác tài nguyên khoáng sản đến đó mới bảo đảm hiệu quả. Theo đó, trong khoảng 10 năm tới (2011 - 2020), để thực hiện chiến lược phát triển bền vững, Nhà nước nên ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản. Cần soát xét lại các dự án khai thác và chế biến khoáng sản, thực hiện nguyên tắc chỉ phát triển những dự án khai thác khoáng sản nào Nhà nước có đủ điều kiện về nguồn lực vốn, kỹ thuật và quản lý có hiệu quả cao, bảo đảm việc làm nhiều và bảo vệ môi trường sinh thái. Những dự án nào không hiệu quả kinh tế và xã hội hoặc khó triển khai thì nên chuyển sang lĩnh vực khác, không đầu tư khai thác các điểm mới khi chưa đủ điều kiện về nguồn lực.

Nếu lựa chọn chiến lược phát triển dựa trên cơ sở tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh CNH nông nghiệp, nông thôn để khai thác tiềm năng, lợi thế tuyệt đối về nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản thì chúng ta không phải đối mặt với những vấn đề đặt ra như chiến lược khai thác và chế biến khoáng sản hiện hành. Bởi lẽ:

1 - Vốn đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản không lớn nhưng lại có hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao hơn.

2 - Khai thác tài nguyên nông, lâm nghiệp, thủy sản là vô tận vì đây là nguồn tài nguyên tái tạo được. Thêm nữa, tăng trưởng từ nông, lâm, ngư nghiệp là con đường tăng trưởng thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của phát triển bền vững. Chính vì thế, đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp là con đường tăng trưởng mà nhiều quốc gia có điều kiện phát triển nông nghiệp đang lựa chọn hiện nay và nó phù hợp với nước ta trong những năm tới.

3 - Với sự lựa chọn ưu tiên đầu tư phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm, ngư nghiệp, chúng ta vừa phát huy được lợi thế tuyệt đối, vừa có thể phát huy lợi thế so sánh về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Bởi lẽ, dựa vào nông, lâm nghiệp, thủy sản, chúng ta hoàn toàn vừa bảo đảm lương thực, thực phẩm nuôi sống toàn xã hội, vừa sản xuất cung cấp hàng xuất khẩu cho thế giới. Cần nói thêm rằng, hiện nay, 44,6% giá trị hàng xuất khẩu, trong đó hầu như sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn còn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế. Nếu được đầu tư công nghệ tốt hơn, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu qua chế biến sâu hoặc tinh chế tăng lên thì sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của ta sẽ đạt được lợi thế so sánh cao hơn.

4 - Tập trung đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, phát huy lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh của một nước có tiềm năng thế mạnh hàng đầu về nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản là con đường cơ bản, lâu dài và có hiệu quả để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn nước ta hiện nay. Đây là con đường tốt nhất để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống dân cư nói chung.

Tăng trưởng kinh tế là tăng GDP bình quân đầu người. Còn tăng thu nhập dân cư là tăng phần thu nhập mà người dân có thể sử dụng cho tiêu dùng cá nhân. Thông thường GDP bình quân đầu người thường cao hơn thu nhập dân cư. Mức độ chênh lệch cao thấp khác nhau tùy ở hiệu quả đầu tư. Nếu đầu tư lớn mà hiệu quả thấp thì mức chênh lệch giữa GDP bình quân đầu người với thu nhập dân cư là cao. Còn nếu đầu tư ít mà hiệu quả cao thì mức chênh lệch này thấp. Thực tế ở nước ta cho thấy, năm 2008, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế khoảng 1.231.000 đồng/tháng, còn thu nhập dân cư bình quân đầu người khoảng 950.000 đồng. Phát triển kinh tế phải hướng tới mục tiêu phát triển con người, vì con người. Điều mà mỗi người lao động trong xã hội quan tâm, suy đến cùng, không phải chủ yếu là GDP bình quân đầu người, mà là thu nhập để con người có thể sử dụng nó bảo đảm chi tiêu cho cuộc sống, ăn, mặc, ở, học hành, chăm sóc sức khỏe,...

Thực tế cho thấy đến năm 2008, khu vực nông thôn nước ta có 61.977.500 người sinh sống, chiếm 71,89% dân số cả nước, với thu nhập bình quân đầu người là 762.500 đồng/tháng(6)... Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số đó 21 triệu người có mức thu nhập là 275.000 đồng/người/tháng (tức 9.200 đồng/ngày/người) và 21 triệu người dân sống với mức thu nhập 477.200 đồng/người/tháng (tức 15.906 đồng/ngày/người).

Vậy lựa chọn ưu tiên đầu tư vào đâu để khai thác tiềm năng lợi thế đặng đưa người dân nông thôn nước ta có thể nhanh chóng thoát nghèo? Với sự phân tích ở trên cho thấy, nếu tiếp tục ưu tiên đầu tư mạnh cho công nghiệp khai thác khoáng sản thì nhiều lắm cũng có thể giúp cho khoảng 18 triệu người dân nông thôn thoát khỏi mức sống tối thiểu. Số còn lại hơn 22 triệu người nữa trong khu vực nông thôn rất khó có khả năng thoát nghèo.

Theo chúng tôi, con đường khả thi nhất để nông dân Việt Nam có điều kiện tăng thu nhập và thoát nghèo là ưu tiên đầu tư cho CNH nông nghiệp, nông thôn, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến tạo ra sản phẩm nông, lâm, thủy sản chế biến sâu. Điều đó tạo cơ hội cho hơn 23,6 triệu lao động nông nghiệp sử dụng lợi thế về nông, lâm, ngư nghiệp để phát triển kinh tế bằng trồng cây lương thực, phát triển rừng kinh tế, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, chăn nuôi những sản vật của rừng, của biển...

5 - Phát triển nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản là phù hợp với trình độ chuyên môn và khả năng quản lý của Việt Nam hiện nay, bởi phần lớn cán bộ và người lao động có xuất thân từ nghề nông, lâm, ngư nghiệp, được đào tạo trong thực tiễn và tiếp thu được kiến thức khoa học - kỹ thuật và quản lý nông, lâm, ngư nghiệp. Hơn nữa, làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp là truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Phát triển mạnh nông, lâm, ngư nghiệp giúp cho người nông dân nước ta phát huy được kinh nghiệm truyền thống./.
 

Mai Ngọc Cường

GS, TS, Đại học Kinh tế quốc dân

(Theo TCCS điện tử)

________________________________________________

(1) Niên giám thống kê Việt Nam, Hà Nội, 2008

(2) Xem: Nguyễn Minh Tuấn: Tác động ngược của hoạt động đầu tư nước ngoài tới sự phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 155 (tháng 5-2010)

(3), (4) Niên giám đã dẫn

(5) Tổng cục Thống kê: Báo cáo kết quả điều tra thu nhập và mức sống dân cư năm 2008

(6) Tổng cục Thống kê: Báo cáo đã dẫn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất