Thứ Ba, 15/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 24/4/2011 20:1'(GMT+7)

Lực lượng quốc tế tìm cách phá thế bí ở Li-bi

Lực lượng đối lập triển khai chiến đấu ở thành phố Mi-xra-ta. (Ảnh: Getty).

Lực lượng đối lập triển khai chiến đấu ở thành phố Mi-xra-ta. (Ảnh: Getty).

Hiện lực lượng quốc tế vẫn tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu của Li-bi nhưng chưa rõ các hành động này sẽ đi tới đâu. Thế bí là ở chỗ các bên của cuộc xung đột dường như đều không thể giành chiến thắng trong bối cảnh chiến sự kéo dài. Chiến dịch đã bước sang tháng thứ hai với chi phí lớn, nhưng lực lượng quốc tế vẫn không thay đổi được tình hình ở Li-bi. Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt giữa quân chính phủ và phe chống đối, đặc biệt là ở thành phố Mi-xra-ta, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Các cuộc oanh kích cũng không làm thay đổi được lập trường của nhà lãnh đạo Ca-đa-phi vì ông kiên quyết không đầu hàng. Trong khi đó Anh và Pháp, hai nước tham gia tích cực vào chiến dịch, đã bắt đầu có dấu hiệu “quá tải” khi không thể một mình tiến hành các cuộc oanh kích tốn kém mà không có sự hỗ trợ thêm từ các nước đồng minh. Tình hình cho thấy đã có dấu hiệu lực lượng quốc tế đang bị “sa lầy” ở Li-bi.

Trước thực trạng này, Mỹ mặc dù tuyên bố đã rút khỏi vai trò chỉ huy chiến dịch và rút máy bay chiến đấu, nhưng kể từ đó đến nay Oa-sinh-tơn vẫn chưa thể hoàn toàn quay lưng với các đồng minh trong chiến dịch. Dù Oa-sinh-tơn đã tuyên bố không tham gia chiến đấu, nhưng hôm 13-4, máy bay Mỹ vẫn mở các cuộc tấn công vào các cơ sở phòng không của quân đội chính phủ Li-bi. Mới đây nhất, Oa-sinh-tơn đã điều động máy bay không người lái (UAV) tham gia chiến dịch oanh kích Li-bi. Các UAV này sẽ tấn công tiêu diệt xe tăng, ô tô và bộ binh của quân chính phủ Li-bi. Hôm 21-4, Mỹ đã điều ít nhất 2 UAV tới Li-bi để làm nhiệm vụ, nhưng chúng chưa tham chiến do thời tiết xấu. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các UAV được trang bị tên lửa sẽ tác chiến hiệu quả chống quân đội Li-bi vì chúng bay gần mặt đất hơn nên có thể tấn công mục tiêu chính xác hơn.

Hiện nay, các nước tham gia chiến dịch quân sự chống Li-bi đang nỗ lực tìm các giải pháp cho vấn đề Li-bi và phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Mặc dù cả Anh và Pháp đều bác bỏ khả năng điều bộ binh tham gia chiến dịch quân sự chống Li-bi, nhưng họ cùng với I-ta-li-a đã cử các cố vấn quân sự tới hỗ trợ lực lượng chống chính phủ ở Li-bi. Đặc biệt, theo nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Crít-xtin Pha-ghét, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị triển khai một phái đoàn “nhân đạo quân sự” tới thành phố Mi-xra-ta của Li-bi trong vòng vài ngày tới. Các nước EU đã nhất trí kế hoạch cử lục quân tới Li-bi với cớ bảo vệ các đoàn xe cứu trợ nhân đạo. Cao ủy EU về đối ngoại và chính sách an ninh Ca-thơ-rin Át-xtơn khẳng định đây là sứ mệnh nhân đạo, chứ không phải để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Tuy nhiên, bà Ca-thơ-rin Át-xtơn không cho biết chức trách và nhiệm vụ cụ thể của phái đoàn “nhân đạo quân sự” này là gì.

Theo tờ Vzglyad của Nga, trong những ngày qua, các đồng minh trong lực lượng quốc tế tiến hành chiến dịch quân sự ở Li-bi đang bàn thảo về lợi ích của việc tiến hành chiến dịch trên bộ tại Li-bi. Và hiện lãnh đạo các nước nghiêng về quan điểm chưa đến lúc triển khai lực lượng bộ binh đến Li-bi.

Trong một diễn biến liên quan, theo AFP, Thượng nghị sĩ Mỹ Giôn Mắc Kên đã có chuyến thăm bất ngờ tới thành phố miền đông Ben-ga-di, nơi đặt đại bản doanh của lực lượng chống chính phủ Li-bi. Ông Giôn Mắc Kên là chính khách cấp cao nhất của Mỹ tới Li-bi kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Ông là người chỉ trích việc Oa-sinh-tơn trao quyền chỉ huy chiến dịch quân sự chống Li-bi cho NATO. Ngoài ra, thượng nghị sĩ Cộng hòa này cũng ủng hộ việc vũ trang cho lực lượng đối lập ở Li-bi, vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi hiện nay trong lực lượng quốc tế./.

(Mai Nguyên/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất