Hai vụ ngộ độc nghiêm trọng sau khi ăn cỗ, vừa xảy ra tại huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) và huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) làm 8 người chết, gần 100 người phải nhập viện thực sự là những hồi chuông “báo động đỏ” về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Có người đã ví thực phẩm bẩn, rau quả, thức ăn… không an toàn, như những “khối u ác tính”, thứ “chất độc” hằng ngày, hằng giờ xâm nhập vào mỗi người, mỗi nhà. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn rình rập, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là với các bếp ăn tập thể, các đám cỗ đông người...
Thực phẩm không an toàn dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân, chất lượng giống nòi, mà cả đến an ninh lương thực, niềm tin của người tiêu dùng và hình ảnh đất nước... Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, không thể chậm trễ!
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra trong thời gian dài, là do sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản ở nước ta chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, lại chú trọng mục tiêu về số lượng, năng suất; lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng…, mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, ATVSTP. Do vậy, cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra ATVSTP, một trong những giải pháp căn bản, bền vững nhất là phải phát triển quy hoạch các vùng trồng rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản… tập trung, có quy mô đủ lớn, để áp dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, bảo đảm các điều kiện về ATVSTP. Có như vậy mới kiểm soát tốt hơn quá trình nuôi trồng, chế biến qua các khâu, nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến…; từng bước tăng tỷ trọng thực phẩm sạch trên thị trường.
Trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ATTP đã được quy định rõ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khâu sản xuất, chăn nuôi; Bộ Công Thương quản lý khâu phân phối, lưu thông; Bộ Y tế quản lý “trên bàn ăn”. Tuy nhiên, cần hết sức đề cao việc phối hợp chặt chẽ, chịu trách nhiệm cao nhất, trách nhiệm đến cùng của từng bộ, ngành…
Hằng năm, kế hoạch thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đều được xây dựng, triển khai thực hiện từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm kiểm soát ATVSTP thường xuyên, liên tục trong năm, chứ không chỉ là ra quân cao điểm, làm theo phong trào. Cần làm tốt việc phối hợp giữa các ngành, các cấp, tăng cường phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, nâng cao hiệu lực quản lý, bảo đảm các đoàn thanh tra đủ mạnh, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật, đồng thời không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hoặc bỏ sót đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Trong “cuộc chiến” này, vai trò, trách nhiệm của các địa phương, chính quyền cơ sở là hết sức quan trọng, bởi việc sản xuất, lưu thông, sử dụng thực phẩm diễn ra chủ yếu ở cơ sở. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg, về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận (huyện), xã (phường), áp dụng thí điểm tại một số xã, phường, quận, huyện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trước những diễn biến phức tạp và hậu quả nghiêm trọng của tình trạng mất ATVSTP , Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP vừa đề xuất mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận (huyện), xã (phường) đến tất cả quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đề xuất thí điểm thêm một số quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương. Đây là việc làm cần thiết, được dư luận hoan nghênh, qua đó đề cao trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn, đẩy lùi thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không an toàn.
Bảo đảm ATVSTP là 1 trong “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội) mà TP Đà Nẵng đã, đang nỗ lực thực hiện và hướng tới để xây dựng nơi đây thực sự là thành phố đáng sống. Đặc biệt, từ tháng 12-2016, thành phố đã triển khai việc tra cứu các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn ATVSTP qua Zalo, tin nhắn và tổng đài, để khi đến bất kỳ cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, cơ sở nào, chỉ cần thao tác đơn giản là khách hàng có thể biết địa điểm đó có đạt chuẩn ATVSTP hay không. Qua đây cho thấy, ATVSTP được các cấp chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm, nhất là ở một thành phố du lịch trọng điểm, mỗi năm đón hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.
Mong rằng với quyết tâm, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ từng bước được ngăn chặn./.
Anh Quân (Báo QĐND)