(TG)-Qua nghiên cứu Chuyên đề “Văn hoá Việt Nam -
Cội nguồn và bản sắc”, đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ
cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Tỉnh nhận thức đúng đắn vị trí, vai
trò, tầm quan trọng của nền văn hoá Việt Nam; đồng thời, góp phần quan
trọng trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW
của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về
xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát
triển bền vững đất nước.
Ngày 12/01, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Tỉnh bằng hình thức trực tuyến đến 12 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh, khoảng 2.500 đại biểu tham dự Hội nghị. Đồng chí Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị.
Đại biểu dự Hội nghị được nghe Tiến sĩ, Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kỷ lục Việt Nam thông tin chuyên đề “Văn hoá Việt Nam - Cội nguồn và bản sắc”. Theo Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, văn hoá là nguồn cội, là nền tảng của xã hội; văn hoá Việt Nam được hình thành từ rất lâu đời và rất đa dạng về các tập tục, các lễ hội dân gian, tín ngưỡng của 54 dân tộc Việt Nam. Có thể kể đến các tập tục trước, trong và sau Tết truyền thống của người Việt như: tảo mộ, cúng ông Táo, gói bánh chưng, bánh tét, lì xì đầu năm… Chính những yếu tố đó, làm cho văn hoá Việt Nam mang tính phong phú, đa dạng và mang nét đặc trưng riêng của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cũng đã đề cập đến nét văn hoá đặc trưng 8 tiểu vùng của Việt Nam. Ông cho rằng, mỗi tiểu vùng có dấu ấn đặc trưng riêng và được thể hiện thông qua các câu thơ, bài hát dân ca đặc trưng từng vùng. Để hiểu được văn hoá của một địa phương, một vùng, cần phải hiểu thêm rất nhiều vấn đề liên quan khác…
Ngay sau khi kết thúc chuyên đề, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Khẳng định, việc tổ chức Hội nghị lần này là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng học tập nghị quyết của Đảng. Thông qua chuyên đề, sẽ khơi gợi trong mỗi cán bộ, đảng viên tinh thần phóng khoáng, hài hoà trong giao tiếp; trong các mối quan hệ xã hội; trong công tác lãnh đạo, điều hành và ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp; trong cộng đồng dân cư một cách có văn hoá, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương. Trong thời gian tới, có thể triển khai chuyên đề này đến đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng và các trường phổ thông trên địa bàn Tỉnh.
Qua nghiên cứu Chuyên đề “Văn hoá Việt Nam - Cội nguồn và bản sắc”, đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Tỉnh nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nền văn hoá Việt Nam; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thảo Trang
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp