1. Asian
Games 2010 tại Trung Quốc là giải đấu lớn cuối cùng của Lưu Thị Thanh
trong màu áo ĐT cầu mây nữ Việt Nam. Đây cũng là lần cuối cùng cô không
còn khoác trên mình chiếc áo ĐTQG sau 16 năm, nhưng chắc chắn người hâm
mộ sẽ không quên "cô gái vàng 2006" với lối chơi rực lửa cùng kỹ năng
điều khiển trái cầu đầy biến hóa.
Chia tay ĐTQG nhưng Thanh vẫn
còn “nặng tình” với cầu mây lắm, đặc biệt là với cầu mây ở Thanh Hóa,
quê hương của cô. Thi đấu tại giải đá cầu đôi toàn quốc 2013 với vai trò
là đội trưởng của đội Thanh Hóa, Thanh không phải là trụ cột nhưng đóng
vai là một người chị, một người đi trước để dìu dắt những VĐV trẻ.
Thanh tâm sự rằng dù đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, nhưng với kinh
nghiệm của mình, cô hoàn toàn có thể giúp các em thi đấu tốt hơn.
Trong
các buổi tập trước trận của đội Thanh Hóa, Thanh luôn là người hăng say
nhất. Lúc thì tập với đội nữ, lúc thì chạy sang đội nam. Tập xong ai
cũng thấm mệt nhưng Thanh vẫn tất bật đi mua nước rồi lấy khăn lau mồ
hôi cho các em.
“Đối với tôi đó là những công việc hết sức bình
thường. Lúc còn thi đấu đỉnh cao, các thầy và cô vẫn làm những việc này
cho tôi. Và bây giờ, tôi cũng muốn làm điều đó cho các em. Dù là những
công việc rất nhỏ nhưng có thể giúp các em yên tâm thi đấu tốt hơn”,
Thanh chia sẻ.
2. Trong làng thể thao Việt
Nam, những VĐV sau khi giã từ sự nghiệp đỉnh cao thường thì chọn công
việc huấn luyện liên quan đến môn thể thao của mình để có một “cái nghề”
phòng thân sau này.
Nhưng khi hỏi Thanh về việc sau này có chọn
nghề làm “thầy bọn trẻ” hay không, cô chỉ lắc đầu: “Tôi vẫn chưa có dự
định với việc huấn luyện. Tôi vẫn có thế đóng góp cho cầu mây Thanh Hóa
thêm 3 năm nữa.
Đối với tôi, việc được làm một VĐV và theo
đuổi niềm đam mê với môn thể thao mà mình yêu thích là một điều hạnh
phúc. Lúc trước tôi được thi đấu với các anh chị và được họ tận tình chỉ
bảo, đó thật sự là niềm vui với tôi.
Cho tới bây giờ, nhìn đi
nhìn lại mình đã là người lớn nhất đội. Nhưng được thi đấu với các em,
được hướng dẫn và chỉ bảo lại cho các em… đó lại là một niềm vui lớn
hơn”.
Dù đang có gia đình và công tác tại Hà Nội, nhưng trái tim
Thanh lúc nào cũng hướng về xứ Thanh, nơi nuôi dưỡng và phát triển tài
năng của cô. Thanh tâm sự rằng rất muốn cống hiến nhiều hơn cho cầu mây
xứ Thanh nhưng khổ nỗi, mỗi năm cô chỉ được 3 lần gọi về tham dự thi
đấu, một con số mà theo cô là quá ít.
3.
Thanh kể rằng công việc hiện tại của cô là tư vấn thể thao cho một
trung tâm tại Hà Nội, mỗi ngày cô phải làm 12 tiếng và gần như có rất ít
thời gian để chơi cầu mây. Tuy nhiên, khi rảnh rỗi hoặc vào các ngày
nghỉ, Thanh thường dành thời gian này để chơi cầu mây với người thân và
bạn bè. Thanh cũng rất muốn con gái mình sau này có thể theo nghiệp thể
thao giống mẹ, nhưng điều này còn phụ thuộc vào tố chất của bé.
Trước
khi chính thức giải nghệ, Thanh đã có 16 năm được khoác áo ĐTQG, một
con số đáng mơ ước với bất cứ VĐV cầu mây Việt Nam nào. Cho tới nay, đã
gần tròn 3 năm kể từ ngày Thanh giã từ màu áo ĐTQG, nhưng khoảng thời
gian16 năm gắn bó với cầu mây đã để lại cho Thanh những kỷ niệm khó
phai, từ niềm vui tột đỉnh trong giây phút bước lên bục nhận huy chương
cho đến những tháng ngày chìm trong nỗi buồn triền miên.
Năm nay
đã 31 tuổi, tới bây giờ, khi nhìn lại sự nghiệp của mình, Thanh rất hài
lòng với những gì mình đạt được nhưng cũng có một chút gì đó tiếc nuối.
Thanh tiếc vì thời còn sung sức nhất không thể cống hiến được nhiều hơn
cho cầu mây Việt Nam, tiếc vì đã gây ra những bất đồng cho BHL và cô
cũng tiếc vì mình đã chưa làm được nhiều cho cầu mây Thanh Hóa.
Dẫu
vậy, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn và bản thân cô gái vàng của cầu mây
Việt Nam ngày nào vẫn được theo đuổi niềm đam mê cuộc đời mình. Chỉ điều
đó thôi cũng có thể giúp ích cho cầu mây xứ Thanh và xa hơn nữa là thế
hệ tương lai của ĐT cầu mây Việt Nam như đúng ước nguyện của cô gái vàng
ngày nào./.
Theo thethaovanhoa