Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa lũ, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, bao gồm: Sốt với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...
Bệnh khó chẩn đoán và có tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 40% do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền như: Đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh được chẩn đoán xác định bằng nuôi cấy máu và các dịch ổ áp xe để phát hiện vi khuẩn Whitmore.
Đặc biệt, việc điều trị bệnh nay thường lâu dài, bằng các kháng sinh đặc hiệu trong thời gian từ 2-4 tuần, sau đó tiếp tục điều trị duy trì kéo dài tới 3-6 tháng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, trong mùa mưa bão, người dân cần thiết phải biết phát hiện và phòng bệnh, trong đó có bệnh Whitmore. Đặc biệt, do có biểu hiện lâm sàng đa dạng nên bệnh Whitmore rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác khiến việc điều trị không hiệu quả.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết: “Gần đây tại Bệnh viện Bạch Mai liên tục ghi nhận sự các ca bệnh Whitmore. Tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay đã có 6 bệnh nhân; hiện vẫn còn 3 ca bệnh vẫn đang điều trị. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh. Các bệnh nhân này đều trên 50 tuổi và có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi...”
PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người; hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, cho nên, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.
- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.
|
Phong Duy