Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 12/12/2023 14:32'(GMT+7)

Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, đổi mới

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội thảo. (Ảnh: TA)

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội thảo. (Ảnh: TA)

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo toàn quốc với chủ đề: “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển”. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TA)

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TA)

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; coi văn hóa, văn nghệ là mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trong thời gian qua, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Những hạn chế, bất cập này cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.

LLPB VHNT phải làm nền tảng cho những sáng tác văn nghệ không chỉ là vũ khí đấu tranh chống cái xấu, cái ác, lạc hậu, mà còn là suối nguồn trong mát nuôi dưỡng tâm hồn con người bằng cái chân, thiện, mỹ; để chúng ta có nhiều hơn những tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những tác phẩm chân thực, sinh động về con người Việt Nam có khát vọng, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: TA)

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: TA)

"LLPB VHNT mới phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm: nền văn hóa, văn nghệ mà chúng ta đang xây dựng là của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa, văn nghệ ấy", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là công tác LLPB VHNT cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với phát triển; đặt văn hóa, văn nghệ đúng vị trí, thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, văn nghệ, con người.

PGS. TS. nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo. (Ảnh: TA)

PGS. TS. nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo. (Ảnh: TA)

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thông tin cho biết, hội thảo đã nhận được 103 tham luận của các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các chuyên gia trong nước và quốc tế, văn nghệ sĩ...

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài. 

Đồng thời, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chúng ta cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, nhất là những vấn đề mới, khó, có tính lịch sử cụ thể, tính cách tân tạo ra sự phân hóa và thách thức mỹ cảm của công chúng tiếp nhận; bài học về giải quyết các hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật... 

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ lưu ý, để bám sát chủ đề Hội thảo và đánh giá đầy đủ, khoa học, khách quan, toàn diện về thực trạng lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới và định hướng phát triển, chú trọng nhiều hơn đến công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn và đề nghị các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các quý vị đại biểu tập trung trao đổi, bàn thảo trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, khoa học, khách quan về mấy nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển.

GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: TA)

GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: TA)

Thứ hai, phân tích, đánh giá quá trình hòa hợp, hòa giải, thống nhất, tiếp biến, phát triển của nền văn học, nghệ thuật cách mạng, đồng thời đánh giá một cách khách quan, chính xác, thỏa đáng những đóng góp của bộ phận văn học yêu nước, tiến bộ ở các đô thị miền Nam 1954-1975; văn học yêu nước, tiến bộ của của người Việt Nam ở nước ngoài; quá trình giao lưu, tiếp thu, tiếp biến các trào lưu tư tưởng, lý luận văn nghệ nước ngoài ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra trong quá trình hòa hợp, giao lưu, tiếp nhận, tiếp biến văn hóa,  văn nghệ đã, đang và cần được giải quyết.

Thứ ba, đánh giá quá trình kế thừa và cách tân lý luận, phê bình văn nghệ dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, phát triển, hội nhập.

Thứ tư, khẳng định những ưu điểm, thành tựu; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hóa, văn nghệ nước ta, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam  giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn. 

Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định thẳng thắn, xác đáng, những đề xuất mang tính thực tiễn cao nhằm hướng tới giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn nghệ giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn./.

Tin, ảnh: Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất