Chủ Nhật, 28/4/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 5/12/2023 8:36'(GMT+7)

Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”

Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển được Đảng ta quan tâm trong suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045: “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.”.

Quang cảnh Hội nghị.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cho cả nước. Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” được tổ chức với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 36, khẳng định ý nghĩa của phát triển bền vững kinh tế biển; kiến nghị, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới, đồng thời, định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc năm 2024 và những năm tiếp theo. Qua đó, thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh các công trình khoa học nghiên cứu về biển, đảo; đồng thời, góp phần phản bác hoạt động, luận điệu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo làm tổn hại đến đất nước ta.

 Hội thảo đã thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp và các bài tham luận đến từ đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương; cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; chuyên gia trong lĩnh vực biển, đảo... Các bài tham luận xoay quanh nhiều chủ để như: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển; thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam hiện nay; công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại liên quan đến vấn đề Biển đảo hiện nay…

PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia biển, biển đảo có vị trí chiến lược trọng yếu trên các phương diện quốc phòng, kinh tế, hợp tác quốc tế. Do vậy, phát triển kinh tế biển Việt Nam phải hài hòa, phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng. Trên cơ sở đó, đóng góp của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, phát triển kinh tế biển ngày càng được coi trọng. Đại học Quốc gia Hà Nội đã cung cấp nhiều nghiên cứu về biển đảo liên quan đến lịch sử phát triển, các ưu thế về tự nhiên, nguồn tài nguyên, cũng như các mô hình phát triển kinh tế biển...

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế biển đồng thời xác định nhiệm vụ đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển. Ông nêu rõ, mặc dù đã đạt được những thành tựu, tuy nhiên, một số mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển chưa đạt được; chưa phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của biển. Liên kết giữa các vùng ven biển; giữa vùng, địa phương ven biển với vùng, địa phương trong đất liền; giữa các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả. Vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái có nguy cơ gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, nghiên cứu để đề xuất các mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững là vấn đề cấp thiết.

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Doanh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân nhấn mạnh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển bền vững là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. "Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mối quan hệ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền đất nước trong tình hình mới; không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc" - Đại tá Nguyễn Quốc Doanh nhấn mạnh.

 

Tin, ảnh: DUY PHONG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất