Chủ Nhật, 28/4/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 11/12/2023 13:41'(GMT+7)

Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại

PGS. TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS. TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: PGS. TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao; PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Về phía Australia có ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam; ông Greg Wilcock, Vụ trưởng phụ trách truyền thông, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia; Giáo sư Caitlin Byrne, Đại học Griffith; bà Carol Holmes, Tham tám chính trị Đại sứ quán Australia tại Việt Nam...

Dự Hội thảo còn có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Tuyên giáo một tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo một số trường Đại học của Việt Nam; đại diện một số tổ chức quốc tế như UNESCO, Phòng Thương mại Australia (AusCham), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Ban tại Việt nam (JICA)...

TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH MỀM THÔNG QUA HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA, CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại Trung ương nêu rõ, thực hiện Đề án kỷ niệm lần thứ 50 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (1973 - 2023) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại”. Bên cạnh mục đích trên, Hội thảo cũng nhằm hướng tới đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước - văn hóa - con người Việt Nam ra thế giới nói chung và tới đất nước Australia nói riêng; trao đổi về xu thế ứng dụng các phương tiện truyền thông mới trong quảng bá sức mạnh mềm, xây dựng thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên số.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Theo PGS. TS. Lê Hải Bình, chặng đường hợp tác 50 năm qua cho thấy, quan hệ Việt Nam - Australia đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Hai nước đều giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhau. Ngoài việc thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, tăng cường các cơ chế hợp tác song phương, hai bên còn phối hợp thực hiện Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2023 đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng nhưng hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, xu thế chủ đạo. Để đạt được lợi ích quốc gia, nâng cao tầm ảnh hưởng, vị thế, uy tín trên trường quốc tế, việc tăng cường phát huy sức mạnh mềm thông qua hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chính trị - xã hội và chính sách đối ngoại đang được nhiều quốc gia theo đuổi.

Khẳng định vai trò to lớn của sức mạnh mềm, của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, PGS. TS. Lê Hải Bình nhấn mạnh, với hàng nghìn năm hình thành và phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời. Chính văn hóa đã góp phần làm nên sức mạnh, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

PGS. TS. Lê Hải Bình khẳng định, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, triển khai tốt trường phái “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu quốc gia, bản sắc đối ngoại riêng. Việt Nam đang nỗ lực từng bước để gia tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín của quốc tế... Theo đó, Hội thảo quốc tế lần này là cơ hội để các đại biểu Australia nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung hiểu hơn về những nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để xây dựng giá trị, bản sắc, thương hiệu quốc gia cũng như đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Đồng thời là cơ hội để kết nối, chia sẻ về những vấn đề chung mà hai bên cùng quan tâm....

Đại sứ Andrew Goledzinowski phát biểu khai mạc Hội thảo.

Về phần mình, trong phát biểu khai mạc, ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo; nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sức mạnh mềm trong truyền thông hiện đại, cũng như sự tham gia tích cực vào khái niệm này của các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh những dẫn chứng khẳng định về sức mạnh mềm của truyền thông trong bối cảnh thế giới hiện nay, Đại sứ Andrew Goledzinowski khẳng định, trong nhiều thập niên qua, nhờ chính sách ngoại giao quốc gia đã giúp Australia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, ghi nhận và khẳng định; nhất là về năng lực, uy tín, vị thế quốc gia, cũng như vai trò kết nối, hòa giải, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của khu vực và toàn cầu...

SỰ TRỖI DẬY CỦA SỨC MẠNH MỀM TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Phát biểu Đề dẫn với chủ đề “Sự trỗi của sức mạnh mềm trong kỷ nguyên số”, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhấn mạnh 3 nội dung: 1) Nội hàm và tầm quan trọng của sức mạnh mềm; 2); Phát huy sức mạnh mềm trong kỷ nguyên số; 3) Sức mạnh mềm Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, kỷ nguyên số đã tạo ra một nền tảng công nghệ truyền thông hiện đại chính là Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây làm thay đổi to lớn cách thức truyền thông của con người. Từ đó có thể khẳng định kỷ nguyên số là môi trường đầy hứa hẹn và nhiều thuận tiện để phát huy sức mạnh mềm quốc gia, đặc biệt khi nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong điều kiện ấy, sức mạnh mềm có nhiều cơ hội phát triển, thậm chí “trỗi dậy” thông qua các hình thức: Một là, phát huy sức mạnh mềm quốc gia thông qua ngoại giao công chúng; Hai là, phát huy sức mạnh mềm quốc gia thông qua xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia.

Theo đó, các công cụ thực hiện ngoại giao công chúng và xây dựng thương hiệu quốc gia giúp sức mạnh mềm “trỗi dậy” trong kỷ nguyên số rất nhiều, song phổ biến là công cụ truyền thông. Sự phát triển của công nghệ truyền thông kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội và các hình thức tương tác trực tuyến khác (còn gọi là truyền thông mới) đã làm tăng đáng kể tầm nhìn và tác động của sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế. Điều này cho phép các quốc gia thể hiện các giá trị, ý tưởng trên phạm vi toàn cầu và định hình diễn ngôn toàn cầu về các vấn đề quan trọng...

PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

Thông qua ngoại giao công chúng, thương hiệu quốc gia với sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông mới, một quốc gia có thể thể hiện hiệu quả các nguồn lực sức mạnh mềm của mình, thu hút các nước khác và nuôi dưỡng thiện chí. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, “nghệ thuật thu hút và thuyết phục” thông qua sức mạnh mềm đã và đang chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu đối ngoại của quốc gia trong môi trường quốc tế.

Trong thời đại kỷ nguyên số, sức mạnh mềm ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Do vậy, các nước trên thế giới ở các quy mô khác nhau đều quan tâm xây dựng, củng cố, khai thác và phát huy sức mạnh mềm như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược, trong đó có Việt Nam.

PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh, với vị thế đang định hình là một quốc gia tầm trung, Việt Nam tuy có xuất phát điểm thấp và muộn hơn, nhưng được đánh giá có nhiều nguồn lực để triển khai sức mạnh mềm trong kỷ nguyên số... Kế thừa giá trị truyền thống, ngày nay, sức mạnh mềm quốc gia của Việt Nam còn được bổ sung các nguồn lực như nguồn lực từ giá trị văn hoá Xã hội chủ nghĩa, nguồn lực từ những bài học lớn trong đối ngoại như: bài học kiên trì về nguyên tắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; linh hoạt trong sách lược điều chỉnh tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, yêu hoà bình, đáng chú ý là lực lượng lao động trẻ thông minh, chăm chỉ đầy nhiệt huyết…

Thực tế cho thấy, về cơ bản Việt Nam đã phát huy và phát triển thành công sức mạnh mềm trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia cả trên ba phương diện an ninh, phát triển và ảnh hưởng, đặc biệt là cơ hội tạo dựng, nâng cao vị thế trong quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, thông qua phát huy sức mạnh mềm, Việt Nam đang tạo khả năng quy tụ, tập hợp lực lượng, sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, tạo nên chí khí dân tộc, bởi bản thân sức mạnh mềm Việt Nam có giá trị tự thân, sức mạnh nội tại, sức cảm hóa...

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN, BỔ SUNG THÊM CÁC GÓC NHÌN, NHẬN ĐỊNH VÀ KIẾN GIẢI MỚI

Từ định hướng Đề dẫn Hội thảo, các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội thảo đã nhấn mạnh việc cần phải tiếp tục phát triển, bổ sung thêm các góc nhìn mới, nhận định mới, kiến giải mới cho vấn đề “Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại” như những gợi ý quý báu cho Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng sức mạnh mềm cần gắn bó chặt chẽ với khoa học công nghệ và sự thích ứng của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Hiện nay, mạng xã hội là phương thức lan truyền thông tin rất nhanh nhưng cũng đặt ra những thách thức như quản lý tin giả, thông tin sai lệch; xây dựng nguyên tắc ứng xử trên mạng xã hội. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả các nền tảng truyền thông hiện đại, rất cần một đội ngũ nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu của thời đại, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu kết luận Hội thảo.

Trên cơ sở sự chuyển động không ngừng của khoa học công nghệ và nguồn lực của sức mạnh mềm quốc gia, các chủ đề tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào những vấn đề sau:

Một là, thực trạng chính sách quốc gia của Việt Nam về tăng cường sức mạnh mềm, thương hiệu quốc gia trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông mới. Các giải pháp, sáng kiến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quảng bá hình ảnh quốc gia - dân tộc nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh mềm của Việt Nam trên nền tảng truyền thông hiện đại.

Hai là, kinh nghiệm của Việt Nam và Australia về tăng cường sức mạnh mềm, xây dựng thương hiệu quốc gia trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông mới.

Ba là, vai trò của truyền thông hiện đại với việc tăng cường sức mạnh mềm quốc gia thông qua ngoại giao số, ngoại giao công chúng, thương hiệu quốc gia.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, cách mạng khoa học - công nghệ là một xu thế không thể đảo ngược và tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, do đó, việc lựa chọn chính sách đối nội và đối ngoại để kịp thời thích ứng với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ đó đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, Việt Nam đánh giá cao kinh nghiệm của bạn bè quốc tế. Hội thảo là nguồn thông tin thực tiễn phong phú để Việt Nam tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách đối ngoại trong kỷ nguyên số.../.

Tin, ảnh: THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất