Lý luận phê bình đang bị đánh giá là yếu kém. Tuy nhiên, việc yếu kém này thời gian gần đây đang có xu hướng dồn lên các công cụ truyền thông nhất là báo chí (báo giấy, truyền hình, truyền thanh, báo điện tử…). Có thật như vậy?
Đó là nhận xét của TS Lê Thành Nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam về thực trạng phê bình trên báo chí hiện nay. Ông còn cho rằng, phê bình trên báo chí hiện nay yếu về cả tầm khái quát, thiếu tính lý luận chuyên sâu.
TS Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Lý luận Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cụ thể hơn: “Ban biên tập một số báo thẳng thừng gạt ngay bài phê bình đánh giá chất lượng nghệ thuật sau chương trình như thể họ không hề biết phê bình tất phải tán sau chứ không thể bịa trước…”.
|
Chiếc áo Thiên Nga - một trong những tác phẩm VHNT được chuyển thể lên sân khấu gây tranh luận trong giới lý luận phê bình thời gian qua. Ảnh: Dịu Thương |
Có thể khác nhau về cách đánh giá nhưng các ý kiến đều thống nhất một vấn đề là tuy yếu kém về chuyên môn nhưng các công cụ truyền thông lại đang đóng một vai trò quan trọng nếu không muốn nói là quyết định trong việc định hướng khán giả, bạn đọc. Theo một khảo sát của các đơn vị phát hành sách lớn như Fahasa, Phương Nam, có đến hơn 80% bạn đọc mua sách thông qua kênh báo chí, từ truyền hình, truyền thanh đến báo giấy, báo điện tử… Trong các lĩnh vực khác như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, tình hình cũng không khác gì nhiều khi khán giả lựa chọn thưởng thức phần lớn qua tham khảo báo chí.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, trong tuyển tập phóng sự mới nhất của mình đã thừa nhận rằng báo chí ngày nay thích tập trung vào thông tin thời sự hơn là những bài phóng sự dài. Phóng sự, thể loại báo chí hấp dẫn, thậm chí còn mang đậm tính văn học mà còn vậy huống chi các bài Lý luận phê bình vốn hay bị xem là nặng tính học thuật.
Về ý kiến cho rằng cần đòi hỏi các phóng viên viết VHNT có trình độ của các nhà lý luận phê bình, nhà thơ Lê Tú Lệ (Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) cho rằng: “Ở nhiều cơ quan báo chí, một phóng viên có thể đảm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, sân khấu, điện ảnh… Nếu lúc nào cũng bắt họ phải là một nhà lý luận phê bình thì ngay cả các GS, TS cũng không đáp ứng nổi yêu cầu”.
TS Nguyễn Thị Minh Châu than: “Ngay các tạp chí nghệ thuật trong thời buổi cạnh tranh độc giả cũng chọn những bài nóng thời sự và không mặn mà với những bài đã nguội thông tin…”. Thực trạng chung là các tờ báo chuyên ngành có chỗ để đăng lý luận phê bình lại khó bán, khó duy trì hoạt động, muốn bán được phải chạy theo thông tin nóng, không còn chỗ cho phê bình. Cái vòng lẩn quẩn cứ thế diễn ra.
Về lâu dài, việc xây dựng một hệ thống truyền thông dành riêng cho lý luận phê bình là điều cốt lõi. Tạp chí Lý luận phê bình VHNT của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương vừa ra mắt chính là một nỗ lực theo hướng đó.
|
|
Thời gian gần đây cả báo chí lẫn các nhà lý luận phê bình bắt đầu ngồi lại với nhau tìm lối ra cho tình hình hiện nay. Có nhiều giải pháp được đề ra, có ý kiến cho rằng về phía báo chí nên tận dụng khả năng chứa đựng thông tin lớn của hệ thống mạng. Hầu như các báo đều có trang điện tử, có thể sử dụng để đăng tải các bài lý luận phê bình hay, có tính thời sự.
Ngược lại, các nhà phê bình cũng bắt đầu có tư duy thay đổi cách viết cho súc tích, ngắn gọn, phù hợp nhu cầu của báo chí. Nói cách khác, giữa báo chí và lý luận phê bình cần có sự phối hợp dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và nhu cầu độc giả. | |
SGGP