Không thể phủ nhận hiệu quả của hệ thống truyền thông mạng trong việc cung cấp thông tin. Nhiều sự kiện nóng được cập nhật tức thời, nhiều chuyện diễn ra trong tích tắc do chính người dân có mặt tại hiện trường thực hiện. Thế nhưng, bên cạnh đó, tính chính xác, điểm yếu chí tử của truyền thông mạng cũng phơi bày do xem nhẹ việc thẩm định, xác nhận.
Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin nghệ sĩ Quyền Linh bị bắt vì “buôn bán ma túy”. Tất cả bắt nguồn từ một video clip được đưa đầu tiên trên diễn đàn vozforum, trong clip đó nghệ sĩ Quyền Linh bị 2 chiến sĩ công an chặn lại và khi mở cốp sau xe phát hiện có một gói bột trắng nghi là ma túy.
Ngay lập tức, thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt khắp thế giới mạng, nhiều người sốt lên vì Quyền Linh là một trong những nghệ sĩ được ghi nhận có lối sống lành mạnh, ít khi nào dính líu đến các vụ lùm xùm. Nhiều người thuộc các giới chuyên môn cũng nhảy vào bình luận cho rằng clip này không phải quay lén bằng điện thoại do độ nét tốt, khó điện thoại nào có thể đáp ứng được. Một sĩ quan công an công tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy cũng nghi ngờ độ chính xác của clip vì khi bắt một vụ ma túy lớn đến thế (theo hình ảnh, gói ma túy có thể lên đến gần 1kg) thì không thể có chuyện đứng khơi khơi ngoài đường, nghi phạm (Quyền Linh) được thoải mái tự do gọi điện, giải thích, còn chiến sĩ công an không thấy đeo bảng tên có số hiệu…
Dĩ nhiên, nhân vật chính trong clip, nghệ sĩ Quyền Linh bị tra tấn bởi hàng ngàn cuộc điện thoại. Và thông tin bùng lên mãi mới được xác định, hình ảnh trong clip là một cảnh trong chương trình “Ống kính bí mật” đang được dàn dựng. Tới đây lại dấy lên mối nghi ngờ, đây là chiêu PR? Nghệ sĩ Quyền Linh cho rằng điều này không thể do chương trình chưa dàn dựng xong, có thể là một ai đó đã nghịch ngợm thái quá, quay lại và tung lên mạng.
Một lần nữa, câu chuyện này lại làm người ta nhớ lại những “vụ án” truyền thông mạng ầm ĩ trước đây như vụ “Nguyên Vũ rạch tay tự sát tại Đà Lạt” khiến cộng đồng mạng xôn xao, thực tế là hình ảnh trong một bộ phim. Sau đó, một trang web cũng đưa hình ảnh hai thanh niên vi phạm giao thông cầm dao rượt CSGT gây chấn động dư luận, hàng chục tờ tin, báo mạng lấy đăng lại, thậm chí một tờ báo còn lấy đăng lên trang tin điện tử của mình. Tuy nhiên, thực tế đây là cảnh quay trong một chương trình truyền hình.
Không thể phủ nhận hiệu quả của hệ thống truyền thông mạng trong việc cung cấp thông tin. Nhiều sự kiện nóng được cập nhật tức thời, nhiều chuyện diễn ra trong tích tắc do chính người dân có mặt tại hiện trường thực hiện. Thế nhưng, bên cạnh đó, tính chính xác, điểm yếu chí tử của truyền thông mạng cũng phơi bày do xem nhẹ việc thẩm định, xác nhận. Điểm yếu này còn được hỗ trợ do việc xuất hiện quá nhiều các trang mạng chuyên cung cấp thông tin nhanh như tia chớp, nhưng đa phần lại thiếu nhân lực, kỹ năng trong việc kiểm tra tính chuẩn xác của thông tin. Ấy là không kể những thông tin cố tình gây sự kiện hoặc có ác ý!
Chính vì thế, trong biển thông tin hiện nay, đối với bạn đọc, việc bình tĩnh, chờ đợi thông tin được kiểm chứng là một sự lựa chọn hữu ích. Tránh được việc bị cuốn theo những tin đồn thất thiệt gây xáo trộn xã hội./.
(Theo: Tường Vy/SGGP)