Thời gian gần đây, cả nước có nhiều di sản được UNESCO được vinh danh và công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Song song những thành công đáng ghi nhận đó còn tồn tại một thực tế, đó là: Vẫn còn địa phương chưa lấy mục tiêu bảo vệ di sản làm cốt yếu mà chỉ quan tâm tới chuyện tôn vinh, tự hào với danh hiệu và tổ chức rầm rộ các sự kiện liên quan.
Để góp phần đưa di sản về đúng bản chất của nó, được nâng niu, gìn giữ, bảo tồn từ đó phát huy giá trị cũng như khai thác du lịch rất cần sự vào cuộc không chỉ của các cấp chính quyền mà còn là ý thức của người dân.
* Nhiều di sản đang dần "biến dạng"
Việt Nam đã có 7 di sản vật thể (2 địa danh thiên nhiên, 5 địa danh văn hóa) và 9 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Mong muốn di sản đẹp hơn trong lòng những người yêu mến, nhiều địa phương đã dành những khoản đầu tư không nhỏ để trùng tu, tôn tạo di sản. Tuy nhiên chúng ta đang rất yếu và thiếu kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa cũng như thiên nhiên. Đây là đánh giá của GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam. Điều này cũng lý giải thực tế không phải lúc nào những giá trị đích thực của di sản được công nhận và ghi nhận đúng mức; ở một vài nơi thay vì phát huy đã vô tình hủy hoại hoặc có bảo tồn nhưng việc làm không đúng với tinh thần của UNESCO về bảo vệ di sản. Điển hình là trường hợp của Quần thể di tích Cố đô Huế; Đàn Nam Giao, của di tích Thành Nhà Hồ - Thanh Hóa…
Theo Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế: Sau khi quần thể di tích này được UNESCO công nhận là di sản thế giới, trong khoảng từ năm 1996 - 2010 đã được đầu tư trên 600 tỷ đồng để trùng tu hơn 100 công trình. Tuy nhiên, thời gian qua không ít người tiếc nuối vì không ít công trình đã trở nên “hiện đại”. Những mái ngói cổ được thay bằng vật liệu hoàn toàn khác, những vết tích xưa cũ được sơn mới lòe loẹt, không ít những chi tiết hoa văn cổ bị bỏ bớt hoặc thiết kế lại. Không chỉ dừng lại ở đó, gần đây nhất là Đàn Nam Giao của Thành nhà Hồ đã được phục dựng bất chấp cơ sở khoa học đang làm buồn lòng những người dân yêu mến di tích này.
Không chỉ những di sản vật thể bị làm sai lệch, những di sản phi vật thể như Nhã nhạc Cung đình Huế và hát Xoan Phú Thọ - những di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - cũng không nằm ngoài xu hướng này. Được vinh danh, các di sản văn hóa này chưa kịp phục hồi những làn điệu cổ thì đã xuất hiện biến tướng kiểu như “giao hưởng hóa” Nhã nhạc, “chèo hóa” hát Xoan, khiến người xem khi chưa hiểu và trân trọng được giá trị thật đã phải chịu đựng những buổi biểu diễn “lai tạp”. Hiện thực trên đang là hồi chuông báo động cho tình trạng bảo tồn các di tích ở Việt Nam hiện nay.
* Nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản thế giới
Tìm lối ra cho việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới luôn là trăn trở của những cơ quan hữu quan và cả tổ chức, cá nhân yêu mến nền văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam. Nhiều tổ chức, đơn vị làm nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ di sản được thành lập như: Hội di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Văn hóa Hội An… đã ra đời và có đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền, bảo vệ, kêu gọi đầu tư vào tôn tạo, bảo tồn các di sản.
Việc vinh danh nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch mà trực tiếp là Cục Di sản lĩnh trách nhiệm phối hợp với các ban ngành hữu quan xây dựng nghị định về xét tặng các danh hiệu cao quý trên. Theo đại diện Cục này, một Ban soạn thảo gồm nhiều cán bộ có tri thức, mẫn cán, đầy nhiệt huyết được thành lập, đang ngày đêm làm việc để tạo ra một khung pháp lý, cơ sở cho việc tôn vinh những người dân, những "di sản sống" ở xung quanh chúng ta đã, đang góp công sức trong việc bảo vệ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong việc giáo dục, huy động cộng đồng cùng tham gia vào quá trình quản lý, bảo tồn cũng như hưởng lợi từ văn hóa (ghi nhận của Ts. Katherine Muller - Rarin, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam).
Việc có nhiều di sản được thế giới tôn vinh sẽ càng khẳng định sự “giàu có” của nền văn hóa Việt Nam. Nhưng ý nghĩa hơn khi mỗi cá nhân trong cộng đồng biết gìn giữ và trân trọng những “báu vật” mà cha ông để lại./.
Mỹ Bình - TTXVN