Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 26/7/2012 21:1'(GMT+7)

Thấy gì qua việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá ở Vương quốc Anh

Bãi đá Stonehenge nằm ở vùng Wiltshire, phía Nam nước Anh.

Bãi đá Stonehenge nằm ở vùng Wiltshire, phía Nam nước Anh.

Từ những thế kỷ trước, các cộng đồng dân cư trên thế giới đã đến định cư, sinh sống và sáng tạo nên nhiều di sản văn hóa mang nét đặc trưng nhân loại tại Vương quốc Anh. Là quốc gia có tiềm lực về nhiều mặt nên Vương quốc Anh hội tụ những thành quả của các nền văn minh nhân loại, từ văn minh Ai Cập cổ đại đến văn hóa Trung Hoa...

1. Chính sách bảo tồn di sản văn hoá ở Vương quốc Anh

Khái niệm tính nguyên bản (nguyên gốc) trong bảo tồn di tích của châu Âu và châu Á giống nhau nhưng quan niệm về bảo vệ di sản quá khứ lại có sự khác biệt. Nếu ở châu Âu, di sản của các triều đại trước thường được bảo vệ, giữ gìn cho thế hệ sau, thì ở châu Á, đa số các triều đại phong kiến khi lên nắm quyền, lại thường phá bỏ và thay thế những dấu vết của triều đại cũ. Bên cạnh đó, điều kiện thiên nhiên, khí hậu châu Á rất khắc nghiệt, khiến cho việc bảo quản di sản văn hóa gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, Vương quốc Anh hầu như không bị chiến tranh tàn phá là lý do để nhiều công trình kiến trúc có từ hàng nghìn năm trước của đất nước "xứ sở sương mù" này như lâu đài, nhà thờ, quy hoạch kiến trúc đô thị cổ…vẫn còn tương đối nguyên vẹn.

Vương quốc Anh quy định chặt chẽ về bảo tồn di sản, thể hiện ở những văn bản luật, như quy định khi cấp phép xây dựng những công trình mới, chủ đầu tư phải tuân thủ quy hoạch, phải đảm bảo sự hài hòa với vốn kiến trúc cổ hiện có. Nhà nước quan tâm đến vấn đề quy hoạch bảo tồn di tích. Tùy theo giá trị của từng loại hình di sản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà họ có phương án ứng xử (bảo vệ, khai thác) cho phù hợp. Chẳng hạn, khu đá ở Stonehenge được bảo vệ rất nghiêm ngặt, khi xây dựng đường cao tốc họ thiết kế đường tránh nhằm hạn chế độ rung, tiếng ồn do các phương tiện giao thông gây ra. Di tích trên vốn nổi tiếng thế giới nên thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Vì vậy, khi thiết kế, xây dựng hầm ngầm dưới đường cao tốc, người ta tính rất kỹ đến khoảng cách giữa di tích với vùng phụ cận (bãi đậu xe, nơi bán vé, bán hàng lưu niệm…), đảm bảo tối đa sự phù hợp giữa cảnh quan, không gian và môi trường, không để tác động xấu đến di tích. Ngược lại, tại Cung điện Blenheim là nơi ở của Công tước đời thứ 11 của Hoàng gia Anh, trưng bày những kỷ vật về cuộc sống Hoàng tộc từ những thế kỷ trước, du khách được đến gần chiêm ngưỡng hiện vật, được sống trong không gian sinh hoạt như chủ nhân của nó đã và đang sinh sống...

Sự phân cấp rõ ràng trong việc quản lý di sản ở Vương quốc Anh đã phát huy tốt vai trò của Trung ương - địa phương, Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Nhà nước hoạch định chính sách, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng xây dựng và phát triển văn hóa. Nhà nước quản lý các khoản trợ cấp của Chính phủ đối với các Hội đồng di sản, Bảo tàng quốc gia, Hội đồng Nghệ thuật, Thư viện nước Anh, cũng như các di sản văn hóa quốc gia khác. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao cũng quản lý ngành phim và âm nhạc, phát thanh - truyền hình và báo chí, xổ số quốc gia, kinh doanh đánh bạc và cấp phép xuất khẩu các sản phẩm văn hóa... Cơ quan quản lý nhà nước thành lập các hội đồng vùng và sẽ chuyển giao trách nhiệm của chính phủ Trung ương cho các cơ quan này hoặc là giao cho các địa phương - nơi sở hữu di sản đó quản lý (như ở thành phố Bath, Oxford...); hoặc là giao cho gia đình quản lý (trường hợp Lâu đài Blenheim). Các tổ chức phi chính phủ ở lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, khảo cổ học, tư vấn... hoạt động khá sôi động, giữ một vai trò quan trọng, hỗ trợ Nhà nước ở lĩnh vực này. Công ty sổ số kiến thiết là đơn vị hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo tồn di sản từ lợi nhuận của hoạt động này...

2. Tính năng động, hiệu quả trong hoạt động của hệ thống bảo tàng

Cách trưng bày, giới thiệu di vật, hiện vật trong hệ thống bảo tàng ở Vương quốc Anh vừa đảm bảo tính khoa học vừa sinh động, hấp dẫn người xem. Ngoài việc đưa những nội dung giáo dục lịch sử vào chương trình học các cấp, hoạt động của hệ thống bảo tàng với chức năng vừa lưu giữ hiện vật quốc gia lại vừa minh họa lịch sử. Cách trưng bày bảo tàng luôn đổi mới, làm cho khách tham quan không cảm thấy nhàm chán. Chẳng hạn, tại Bảo tàng Máy móc công nghiệp tại thành phố Manchessto, các loại máy móc mà người Anh chế tạo từ những thế kỷ trước như máy dệt, máy hơi nước được trưng bày dưới trạng thái động. Người xem biết được sự hình thành một tấm vải khi nó còn ở dạng sợi bông; bên ngoài trưng bày đầu máy xe lửa, cứ khoảng hai tiếng đồng hồ, đầu máy hơi nước lại chạy xung quanh Bảo tàng…

Phần trưng bày Phòng truyền thống của Câu lạc bộ Manchetsto có sự kết hợp giữa hình ảnh, hiện vật của các cầu thủ nổi tiếng với hình ảnh, tiếng nói của huấn luyện viên...

Bảo tàng Nhân học Pit Rivers trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm của các nước có niên đại cách đây hơn 5.000 năm. Trong đó phải kể đến khu trưng bày gốm sứ, tranh nghệ thuật... với đa số hiện vật có xuất xứ từ nhiều nền văn minh trên thế giới như Ai Cập cổ đại, Trung Hoa, Nhật Bản... được lưu giữ cẩn thận, khoa học và cách trưng bày hiện đại. Trong không gian rộng, hiện vật được trưng bày theo khu sản phẩm (kim loại, gốm sứ, tranh nghệ thuật…) luôn có sự so sánh về niên đại, xuất xứ, giá trị của từng hiện vật, giúp người xem hiểu được trình độ tay nghề của thợ thủ công ở từng châu lục...

3. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch

Các di tích khảo cổ ở Vương quốc Anh như: Bãi đá Stonehenge, làng Avebury, thành phố lịch sử Bath, cung điện Blenheim (đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới) được bảo tồn và khai thác trên cơ sở nghiên cứu khoa học (khảo cổ học, tiến hành phục dựng từng phần). Thậm chí có thể dừng khai thác du lịch, nếu cảm thấy hoạt động này làm ảnh hưởng xấu đến di tích.

Nằm ở vùng Wiltshire, phía Nam nước Anh, bãi đá Stonehenge được xây dựng và thay đổi qua nhiều thế kỷ, từ khoảng năm 2850 - 2200 Tr CN, trên diện tích 111 ha (bao gồm cả một phần làng Avebury) gồm hai vòng tròn đá cao 30m, rộng 160m. Đây là một trong những di sản được dùng làm biểu tượng của nước Anh. Avebury là một ngôi làng mang kiến trúc cổ truyền thống. Vòng đá tiền cổ của làng lớn nhất thế giới có tổng chu vi là 1.3 km. Trong đó, 180 viên đá lớn, dựng thẳng đứng tạo nên một vòng tròn bên ngoài và hai vòng tròn nhỏ bên trong. Mục đích xây dựng cũng như kỹ thuật vận chuyển, sắp đặt điêu luyện này, đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Khi làng Avebury trở thành điểm du lịch thì cư dân ở đây trở thành chủ nhân của các hoạt động dịch vụ du lịch, họ được hưởng thành quả từ ngôi làng nhỏ nhưng cổ kính của mình. Cả khu vực bãi đá Stonehenge và làng Avebury còn là nơi chôn cất hàng trăm ngôi mộ gắn liền với nghi lễ chôn cất, thờ cúng của người thời tiền sử. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, việc sử dụng Stonehenge như một nghĩa trang hỏa thiêu. Stonehenge còn được biết đến như như là ngôi mộ cất chứa bằng đá lớn nhất tại phía Nam nước Anh.

Thành phố lịch sử Bath, được người La Mã xây dựng như một trung tâm nghỉ dưỡng. Thời Trung cổ là một trung tâm quan trọng sản xuất len. Thế kỷ XVIII trở thành một thành phố nghỉ ngơi với những phòng tắm lấy từ nước nóng thiên nhiên. Hiện nay đây là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của nước Anh với 4 triệu lượt du khách/năm. Nét nổi bật của Thành phố Bath là việc tái hiện những giá trị về khảo cổ học và kiến trúc hiện đại, giúp du khách hình dung được khung cảnh của các bể tắm thời Trung cổ một cách sinh động. Hiện nay, các bể tắm được sử dụng để phục vụ khách du lịch. Trong quá trình khảo cổ, nơi đây vừa giữ được nét hoang sơ, cổ kính dưới lòng đất vừa xây dựng, cải tạo để phục vụ nhu cầu du lịch thời hiện đại.

Cung điện Blenheim là một trong 5 di sản văn hóa đầu tiên của nước Anh được tổ chức UNESCO công nhận năm 1997. Cung điện xây dựng từ năm 1795, hoàn thành năm 1822 trên diện tích 7/2000 ha. Hiện nay, Cung điện Blenheim là nơi ở của Công tước đời thứ 11 của Hoàng gia Anh, trưng bày những kỷ vật về cuộc sống Hoàng tộc từ những thế kỷ trước. Đây là di sản duy nhất của nước Anh do tư nhân quản lý và là điểm du lịch nổi tiếng của nước Anh vì nó gắn liền với lịch sử của Hoàng gia Anh và vì phong cảnh tuyệt vời của nơi này. Cung điện Blenheim là di sản duy nhất trong số 28 di sản thế giới ở Anh không nhận được sự tài trợ của Nhà nước. Kinh phí bảo dưỡng, duy trì các hoạt động, được sử dụng từ số tiền khoảng 1 triệu bảng thu được hàng năm qua bán vé du lịch. Mặc dù vậy, cung điện chỉ cho khách tham quan 10/12 tháng trong năm và hạn chế lượng khách không quá 600.000 người/năm. Thời gian còn lại để phục vụ sinh hoạt của Hoàng gia và tu bổ định kỳ. Ngoài ra, họ còn sử dụng đất đai sẵn có để phát triển trang trại, tạo thêm nguồn thu cho hoạt động của Cung điện chứ không nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

4. Bài học bổ ích về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá từ Vương quốc Anh

Từ chính sách đến thực tế bảo tồn di sản văn hoá như đã nêu trên gợi mở cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Có những điều có thể chắt lọc tiếp thu trở thành bài học bổ ích với các quốc gia khác trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá hiện nay. Có thể chắt lọc việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Vương quốc Anh được thực hiện một cách khoa học trên những cơ sở sau đây:

Thứ nhất, chính sách của nhà nước quan tâm và tạo điều kiện để hoạt động bảo tồn di sản phát triển, ưu tiên công tác nghiên cứu khoa học, nhất là công tác khảo cổ học. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản được quan tâm đúng mức, Thành phố lịch sử Bath được giới thiệu với du khách bằng các ngôn ngữ trên thế giới.

Thứ hai, động viên, khích lệ tính sáng tạo trong hoạt động bảo tồn văn hóa. Trong đó, việc xây dựng hệ thống bảo tàng, áp dụng thành tựu khoa học vào việc trưng bày, giới thiệu hiện vật... làm cho hoạt động quảng bá di sản hấp dẫn, thu hút người xem.

Thứ ba, giải quyết hài hòa lợi ích của các thành phần tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ nhu cầu du lịch.

Thứ tư, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ cao được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Họ có thể giới thiệu những nét chung nhất về lịch sử di tích lịch sử hay quá trình hoạt động của bảo tàng nhưng cũng rất am hiểu tường tận chi tiết của sự kiện, hiện vật trưng bày. Cách giới thiệu dí dỏm, hài hước làm cho khách tham quan cảm thấy thú vị./.

Vũ Công Hội
Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất