Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 9/7/2012 22:33'(GMT+7)

Quản lý và văn hóa trong công tác quản lý

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Vấn đề văn hóa quản lý đặt ra lâu nay ở nước ta vẫn chưa thực sự được cải thiện. Đây là tình trạng chung ở rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cần được quan tâm, khắc phục. Chúng ta chưa quan tâm đến triết học quản lí, như vậy sẽ khó có thể có văn hóa quản lý. Quản lý không đơn giản chỉ là cấm đoán, hay ra lệnh cho ai đó làm theo ý muốn của mình, mà đòi hỏi phải người quản lý, cơ quan quản lý phải có cái nhìn tổng thể, thấu đáo, trên cơ sở tôn trọng quyền tự do dân chủ của con người, đặt lợi ích của con người lên trên hết. Trong một số trường hợp khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân hay cộng đồng, đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, buộc chính quyền phải dùng các biện pháp mạnh, thậm chí cưỡng ép để răn đe, ngăn cản, hạn chế thiệt hại như: hành vi đua xe trái phép, di dời người dân khỏi vùng bị thiên tai, giải tỏa các khu vực đất bị lấn chiếm để phục vụ các lợi ích công cộng, phát ngôn bừa bãi, trang phục phản cảm…

Văn hóa không nằm ngoài vấn đề con người. Văn hóa giúp công tác quản lý, người làm công tác quản lý có khả năng nhìn nhận vấn đề từ gốc, giải quyết vấn đề trong mối tương quan với các vấn đề khác, không nằm ngoài tổng thể chung của xã hội và môi trường sống, trong đó có lợi ích của người dân. Nói đến quản lý là nói đến văn hóa, quản lý có văn hóa thì mới hợp lòng dân, người bị quản lý mới “tâm phục khẩu phục” và tuân theo. Văn hóa chính là thước đo trình độ quản lý của người này đối với người khác.

Do trình độ quản lý còn hạn chế, nên nhiều vấn đề lâu nay chỉ được xử lý phần ngọn mà không giải quyết từ gốc, hoặc chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, có trường hợp một số cá nhân, tổ chức biết sai nhưng vì nhiều lí do mà họ vẫn làm. Đây là nguyên nhân của không ít vấn đề xã hội như giao thông, giáo dục, các hoạt động tổ chức biểu diễn, quảng cáo… ở nước ta sau một thời gian dài cải cách, sửa đổi, chấn chỉnh vẫn không có kết quả, thậm chí lại nảy sinh những vấn đề mới phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng luẩn quẩn, manh mún, không được giải quyết dứt điểm những hiện tượng nêu trên phải chăng chúng ta chưa bắt đúng căn bệnh, hay biết bệnh rồi nhưng vì một lí do nào khác mà chưa dùng đúng thuốc để bệnh ngày càng trầm trọng, gây lo lắng cho người dân, ảnh hưởng đến sự bình yên của xã hội.

Trước tình hình giao thông phức tạp như hiện nay, nhiều nhà quản lý cho rằng ý thức chấp hành luật giao thông của người dân kém, hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu không đáp ứng kịp sự phát triển của phương tiện giao thông. Đúng, ý thức của người tham gia giao thông cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông như hiện nay, nhưng có thực sự là ý thức của người dân kém đến như vậy và chỉ có nguyên nhân này? Nguyên nhân sâu xa là do đâu? Tôi được biết nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài công tác, làm ăn, sinh sống, họ rất tôn trọng luật pháp của nước sở tại. Vừa qua dư luận nói nhiều về chủ trương phạt những người đội mũ bảo hiểm giả. Cách nhìn nhận và giải quyết kiểu này cũng giống như Nhà quản lý phạt người mua sữa nhiễm Melamin chứ không phạt người sản xuất ra nó (tức là phạt người bị hại). Người mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng đã khổ, lại còn bị phạt, thật khó hiểu...

Đây là vấn đề của công tác quản lý, quản lý tốt thì luật pháp nghiêm minh, ý thức người dân tăng lên, đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, cung như những hành vi thiếu văn hóa khác. Như vậy, quản lý chính là nguyên nhân cơ bản, giải quyết triệt để vấn đề quản lý thì các vấn đề khác tự nó sẽ thay đổi. Ở các nước phát triển, ngành giao thông vận tải trong năm để xảy ra nhiều tai nạn thì bộ trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính và đứng ra xin lỗi người dân, chứ không đổ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông kém. Gần đây, người dân cũng phàn nàn nhiều về chuyện ca sĩ ăn mặc phản cảm trên sân khấu, nhưng biện pháp xử phạt đối với những ca sĩ đó như hiện nay thì chỉ làm cho nhiều ca sĩ muốn vi phạm hơn vì mục đích của họ là được phạt để gây sự chú ý đối với dư luận, đó cũng là một kiểu tự lăng xê bản thân, chưa kể mức xử phạt còn quá thấp so với thu nhập của họ thì họ đâu có sợ. Vấn đề hết sức đơn giản là: cơ quan được cấp phép tổ chức biểu diễn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về chương trình do mình tổ chức. Vậy mà vấn đề này đã tốn quá nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí.

Phải quan tâm nhiều hơn nữa đến văn hóa, phải đưa văn hóa vào mọi mặt của đời sống xã hội. Không một xã hội nào sinh ra là đã bình yên, nếu bình yên thì không đặt vấn đề quản lý làm gì. Những mâu thuẫn xảy ra, phát sinh là không thể tránh khỏi trong quá trình tồn tại và phát triển của mỗi xã hội. Và do vậy mới cần công tác quản lý. Nhưng quản lý phải bằng văn hóa, có văn hóa chứ không thể theo lối ngẫu hứng, chạy theo để giải quyết tình thế và nhất là không quan tâm đến tiếng nói, quyền lợi cả người dân, quyền con người. Đó cũng là xu hướng quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Họa sĩ Gunter Uecker từng nói: Con người hay thế giới luôn chứa đựng trong mình những mâu thuẫn…nhưng con người có thể nhìn nhận những mâu thuẫn ấy và giải quyết nó bằng văn hóa, có thể đối thoại để đi đến thống nhất, hòa bình.../.

Họa sĩ  Vũ Tuấn Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất