Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, cách đây gần 40 năm, 5 giờ sáng ngày 17-2-1979, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Thực hiện Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, hàng triệu cán bộ chiến sỹ, quân và dân Việt Nam đã cầm súng, chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Để tri ân những anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã tham gia cuộc chiến đấu cách đây 40 năm, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan đồng chủ trì tổ chức Gặp mặt đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
"Đây là dịp thể hiện sự tri ân, quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với người có công với cách mạng nói chung và người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc nói riêng", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định.
Về dự buổi gặp mặt có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chuyên ở tỉnh Quảng Ninh, năm nay đã 84 tuổi, đại diện cho hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc; có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Hòa, ở Lào Cai.
Nhập ngũ năm 1972, trong kháng chiến chống Mỹ, anh hùng Nguyễn Ngọc Hòa đã lập nhiều chiến công, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông đã trực tiếp chiến đấu và lập nhiều chiến công như: Bắn cháy 2 xe tăng của địch, phối hợp với các đơn vị giành được nhiều chiến thắng tại những cao điểm quan trọng.
Còn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Văn Quân, Trung tướng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn năm 1979 với quân hàm Trung úy, Chính trị viên Đại đội, ông cùng các đồng đội đã lập nhiều thành tích, chặn đứng nhiều đợt tấn công của quân thù.
“Về dự buổi gặp mặt còn có 37 thân nhân là những người vợ, người con của các anh hùng liệt sĩ và gần 200 thương binh, bệnh binh. Trong số đó có nhiều người là thương binh nặng 1/4 với tỷ lệ mất sức trên 90%. Đây là những người lính đã để lại nhiều phần thân thể nơi chiến trường và nỗi ám ảnh di chứng chiến tranh vẫn hàng ngày hiện diện, nhưng với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, các thương, bệnh binh đã vượt qua tất cả, sống có ích để làm điểm tựa vững vàng cho con cháu”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết.
|
Các đại biểu giao lưu tại buổi gặp mặt. |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, gia đình liệt sỹ mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ lòng khâm phục, tự hào đối với các thương, bệnh binh tuy mang thương tật trên mình đã không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình, góp sức xây dựng quê hương, đất nước; chia sẻ với các thân nhân liệt sỹ đã vượt qua sự mất mát, tần tảo một nắng, hai sương, nêu gương sáng cho thế hệ con cháu. Nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã vươn lên trong cuộc sống, thành đạt trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.
“Trong những năm qua, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước ban hành đã có tác động to lớn, sâu rộng về chính trị, xã hội, được toàn dân, toàn quân hưởng ứng, trở thành tình cảm thiêng liêng trong đời sống xã hội”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ trăn trở khi công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng các công trình ghi công liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin mặc dù có thông báo phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sỹ đến thăm viếng, được hết sức quan tâm. Việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xác nhận người có công với cách mạng được triển khai quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm… Tuy nhiên, một số trường hợp là đối tượng chính sách người có công với cách mạng còn những khó khăn nhất định, đòi hỏi sự chung tay góp sức, động viên, chia sẻ của cộng đồng.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, các ban, bộ, ngành, các đoàn thể, tổ chức và cấp ủy, chính quyền các các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về thành quả của sự nghiệp cách mạng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời tất cả các chính sách ưu đãi.
HàNộiMới