Chủ Nhật, 6/10/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 31/3/2013 12:6'(GMT+7)

Mang hạnh phúc đến với các gia đình dân tộc thiểu số vùng cao biên giới

Đây là sự kiện do Đoàn Thanh niên các cấp của tỉnh Hà Giang tham mưu cho chính quyền địa phương đứng ra tổ chức đã đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

*Từ những cặp vợ chồng tuổi thiếu niên…

Sinh ra dưới tán lá rừng và lớn lên theo từng tầng núi đá, đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc quanh năm chỉ biết làm bạn với khe suối, bờ nương. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, Pu Péo, Lô Lô, Pú Y, Pà Thẻn...chưa kịp lớn lên thì đã biết làm bố, làm mẹ. Họ về sống với nhau theo sự sắp đặt của hai bên gia đình với mong muốn có được con đàn cháu đống, thêm người thêm của... Đã có rất nhiều cuộc vận động, tuyên truyền từ các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, họ cũng nghe, gật đầu nhưng họ vẫn đưa dựng vợ gả chồng cho con trai, con gái khi mới 13 tuổi...

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Giang, các cặp tảo hôn về chung sống nhiều năm mà không có đăng ký kết hôn hiện đang chiếm khoảng 5% tổng số cặp vợ chồng. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của trẻ như không có giấy chứng sinh, không được hưởng đầy đủ các quyền lợi hợp pháp của trẻ em… Chị Thào Thị Doản, cán bộ Hội Phụ nữ xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ) chia sẻ: Một cô gái 18 tuổi mà chưa có nơi nào dạm hỏi sẽ rất khó lấy chồng, vì vậy việc kết hôn sớm trong các bản làng đã trở thành thói quen khó thay đổi. Nhiều gia đình khi con đến tuổi đi học mới xin đăng ký kết hôn để làm giấy khai sinh cho con, có những cặp vợ chồng đến xin một lần do chưa đủ thủ tục mà chưa được thì cũng thôi luôn.

* Đến đám cưới tập thể ngập tràn hạnh phúc

Những ngày cuối tháng 3 này, hạnh phúc ngập tràn tại các bản làng nơi vùng vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tạm dừng công việc nương rẫy, tay trong tay dắt đến tham gia đám cưới tập thể do Đoàn Thanh niên và chính quyền địa phương phối hợp tổ chức. T ại các xã thuộc các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ…lễ cưới tập thể lần lượt diễn ra theo mô hình kiểu mẫu, thể hiện nếp sống văn minh và tiết kiệm.

Sau khi được tuyên truyền vận động, đa số người dân đều nhận ra việc cần thiết phải có giấy chứng nhận kết hôn để đem lại nhiều lợi ích cho con nên đã tự nguyện tham gia. Nhiều cặp vợ chồng xúc động khi cầm giấy đăng ký kết hôn trong tay, từ nay hạnh phúc của họ đã được pháp luật công nhận, họ tự nhủ sẽ yêu thương và sống có trách nhiệm với nhau hơn. Vợ chồng anh Lò Văn Lủng (22 tuổi ) và chị Giàng Thị Mỷ (21 tuổi) đưa cả 2 đứa đến đám cưới vui mừng khoe: Chúng tôi sống với nhau được 5 năm rồi, lúc cưới chưa đủ tuổi nên cứ về ở với nhau thôi. Giờ được Huyện đoàn và chính quyền xã tổ chức đám cưới và còn cho giấy đăng ký kết hôn, con tôi sang năm chắc chắn được đi học rồi. Vợ chồng tôi vui lắm, cảm ơn nhà nước nhiều lắm…

Ông Chu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Quản Bạ cho biết: Đến thời điểm này đã có khoảng 90% các cặp vợ chồng tảo hôn của huyện được tham gia đám cưới tập thể và được nhận giấy chứng nhận kết hôn. Thời gian tới Phòng Tư pháp huyện và Huyện đoàn sẽ tiếp tục tổ chức đám cưới cho các cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn; phối hợp với các cơ quan đoàn thể tiếp tục đưa cán bộ tới tận các thôn bản vận động thanh niên kết hôn theo đúng độ tuổi.

Là một tỉnh miền núi biên giới cực bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 23 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, đời sống người dân nơi đây còn đói nghèo và lạc hậu. Việc tổ chức đám cưới tập thể đã đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm tin cho họ…Đây là một tiền đề tốt cho công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, nhằm nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của Hà Giang./.


Theo Đỗ Bình/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất