(TCTG) - Bên cạnh giải pháp chống thất thu, thu hồi số tiền nợ thuế, nhất là khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên, hàng hóa nhập khẩu, chuyển giá thì ngành Thuế cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho người dân...
Nhằm tăng cường công tác quản lý, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều biện pháp thanh, kiểm tra, đôn đốc thu nộp và chống nợ đọng thuế. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, trong hai quý đầu năm nay, toàn ngành Thuế đã thanh, kiểm tra được 17.045 DN, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2011. Qua đó, đã truy thu, phạt và truy hoàn 3.043,9 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ 226,4 tỷ đồng; giảm lỗ 4.152,6 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng đã kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế được 772.390 hồ sơ, tăng 67%; xử lý điều chỉnh tăng và ấn định 371 tỷ đồng tiền thuế.
Qua thanh tra, rà soát các hồ sơ khai thuế đã phát hiện những sai sót, ẩn lậu của người nộp thuế để điều chỉnh, tăng số thuế kê khai hoặc ấn định thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thua lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra được 463 DN, qua đó truy thu, truy hoàn và phạt 253,4 tỷ đồng tiền thuế; giảm khấu trừ qua thanh tra 47,7 tỷ đồng; giảm lỗ 1.035,5 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được, Tổng cục Thuế nhận định, việc lựa chọn đối tượng thanh, kiểm tra thuế trong thời gian qua ngày càng hiệu quả hơn. Công tác cải cách, hiện đại hóa quy trình, nghiệp vụ thanh, kiểm tra cũng đã được chú trọng, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án; việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo về thuế được xử lý kịp thời... đã góp phần tích cực trong việc chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, tạo lập công bằng về nghĩa vụ thuế, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, đồng thời, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật thuế để đảm bảo thực thi hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.
Tăng cường công tác tuyên truyền và thanh, kiểm tra
Trước thực trạng hoạt động sản xuất của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là các giải pháp miễn, giãn, giảm thuế cho DN và người nộp thuế sẽ ảnh hưởng đáng kể đến số thu NSNN trong năm 2012, số hụt thu so với dự toán ban đầu có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì vậy, để giảm bớt phần thiếu hụt, ngành Thuế đã xác định trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền và thanh, kiểm tra chống thất thu và gian lận thương mại, tăng cường đôn đốc nợ thuế, đặc biệt là phải đôn đốc số nợ thuế lớn tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Trong đó, nhiệm vụ cụ thể được ngành Thuế đặt ra trong quý III và quý IV năm 2012 là tăng cường giải pháp đôn đốc thu nộp sau thanh tra, kiểm tra, đôn đốc nộp vào NSNN 80% số thuế phải nộp theo biên bản thanh, kiểm tra, cố gắng phấn đấu tăng thu từ 8.000 - 10.000 tỷ đồng.
Thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Vụ Thanh tra và các phòng thanh tra tại cục thuế địa phương tổ chức tốt việc kiểm tra, đôn đốc thu nợ đối với các ngân hàng thương mại; kiểm tra, đôn đốc thu nợ đối với các tập đoàn, tổng công ty. Trong đó, riêng Vụ Thanh tra đã phối hợp với các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục huy động thêm nguồn nhân lực từ các cục, vụ để thành lập các đoàn kiểm tra, phấn đấu hoàn thành kiểm tra, đôn đốc đối với trên 100 tập đoàn, tổng công ty; Tiếp tục phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm, từ đó nghiên cứu giải pháp chống các hành vi gian lận, chống thất thu thuế.
Tổng cục Thuế đang tiếp tục nỗ lực chỉ đạo các đơn vị trong ngành, trong quá trình thanh, kiểm tra phải thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định, giải quyết dứt điểm, đẩy nhanh tiến độ, không để kéo dài các cuộc thanh, kiểm tra và quá trình kết luận thanh, kiểm tra. Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu: ngay sau khi có kết luận thanh tra, quyết định thu vào NSNN các khoản thuế còn thiếu thì bộ phận thanh tra phải phối hợp với các bộ phận thu nợ đôn đốc đơn vị nộp vào NSNN những khoản thuế phải nộp. Mặt khác, triển khai rộng rãi các ứng dụng tin học vào công tác thanh, kiểm tra thuế, yêu cầu các đơn vị, cục thuế địa phương cập nhật đầy đủ dữ liệu thông tin về người nộp thuế, dữ liệu thanh tra, báo cáo tài chính...
Bên cạnh giải pháp chống thất thu, thu hồi số tiền nợ thuế, nhất là khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên, hàng hóa nhập khẩu, chuyển giá thì Ngành cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho người dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp thuế; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra thuế.../.
Lâm Anh Ngọc