Chủ Nhật, 22/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 31/10/2012 11:50'(GMT+7)

“Mất an toàn thực phẩm làm suy yếu giống nòi”

Heo sữa thối vẫn được chế biến làm thức ăn.

Heo sữa thối vẫn được chế biến làm thức ăn.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng gây quá tải bệnh viện chính là bắt nguồn từ vấn đề an toàn thực phẩm.

Đại biểu này nói: “Từ khi trong bụng mẹ thai nhi đã phải chịu tác động của rượu, bia. Khi ra đời thì uống sữa rẻ, sữa có chất cấm. Khi đi học ăn uống vỉa hè với bao nhiêu chất độc hại ở các cổng trường. Sinh viên dùng đồ ăn, thức uống từ thực phẩm hôi thối, nguyên liệu có chất cấm ở mức độ cao. Như vậy chúng ta có thể thấy được nguy cơ suy giảm sức khỏe giống nòi của số lượng không nhỏ người Việt trong những thập kỷ sắp tới”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lên tiếng: “Hàng loạt những cuộc ngộ độc tập thể đã xảy ra, sức khỏe của người lao động bị đe dọa trầm trọng. Không chỉ thế, dư lượng hóa chất độc hại trong thực phẩm tích tụ lâu dài sẽ làm suy yếu nòi giống Việt - đó là một hệ quả tất yếu”.

Ai chịu trách nhiệm?

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đặt câu hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm về những bức xúc về an toàn thực phẩm làm suy kiệt giống nòi? “Trước đây chúng ta cứ chia trách nhiệm cho nhiều bộ để rồi không rõ trách nhiệm. Xin đề nghị Chính phủ nên xem xét lại cơ chế trách nhiệm này”.

Ông đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn cùng với báo chí phát động một cuộc vận động có quy mô toàn quốc nhằm tẩy chay các hàng hóa độc hại. Ngành y tế cần hướng dẫn hàng ngày cho người dân nhận diện được hàng hóa độc hại để tẩy chay có hiệu quả, giúp dân tự bảo vệ sức khỏe. Những ngành quản lý hàng hóa nhập khẩu cần đấu tranh quyết liệt hơn với các hàng hóa độc hại nhập khẩu.

“Tại sao hàng hóa Việt xuất đi các nước khác phải "trầy vi tróc vẩy" chịu đựng hàng trăm hình thức kiểm tra của nước ngoài, còn hàng hóa nước ngoài nhập vào ta trong đó có quá nhiều hàng độc hại lại dễ dàng bày bán vậy? Tại sao những hàng hóa độc hại mà thế giới cấm lưu hành sử dụng từ lâu lại được nhập vào Việt Nam và được bày bán công khai ở chợ? Tại sao người nông dân vô tư phun thuốc sâu vào rau để bán, còn nếu rau dùng cho gia đình thì giữ sạch? Ngành nông nghiệp và nhất là Hội nông dân có bao giờ lưu ý hội viên của mình về hành vi xấu này chưa?”, một loạt dấu hỏi được đại biểu Đáng đưa ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) nêu ý kiến, mặc dù Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, nhưng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến. Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến bảo quản nhập khẩu thức ăn, thực phẩm chất lượng kém độc hại xảy ra thường xuyên là nỗi lo và bức xúc của nhân dân.

Vì vậy, đại biểu Thanh đề nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu, quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin quảng cáo thực phẩm. Có biện pháp kịp thời phản hồi các thông tin sai lệch, không chính xác nhằm ổn định tâm lý người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, tăng cường việc đăng tải các thông tin về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân đưa thông tin quảng cáo không chính xác.

Đối với các cơ quan tư pháp cần tăng cường năng lực điều tra khởi tố các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, các tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ đời sống cho nhân dân.

Kêu gọi người tiêu dùng thông thái?

Trước những ý kiến về các vấn đề an toàn thực phẩm, liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo cáo với các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ những nhức nhối mà các đại biểu Quốc hội nêu ra. Việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của ba bộ: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Y tế. Bộ trưởng cũng khẳng định, hiện chúng ta đã có luật, Nghị định hướng dẫn thực hiện cũng ra đời, kể cả Nghị định xử phạt các vi phạm hành chính. Bộ Y tế cũng đã có những góp ý về nghị định, Luật Thanh tra và nghị định về các thanh tra chuyên ngành, đặc biệt có sự phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an và cảnh sát môi trường.

Tuy nhiên, tình trạng nhức nhối về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra, theo Bộ trưởng, là do những nguyên nhân sau:

Tình trạng nhập lậu và không phải đường chính ngạch của các thực phẩm qua biên giới mà trên báo chí đã nêu. Những phát hiện này thông thường rất khó, Bộ trưởng khẳng định phải phối hợp chặt chẽ với công an, cảnh sát môi trường trong việc phát hiện xe chở hàng chất dưới đó là các thực phẩm đã nhiễm bẩn.

Về vấn đề hóa chất thực vật, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng, đây là nhận thức của người dân. Vì những người sản xuất đã tham lợi khi sử dụng các hóa chất cũng như phụ gia thực phẩm.

“Việc này chúng tôi đã tăng cường thanh tra cùng với các Chi cục thanh tra chuyên ngành và thanh tra của bên Bộ Công thương và của Bộ Nông nghiệp đều phối hợp. Hiện nay chúng tôi đang làm một thông tư kết hợp chặt chẽ với Bộ Công an. Trong thời gian tới sẽ tăng cường giám sát. Tuy nhiên với an toàn thực phẩm là đã có Ban chỉ đạo quốc gia và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì cũng đều đặn ba tháng họp một lần và giao ban trực tuyến với các địa phương”. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh xây dựng một đề án là chuỗi an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Còn Hà Nội xây dựng đề án về vệ sinh đường phố. Tuy nhiên những cố gắng đó thì cũng chỉ mới một năm sau khi thực hiện Luật An toàn thực phẩm, khoảng hơn nửa năm Nghị định ra đời.

Bộ Y tế cũng đưa ra một nghị định xử phạt rất nặng. Đặc biệt sẽ rút giấy phép điều kiện kinh doanh và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng tất cả những nhà sản xuất không đạt yêu cầu một cách công khai để người dân từ chối sản phẩm. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Có lẽ đấy là giải pháp mạnh nhất, còn nếu theo nghị định xử phạt thì với mức tiền như hiện nay thì không có tính chất răn đe”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi, cùng với nỗ lực của các bộ ngành chức năng, cần sự giám sát của đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, người dân phải là những người tiêu dùng thông thái, nhà sản xuất cũng phải vì kinh doanh và uy tín.

Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, người tiêu dùng… không thể nào thông thái được. “ Chúng ta không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng là không thông thái, thông thái thế nào được khi sản phẩm không bảo đảm chất lượng vẫn được quảng cáo bán công khai trên thị trường, chỉ có khi nào có vấn đề thì cơ quan chức năng mới vào cuộc”, đại biểu Thủy nói.

Văn Minh-NhanDanĐT
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất