Thứ Hai, 2/12/2024
Dân số và phát triển
Thứ Sáu, 30/12/2016 14:16'(GMT+7)

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Thanh Ba: Thực trạng và giải pháp

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương. Cụ thể là việc nâng cao mức sống người dân, cải thiện tình trạng sinh sản, sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Xác định rõ điều này, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Thọ, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đã có nhiều cố gắng nhằm nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ trên địa bàn. Nhìn tổng thể, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của huyện Thanh Ba đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, một vấn đề nổi lên trên là tình trạng mất cân bằng giới tính và số người sinh con thứ 3 ngày càng tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mức sống của người dân trên địa bàn, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Ba năm 2016 tổng số sinh con thứ 3 trở lên là 182 cháu (tăng 13 cháu so với cùng kỳ); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 10,4% (tăng 1,90 % so với cùng kỳ); tỷ số giới tính khi sinh là 125 nam/100 nữ (tăng 7 nam). Số xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao là Hanh Cù, Sơn Cương, Yển Khê, Ninh Dân. Đây thực sự là những con số đáng báo động, vì mức chênh lệch giới tính của huyện khá cao.

Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên vẫn chủ yếu xuất phát từ quan niệm “trọng nam khinh nữ” của các gia đình. Bên cạnh tư duy “ăn sâu bám rễ” này, một bộ phận không nhỏ các cặp vợ chồng trẻ lại phải chịu áp lực từ ông bà, dòng họ: cần có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng sau này.

Tâm lý chuộng con trai hơn con gái có nguyên do sâu sa từ chế độ phụ hệ và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Với những quan niệm và tư duy như phải có con trai thì mới có thể gánh vác được trách nhiệm tiếp nối dòng dõi; mới có người chăm sóc cha mẹ khi tuổi già; mới duy trì được tài sản và kế tục sự nghiệp của gia đình.... đã trở thành một trong những nguyên nhân chính cản trở sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Đáng buồn là những tư duy, quan niệm trên không chỉ tồn tại ở những người nông dân “chân lấm tay bùn” mà còn là “quan niệm thường trực” ở không ít cán bộ, đảng viên và người có học thức cao trong huyện.

Vì thế, dẫn đến một thực trạng là, nhiều phụ nữ khi mang thai đến tháng thứ 4, thứ 5, nếu kết quả siêu âm là con gái, họ sẵn sàng phá bỏ để đợi lần sau. Điều này dẫn tới hệ lụy số ca phá thai, nạo hút ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý cũng như sức khỏe của nữ giới.

Nhiều phụ nữ ở nông thôn không có khả năng tiếp cận dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm, mặc dù được cán bộ làm công tác dân số tư vấn, góp ý, nhưng vẫn liên tục sinh con thứ 4, thứ 5 - cho đến khi có được con trai.

Như đã nêu ở trên, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn xuất hiện cả trong suy nghĩ của những người là đảng viên, cán bộ nhà nước, có trình độ kiến thức cao và có kinh tế ổn định, khá giả… Năm 2016 trên địa bàn huyện đã có 22 đảng viên sinh con thứ 3 (tăng 5 đảng viên so với năm 2015). Trong đó cán bộ xã chiếm 18%; giáo viên chiếm 41%; nông dân 36,3%.

Trong những năm tới, sẽ có nhiều vấn đề khó khăn đặt ra cho huyện, từ tình trạng bất hợp lý trong phân công lao động (có nơi quá thiếu, có nơi lại quá thừa), đồng thời dẫn đến việc thất thoát nguồn nhân lực do tình trạng di dân về các tỉnh, thành phố lớn. Cùng với đó, sự chênh lệch giới tính sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ, khiến cho nạn buôn phụ nữ ra nước ngoài sẽ ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp. Sâu xa hơn, rất có thể trong tương lai sẽ diễn ra tình trạng  “nhập khẩu cô dâu”… Nhưng điều này là một trong những nguyên dân của các tệ nạn xã hội khác như gia tăng của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em gái; trẻ em gái bỏ học sơm; tảo hôn; mại dâm…

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình sẽ kéo theo một tỷ lệ nam giới đến độ tuổi kết hôn phải trì hoãn việc xây dựng gia đình, đặc biệt là nam giới ở những gia đình nghèo, vị thế xã hội thấp. Cùng với đó là sự thay đổi đáng kể về cấu trúc gia đình (như tình trạng sống độc thân); gia tăng tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục; phụ nữ ít có cơ hội được nâng cao địa vị trong xã hội...

Những nội dung và nguy cơ hệ lụy nêu trên cũng là những vấn đề được Trung tâm DS-KHHGD huyện Thanh Ba đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đồng thời cũng là những vấn đề được cấp ủy, chính quyền huyện đưa vào chương trình nghị sự trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 
 Các cháu học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Thanh Ba. (Ảnh minh họa)

Để đảm bảo sự phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên và hạn chế sự mất cân bằng giới tính khi sinh, trong thời gian tới, Trung tâm DS-KHHGD huyện đã xác định một số giải pháp đồng bộ như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị kiên trì thực hiện mục tiêu “Chỉ nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Đồng thời đề xuất những chế tài, xử lý nghiêm khắc với các cán bộ, viên chức, đảng viên vi phạm chính sách dân số.

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về công tác DS-KHHGĐ, đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, chú trọng đến việc tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư, các hộ gia đình qua mạng lưới công tác viên. Trước mắt phải tập chung vào những xã có mức sinh cao, xã vùng đồng bào công giáo, xã có đông tỷ lệ đảng viên vi phạm chính sách dân số….

Ba là, tăng cường củng cố, ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở. Tiếp tục có kế hoạch tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và cộng tác viên ở cơ sở để đáp ứng chức năng nhiệm vụ được phân công. Đầu tư kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền cho tuyến huyện, xã, thị trấn.

Bốn là,
đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ KHHGĐ như đa dạng hóa các biện pháp tránh thai hiện đại, cung cấp kịp thời, an toàn và hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác tiếp thị, xã hội hóa các biện pháp tránh thai như BCS, thuốc uống tránh thai.. cho tất cả các đối tượng có nhu cầu sử dụng.

Năm là,
trước mắt phấn đấu chỉ tiêu giảm sinh trong năm 2017, tập trung vào các lĩnh vực như tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đạt 1.05%; mức giảm tỷ xuất sinh đạt 0.2%; mức giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 đạt 1%; phấn đấu có 4 xã không có người sinh con thứ 3; 220 khu dân cư không có người sinh con thứ 3; tỷ số giới khi sinh là 115 nam/100 nữ; tăng 1% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được bảo vệ tránh thai hiện đại.

Để công tác DS-KHHGĐ phát huy hiệu quả thực chất, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội. Hy vọng trong thời gian tới, huyện Thanh Ba sẽ cải thiện được tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức độ thông thường, góp phần ổn định cuộc sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài, ảnh: Thanh Mai
Ban Tuyên giáo huyện Thanh Ba, Phú Thọ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất