Thực sự là một sự tiếp sức
Ngay từ khi đặt chân xuống bến xe, nhà ga, trong cái nắng nóng oi bức của thành phố và trong cơn mệt lử vì chen chúc trên xe khách, các sĩ tử và người nhà đã nhận được sự đón tiếp chỉ dẫn nhiệt tình của các sinh viên tình nguyện. “Bạn thi trường nào” là câu hỏi đầu tiên đem đến cho họ niềm tin nới đất khách. Sau khi xem giấy báo, đến được địa điểm thi, thí sinh và người nhà đều được giúp đỡ chọn lựa chỗ trọ giá rẻ, cơm bình dân đảm bảo an toàn. Có người ở vừng sâu vùng xa, lần đầu đến Hà Nội còn được đội ngũ “xe ôm” là sinh viên tình nguyện tận tình đưa đến tận nơi miễn phí.
SVTN hướng dẫn thí sinh tại cụm thi 21 ĐH Công nghiệp. Ảnh Phương Vinh |
Tại các điểm thi, thí sinh được hướng dẫn vào các phòng làm thủ tục để hoàn tất những thông tin cá nhân trước khi chính thức bước vào kỳ thi ngày hôm sau.
Hàng rào sống điều tiết giao thông:
Mỗi thí sinh đi thi lại có 1 người nhà đi kèm. Ngay từ sáng ngày 1.7, lượng người đổ về các thành phố lớn khá đông, việc ùn ứ giao thông không thể tránh khỏi. Ngoài sự cố gắng của lực lượng công an giao thông, dân phòng, những sinh viên tình nguyện cũng tham gia phân luồng giao thông, đảm bảo việc đi lại của thí sinh và người nhà được thông suốt. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những “hàng rào sống” của các “chiến sĩ tình nguyện” đang tham gia phân luồng giao thông cùng lực lượng chức năng tại các nút giao trọng yếu trong giờ cao điểm. Chính họ đã tạo nên một vẻ đẹp trong văn hóa giao thông của Thủ dô.
Làm cầu nối gắn kết những tấm lòng vàng
Trong xã hội vẫn luôn có những tấm lòng vàng với các sĩ tử khi mùa thi đến. Ở gần các điểm thi, có nhiều gia đình đã tình nguyện dọn dẹp nhà mình để đón những sinh viên và người nhà lên thi ăn ở miễn phí. Có địa phương, nghĩa cử cao đẹp này đã trở thành phong trào nhiều năm nay. Ở xã Đức Thượng (Hoài Đức - Hà Nội), Đoàn Thanh niên còn đi vận động từng gia đình cho sinh viên nghỉ miễn phí và quyên góp tiền nấu những “suất cơm 5 nghìn” cho thí sinh và người nhà. Khoảng 2 chục gia đình, mỗi nhà có thể cho 2-3 cặp thí sinh và người nhà ở miễn phí. Có gia đinh còn nấu luôn cả cơm miễn phí. Họ chỉ với một tâm niệm: “Giúp người ta lúc này thì lúc khác lại có người khác giúp mình”. Hoặc “Gia đình tôi đã có con đi thi Đại học rồi nên biết được nỗi vất vả khó khăn và thông cảm cho họ.” “ Làm việc thiện không đi đâu mà thiệt…”. Có nhiều điểm thi tổ chức cho thí sinh và người nhà ở miễn phí ngay trong ký túc xá, nấu ăn giá rẻ trong bếp ăn tập thể của trường (như điểm thi tại trường Bình Minh, điểm thi tại trường Tiểu học Đức Thượng … của Đại học Công nghiệp Hà Nội). Sinh viên tình nguyện đã gắn kết những tấm lòng vàng ấy đến với các sĩ tử và gia đình của họ. Để người tốt có dịp thể hiện tấm lòng của mình, còn người thật sự có nhu cầu cũng thấy vơi đi phần nào những khó khăn vất vả khi đưa con tham gia cuộc “vượt vũ môn” quan trọng nhất trong cuôc đời học tập.
Tôi ra bến xe đón một đứa cháu từ Thanh Hóa lên Hà Nội dự thi Đại học Công nghiệp, tận mắt chứng kiến những việc làm của sinh viên tình nguyện mà thật sự cảm động. Rất nhiều cuốc xe ôm miễn phí đưa sĩ tử và người nhà đến tận chỗ trọ rẻ, thuận tiện. Họ còn cảnh báo với thí sinh để không mắc những chiêu lừa của một số kẻ thiếu lương tâm. Chẳng hạn có nhiều sinh viên tình nguyện “giả” (nghĩa là họ mặc áo xanh giống sinh viên tình nguyện (nhưng không có tên trường), đón thí sinh và người nhà ở các điểm thi, sau đó ra giá “chặt chém” từ chỗ ăn nghỉ đến tiền xe đi lại… Những “chiêu lừa” này đã được các cơ quan chức năng dẹp bỏ, nhưng vẫn rất cần nói rõ để thí sinh và người nhà không mắc. Chính những màu áo xanh tình nguyện và chiếc mũ tai bèo thân thuộc đã làm chỗ dựa cho lòng tin. Và hơn hết họ đã gắn kết sự sẻ chia của cộng đồng xã hội với một sự kiện không nhỏ của đất nước.
Hôm nay, các sĩ tử bắt đầu bước vào ngày đầu tiên của kỳ thi đại học. Ai cũng mong họ làm bài tốt, bõ công 12 năm đèn sách, để mở mang rạng rỡ với đời. Góp thêm vào những thành công ấy, ngoài việc trau dồi kiến thức suốt 12 năm, ngoài sự dìu dắt của thầy cô giáo và chăm lo của cha mẹ các em, còn có một phần không nhỏ của các sinh viên tình nguyện.
Tiếp sức mùa thi đúng là một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, việc làm ấy đã “chở ước mơ hồng” của các bạn thí sinh, giúp cho họ thêm yên tâm khi bước vào kỳ thi quyết định. Những sinh viên tình nguyện với màu áo xanh và chiếc mũ tai bèo - thật xứng đáng được gọi là “màu áo xanh chở ước mơ hồng”.
Nguyễn Thị Diệp