(TG)- Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy Ban ATGT Quốc gia: Cần đưa ngay giáo dục ATGT vào nhà trường để hy vọng sẽ có một thế hệ người Việt Nam mới, tham giao giao thông có ý thức, biết chia sẻ, nhường nhịn, có văn hóa khi tham gia giao thông.
Ngày 2-7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông". Tham dự buổi toạ đàm trực tuyến có đồng chí Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy Ban ATGT Quốc gia, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, 4.913 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” vào ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Đinh La Thăng đã cho biết, trên 80% các tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người điều khiển phương tiện. Đề cập đến nội dung này, Đại tá Trần Sơn Hà cho rằng chúng ta đã tuyên truyền nhiều về vấn đề này, nhưng trên thực tế, chuyển biến của nhận thức rất chậm. Rõ ràng vi phạm giao thông quá phổ biến trong khi lực lượng của kiểm tra giám sát lại quá mỏng. Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân, có quy chế để kiểm soát, có đường dây nóng, của Cục và của các tỉnh thành. Đại tá Trần Sơn Hà cũng mong muốn nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại để tất cả trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tính từ đầu năm tới nay, công an đã xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng, đã xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật, lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền cho cảnh sát.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết tại buổi toạ đàm, thực tế 6 tháng đầu năm, số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm, nhưng số người chết tăng so cùng kỳ. Vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg của về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định để đảm bảo mục tiêu vẫn giảm từ 5-10% cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông, Chỉ thị 12 là giải pháp rất mạnh với quan điểm và cách làm mới. Trong đó tập trung nhiều vào nâng cao tinh thần trách nhiệm thái độ của người thực thi công vụ và sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của hệ thống chính trị và Ban An toàn giao thông địa phương. Đến ngày 6/7, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), Uỷ ban An toàn giao thông (UBATGT) sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, có nhiều biện pháp mạnh, kể cả sẽ có kế hoạch và lộ trình để triển khai. Trước mắt, thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng, Bộ GTVT tập trung giải quyết một số vấn đề. Thứ nhất là thực hiện đợt cao điểm kiểm tra tốc độ xe khách từ nay đến hết năm và đặc biệt là từ nay đến 30/9. Thứ hai, tiến hành rà soát quy định điều khiển phương tiện, sửa đổi Nghị định 91 coi hoạt động vận tải hành khách là kinh doanh đặc biệt với các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập, sức khỏe lái xe để đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách…
Các đại biểu tham gia buổi tọạ đàm đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Về thiết bị giám sát hành trình, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trên thực tế, về mặt quản lý nhà nước, yêu cầu các đơn vị vận tải lắp thiết bị này. Theo thống kê của các đơn vị chức năng, có khoảng 48.600 ô tô phải lắp thiết bị này nhưng trên thực tế, mới chỉ có khoảng 20.000 ô tô đã lắp đặt. Từ trước 1/7/2012, việc này là khuyến khích áp dụng. Từ 1/7/2012 đến nay bắt buộc phải lắp đặt, thiết bị hành trình này cung cấp cho chủ xe nhiều thông số trong đó có tốc độ, giờ nghỉ... Từ1/7/2013 trở đi, tất cả các đơn vị vận tải sẽ bị xử phạt nếu không lắp đặt thiết bị hành trình cũng như các thiết bị đó không hoạt động.
Đại tá Trần Sơn Hà lại đề cập đến vấn đề về quản lý vận tải và kinh doanh vận tải thì hệ thống pháp luật như quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Giao thông đường bộ chưa đồng bộ. Cần phải siết lại điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải quá tải…
Về vấn đề đăng kiểm xe, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT coi đây là nội dung lớn và đã đầu tư hệ thống đăng kiểm đồng bộ ở các địa phương. Các loại xe được đăng kiểm theo chu kỳ, cấp tem đăng kiểm. Tất cả xe lưu thông trên đường đều được đăng kiểm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đối với cơ quan đăng kiểm xây dựng quy trình, quy phạm để đảm bảo tính khách quan, kiểm định thông qua hệ thống máy móc tự động; in kết quả công bố để lái xe được biết; lắp hệ thống camera giám sát để lãnh đạo các cấp giám sát hoạt động các trạm đăng kiểm; có đường dây nóng để các lái xe phản ánh về các cơ quan quản lý nhà nước… Vì vậy hiện tượng tiêu cực được giảm tối đa. “Vừa qua Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra các trung tâm đăng kiểm, qua đó dừng hoạt động 4 trung tâm, xử phạt 29 cán bộ đăng kiểm, đưa ra khỏi dây chuyền 3 cán bộ đăng kiểm… Và theo quy định 6 tháng chúng tôi sẽ thực 1 lần để làm trong sạch đội hình” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết. Ông cũng khẳng định việc xây dựng đạo đức tác phong, trách nhiệm của người đăng kiểm là chủ yếu… còn những hiện tượng sai sót thì trong thời gian không dài sẽ loại trừ những cán bộ có biểu hiện tiêu cực trong vấn đề đăng kiểm.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định Bộ sẽ siết chặt việc cấp giấy phép, đào tạo lái xe để giảm tai nạn giao thông. Trong thời gian vừa qua, Bộ đã xây dựng một quy trình cấp phép cho các trung tâm đào tạo lái xe, sát hạch. Để đảm bảo khách quan, Bộ đã tách khâu đào tạo và khâu sát hạch. Đối với sát hạch, các trung tâm sát hạch được đầu tư công nghệ hiện đại đáp ứng được tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khẳng định lại một lần nữa trong các điều tra nguyên nhân tai nạn, khoảng 80% là nguyên nhân trực tiếp của người điều khiển phương tiện hay nói cách khác là ý thức người tham gia giao thông. Các vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng, điều tra cho thấy là do ý thức người tham gia giao thông, sự nhường nhịn, chia sẻ trong tham gia giao thông là không nhiều lắm. Vì vậy, cần phải xây dựng văn hóa giao thông. UBATGT quốc gia và các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông, trong đó có ý thức giao thông và văn hóa giao thông phải nằm trong tổng thể chung của nền tảng văn hóa xã hội.
Về ý thức người tham gia giao thông, muốn thay đổi phải có thời gian và tập trung vào 2 vấn đề là tuần tra kiểm soát và tuyên truyền, giáo dục. Nếu tuần tra kiểm soát nghiêm thì ý thức sẽ cao lên. Về tuyên truyền và giáo dục, cần làm thế nào để tuyên truyền được tới nhóm đích, cần phải tuyên truyền về một thông điệp phải rõ ràng, có giải pháp để tuyên truyền. Cần đưa ngay giáo dục ATGT vào nhà trường để hy vọng sẽ có một thế hệ người Việt Nam mới, tham giao giao thông có ý thức, biết chia sẻ, nhường nhịn, có văn hóa khi tham gia giao thông./.
Thu Hằng