Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 2/4/2018 15:15'(GMT+7)

Mây đen sao che nổi mặt trời

"Sách trắng" về một lực lượng quang minh, chính đại

 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra và đang đưa khoa học công nghệ phát triển với tốc độ cấp số nhân. Một lĩnh vực phát triển mang tính đột phá trong cuộc cách mạng này là sự kết nối mạng với số lượng khổng lồ của các thiết bị công nghệ thông tin, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới của con người. Đó là không gian số hay còn gọi là không gian mạng. Không gian mạng bao gồm một mạng lưới các thiết bị công nghệ thông tin (máy tính, máy in, máy chủ, máy tính bảng, điện thoại…) kết nối với nhau, mỗi thiết bị có một định danh. Trên không gian mạng tồn tại nhiều cộng đồng mạng chia sẻ những dịch vụ khác nhau. Hiện nay, các dịch vụ này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với toàn bộ đời sống xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.

Chính vì tầm quan trọng của không gian mạng đối với mỗi quốc gia nên đã và đang xuất hiện một nguy cơ an ninh phi truyền thống mới - nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Các hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo, trộm cắp, đe dọa, tấn công mạng xảy ra với tần suất ngày càng nhiều. Vào giữa năm 2010, một loại mã độc đã lây nhiễm vào hệ thống máy tính điều khiển và máy li tâm làm giàu uranium của cơ sở hạt nhân Iran, tuy không gây ra vụ nổ nào nhưng đã gây ra tổn thất to lớn đối với Iran mà các nhà khoa học ví là ngang với thiệt hại của một chiến dịch không kích lớn. Hay từ trước đó, năm 2005-2006, thế giới đã ghi nhận những cuộc tấn công mạng có chủ đích xuất phát từ Mỹ và Anh vào hệ thống thông tin của các tổ chức. Vũ khí tấn công là những mã độc được thiết kế riêng trên cơ sở các đặc tính của hệ thống thông tin bị tấn công, do vậy rất khó chống đỡ. Riêng lĩnh vực kinh tế, theo đánh giá của công ty McAffee, tổn thất hàng năm do các cuộc tấn công mạng đối với các doanh nghiệp là gần 400 tỷ USD. Trong lĩnh vực quân sự, trong năm 2017, quân đội Đức ước tính bị tấn công mạng khoảng 300.000 lần… Điều này đã đòi hỏi mọi quốc gia phải tổ chức lực lượng bảo vệ chủ quyền, duy trì an ninh, an toàn xã hội trên không gian mạng. Từ đó, khái niệm tác chiến không gian mạng (TCKGM) dần hình thành. Đi đầu trên thế giới chính là Mỹ với Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng xuất hiện đầu tiên (năm 2009) và Mỹ cũng là nước đã sớm công bố học thuyết quân sự về TCKGM. Mỹ xác định TCKGM là một trong năm phạm vi tác chiến chủ yếu của quân đội trong thế kỷ 21 gồm: trên bộ, trên biển, trên không, trong vũ trụ và TCKGM. Nhưng việc thành lập Bộ tư lệnh TCKGM không nói hết được tinh thần chủ động của các quốc gia đối với loại hình tác chiến mới này. Theo báo cáo quốc phòng của nhiều nước, mới chỉ tính đến cuối năm 2008, trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia có các chương trình phát triển lực lượng và phương tiện TCKGM ở những quy mô khác nhau.

Điểm qua như vậy để thấy rằng, việc Bộ Quốc phòng Việt Nam thành lập Bộ tư lệnh TCKGM là việc làm cần thiết, mang tính phổ biến để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Bộ tư lệnh TCKGM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không gian mạng đã và đang trở thành vùng lãnh thổ mới... Tác chiến không gian mạng đã trở thành một phương thức tác chiến cơ bản giữ vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh có áp dụng các vũ khí công nghệ cao... việc bảo vệ không gian mạng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia được Đảng, Nhà nước ta xác định rõ và quan tâm chỉ đạo từ sớm. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta đã nhận định nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng và đặt ra mục tiêu phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng”. Bộ tư lệnh TCKGM, thực sự là lực lượng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, là nòng cốt của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên không gian mạng. Sự xuất hiện của lực lượng này là quang minh, chính đại và nhất định không một thế lực nào có thể xuyên tạc, bịa đặt về tính chính danh của nó.

Những trò "chọc gậy bánh xe"

Ngay khi Việt Nam công khai ra mắt Bộ tư lệnh TCKGM thì nhiều báo điện tử ở nước ngoài, cũng như một số blog, trang mạng xã hội của một số cá nhân đã xuyên tạc, bịa đặt về lực lượng này. Các luận điệu dù “múa may” với những ngôn từ khác nhau, nhưng rốt cục cho rằng, đây là lực lượng ngăn chặn tự do internet, tự do ngôn luận trên mạng xã hội của Việt Nam. Một số phần tử cơ hội, quá khích còn gán cho lực lượng TCKGM là “lực lượng dư luận viên kiểu mới với sự tiêu tốn khổng lồ tiền thuế của dân”. Báo điện tử VOA (Mỹ) thì bình luận: “Tình trạng quá trống vắng thông tin về mục đích, nhiệm vụ, tổ chức và phương thức hoạt động của Bộ tư lệnh TCKGM đã khiến dư luận xã hội không khỏi nghi ngờ đây là một tổ chức bí ẩn, thậm chí bí mật và thiếu tính chính danh”. Lại có luận điệu xuyên tạc rằng đây chính là “lực lượng 47” của quân đội với nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên mạng nhưng thực chất là tổ chức tình báo bí mật, sẵn sàng tấn công hệ thống máy chủ các nước khác cũng như các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới?

Những nhận định phiến diện, thiếu căn cứ, những yêu cầu trên thật nực cười. Bộ tư lệnh TCKGM là một tổ chức quân sự nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, một vấn đề thuộc về bí mật quân sự mà bất kỳ một quốc gia nào cũng phải giữ gìn. Hơn nữa, tất cả các chuyên gia công nghệ thông tin trên thế giới đều công nhận: TCKGM là sự đối kháng máy tính trên không gian internet. Đại tá Trần Danh Bảng, một người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về TCKGM khẳng định: “Không nhìn thấy hành vi, không nhận biết được trực tiếp đối phương” là một đặc điểm của TCKGM. Biện pháp về tổ chức, biên chế có thể nhận biết được, còn về giải pháp công nghệ, cụ thể hơn là các giải pháp thuật toán thì khó có thể mô tả. Vả lại, nếu có viết lên được cũng đã là “hàng quá hạn”, vì công nghệ IT phát triển như gió lốc và người viết không là… hacker. Đành phải chấp nhận như một điều cực bí mật”. Khi công bố công khai Bộ tư lệnh TCKGM là một đơn vị quân đội, trực thuộc Bộ Quốc phòng cũng có nghĩa là Bộ tư lệnh TCKGM sẽ tuân thủ chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Lực lượng này không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Về sự “lập lờ đánh lận con đen” của một số tờ báo khi cho rằng Bộ tư lệnh TCKGM cũng chính là “lực lượng 47” trên thực tế đã được trả lời công khai và “lực lượng 47” hoàn toàn không phải là “lực lượng khủng bố” trên mạng hay lực lượng “dư luận viên kiểu mới” như một số báo điện tử nước ngoài đồn thổi. “Lực lượng 47” bao gồm những người Việt Nam yêu nước chân chính, những người mong muốn góp phần xây dựng một không gian mạng có văn hóa. Hoạt động của “lực lượng 47” là tự nguyện và tự giác. Những cán bộ, chiến sĩ quân đội khi tham gia mạng xã hội đều được giáo dục ý thức kỷ luật, tinh thần thượng tôn pháp luật cùng quyết tâm bảo vệ bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc. Cần phải nhấn mạnh rằng, cán bộ, chiến sĩ quân đội khi tham gia mạng xã hội, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, những thông tin xấu độc trên mạng hoàn toàn tự giác, hoạt động trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, sử dụng phương tiện, thiết bị cá nhân chứ hoàn toàn không có một sự đãi ngộ nào của Nhà nước. Cố tình gán ghép, quy chụp lực lượng này là “dư luận viên kiểu mới”, “hưởng lương 3 triệu/tháng” là sự xuyên tạc hình ảnh và cố ý hạ thấp tinh thần yêu nước chân chính của công dân Việt Nam khi tham gia mạng xã hội.

Về những luận điệu cho rằng, sự ra đời của Bộ tư lệnh TCKGM là một bước lùi về tự do internet ở Việt Nam, thiết nghĩ sự phát triển internet ở Việt Nam đã là một câu trả lời. Năm 2017, kỷ niệm tròn 20 năm internet vào Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đứng vào hàng “cường quốc” sử dụng internet, với 62 triệu người dùng, đứng thứ 18 trên thế giới, là một trong số ít quốc gia mà số người dùng internet nhiều hơn số người không dùng. Internet đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành nền tảng kết nối mọi vấn đề. Đảng, Nhà nước ta nhận thức nhất quán rằng, sự phát triển của công nghệ thông tin, của internet góp phần rất quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và vì thế, rất cần chủ động bảo vệ an ninh, an toàn xã hội trên không gian mạng. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch... sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”. Như vậy, sự ra đời của Bộ tư lệnh TCKGM hoàn toàn nằm trong chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, bảo đảm cho Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống. Những chiêu trò “chọc gậy bánh xe” hay những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về lực lượng này chắc chắn sẽ tự sụp đổ trước sức mạnh từ tính chính danh này.

Hồng Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất