Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 14/11/2015 20:12'(GMT+7)

Mẹ Côi!

Mẹ Côi ân cần dạy bảo từng học sinh.

Mẹ Côi ân cần dạy bảo từng học sinh.

 
Lặn lội nơi xóm liều, bãi giữa

Chúng tôi cứ ngỡ những giáo viên cắm bản mới có chuyện phải đi gom, vận động học sinh tới lớp. Nhưng ở ngay giữa Thủ đô, suốt 20 năm nay lại có một bà giáo đã không sợ vất vả, nguy hiểm, đến những nơi hang cùng, ngõ hẻm để tìm học trò cho mình.

Trong lần gặp chúng tôi, bà Côi nhớ lại: “Năm 1995, khi tôi đang là hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thì các cán bộ trên quận, thành phố về trường vận động giáo viên tìm, tổ chức lớp và dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Không giáo viên nào chịu dạy, nên tôi đã "đứng mũi chịu sào" tham gia tổ chức các lớp học Tình Thương, Hy Vọng và kiêm luôn việc dạy học. Thoáng cái đã 20 năm rồi!”.

Như một cái cớ để nhớ về những tháng ngày đã qua, bà Côi dần mở lòng kể cho chúng tôi nghe, đối tượng mà bà tìm để vận động đến lớp toàn là những học sinh cá biệt, nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, khuyết tật, thiểu năng, thậm chí là động kinh. Địa bàn gom những học sinh đặc biệt ấy không chỉ dừng lại ở quận Hoàng Mai, bà cũng đã mở một số lớp ở ngõ 505 Bạch Mai hay khu 2 phường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng)…

Từ khi bà nghỉ hưu, có nhiều thời gian hơn, bà đã tình nguyện đến những nơi tồi tàn nhất, hiểm nguy nhất ở Hà Nội để tìm học trò. Bà vẫn còn nhớ mãi những chuyến xuống xóm nhà thuyền để dạy học sinh: “Các em nhỏ ở dưới thuyền không được cắp sách tới trường. Chúng thiệt thòi lắm, phải theo cha mẹ đi kiếm ăn trên sông Hồng, chẳng được vui chơi, học hành. Buổi tối, bọn trẻ không có cả ánh điện để học. Thấy cảnh như vậy, tôi đã xuống tận thuyền vận động bố mẹ và các em tới lớp học ở Bãi Giữa, chân cầu Long Biên để có cái chữ…”.

Với tình thương và sự kiên trì của bà giáo già, xóm bãi giữa, nhà thuyền trên sông ấy đã có nhiều em biết đọc, biết viết. Thậm chí có em như Nguyễn Thị Hương đã được mẹ Côi dạy dỗ, động viên theo học hết phổ thông rồi đỗ Học viện Tài chính. Giờ đây Hương đã ra trường, có gia đình và công việc ổn định. Những ngày 20-11 hằng năm, chẳng năm nào Hương không tới thăm mẹ Côi.

Hết chân cầu, Bãi Giữa, xóm nhà thuyền, chợ Bắc Quang…, bà Côi lại tìm đến với khu xóm liều ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng để tìm học trò. Đây được mệnh danh là điểm nóng ma túy khét tiếng của đất Hà Thành bao năm qua. Được sự giúp đỡ của người dân và chính quyền, bà Côi đã có được danh sách những em nhỏ cá biệt để tìm tới tâm sự, cảm hóa và vận động chúng tới lớp. Bà nhớ lại: “Lúc đầu, cô cũng sợ chứ em! Nhiều cháu bố mẹ đi tù hoặc nghiện, nhiễm HIV/AIDS, sống kiểu bụi đời. Tuy chỉ hơn 10 tuổi, chúng có thể sẵn sàng cầm gạch, đá ném hoặc vác dao đuổi nếu ai động chạm tới. Nhưng cô vẫn tiếp cận, từ từ tìm lời lẽ khuyên bảo để vận động chúng đi học…”.

Trị “bệnh” xong mới dạy

Chúng tôi vô cùng tò mò, không biết bà Côi đã làm cách nào để trị và dạy những học trò cá biệt như trẻ ở khu xóm liều, trẻ bụi đời. Bà đã lấy ngay cho chúng tôi một ví dụ, đó là em Trần Thanh Tùng. Tùng có bố đang đi tù, mẹ mất sớm nên phải ở với bà ngoại. Tùng là đứa trẻ tính khí thất thường, sẵn sàng cầm gạch, đá ném mọi người nếu thấy ai nhìn đểu mình. Thậm chí khi bẳn tính, Tùng còn đánh cả cô giáo.

Vận động Tùng đi học đã gian nan, nhưng để trị "tâm bệnh" của cậu ta thực sự là một thử thách vô cùng lớn với người giáo viên già. Bà đã phải thường xuyên đến nhà ngoại của Tùng để ngỏ lời. Cô và trò đã nhiều lần ngồi tâm sự, lúc trò cứng thì cô phải mềm dẻo và ngược lại. Bà kiên nhẫn cảm hóa Tùng bằng cách đánh trúng tâm lý của một đứa con trai đã bị tổn thương, đau khổ nhiều. Bà còn đi theo Tùng đến cả những nơi cậu hay lui tới, mua cho Tùng cái ăn khi đói, khi hết tiền, sắm cho cậu bộ quần áo, dành cho cậu tình cảm như người mẹ dành tình thương cho con mình vậy. Dần dần, bà đã làm cho bản tính hay tự ái, tự ti ở Tùng mất đi.

Tùng đã chấp nhận đến học và giờ đã trở thành cậu bé rất ngoan của mẹ Côi ở lớp học Hy Vọng tại Tân Mai. Với Nguyễn Thành Long (24 tuổi) cũng vậy. Long được xem là đứa hư hỏng từ bé. Theo bà Côi, ngày xưa Long rất hay gian dối, lúc mẹ hay ông bà nói gì nặng lời là sẵn sàng đánh cả người thân. Với những lời khuyên bảo chân tình và quyết liệt của mẹ Côi, Long giờ cũng đã bắt đầu tập tành học chữ trong lớp Hy Vọng, thay tâm đổi tính, học làm người.

Bà Côi dần trở thành một cô giáo "đa-di-năng", vừa dạy, vừa dỗ, vừa trị bệnh theo đúng nghĩa đen như một bác sĩ. Rất nhiều em trong lớp học Hy Vọng của bà Côi hiện mắc các chứng bệnh như: Động kinh, thiểu năng, nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin… “Tôi đã phải đọc và nghiên cứu nhiều sách tâm lý, tìm cách thức xử lý nhiều loại bệnh mùa hè, mùa đông, bệnh dễ mắc phải để nhắc nhở và có biện pháp chữa trị kịp thời cho các em”-bà chia sẻ.

Như em Đặng Thái Hồng Vy, bị tăng động từ nhỏ, không theo được chúng bạn ở các lớp trong trường phổ thông nên đã phải xin vào học ở đây. Bố Vy làm nghề xe ôm, mẹ bán nước nên hoàn cảnh rất khó khăn. Với những trường hợp như Vy, mẹ Côi phải rất tỉ mỉ quan sát động thái tâm lý để có cách dạy và học tốt nhất. Nhiều em bị động kinh, thiểu năng, học trước quên sau, mẹ Côi phải in bảng cửu chương thật to, đồng thời cho chúng học cả trên vi tính để dễ nhớ.

Bố mẹ những học sinh của bà Côi thường không quan tâm tới con cái, nhất là với những đứa trẻ bị khuyết tật, thiểu năng. Họ chỉ mải kiếm tiền và gần như bỏ mặc con cho cô giáo già Nguyễn Thị Côi. Từ học hành, vui chơi cho đến bệnh tật của lũ trẻ, bà Côi phải lo hết. Thậm chí, với các mối quan hệ của mình, bà còn đi xin quần áo, chăn màn để một số học sinh hoàn cảnh khó khăn có mùa đông đủ ấm. Có vài trường hợp nhà quá nghèo, đáng thương quá, mẹ Côi còn trích tiền lương của mình để mua xe đạp cho chúng đến lớp.

Có nhiều em được mẹ Côi dạy dỗ đã ngoan hơn hẳn và rất chăm học. Ngoài cô bé Hương xóm giữa ngày nào thì em Nguyễn Thị Thủy hiện nay cũng là một trường hợp làm người giáo viên già rất cảm động. Thủy có bố đang bị bệnh xơ gan cổ chướng, còn mẹ đi làm giúp việc. Thủy học từ bé chỗ mẹ Côi. Không chỉ đi học mà mấy năm nay, ngày nào em cũng phải đưa cơm thuê để kiếm tiền giúp bố mẹ. Em mới được chuyển vào học lớp 12 hệ bổ túc văn hóa ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hai Bà Trưng.

Bà Côi cho biết, Thủy đang rất quyết tâm học để đỗ vào một trường đại học, thực hiện ước mơ cuộc đời và không phụ lòng mọi người. Cứ lặng lẽ đưa đò những đứa học trò cá biệt, đặc biệt của mình qua sông bao năm qua, nhiều lúc nhìn lại, bà Côi cũng không hiểu vì sao mình đã làm được như thế. Nhiều bà lão ở khu dân cư, tổ dân phố gần nhà đều thắc mắc: “Bà nhiều tuổi như thế còn dạy dỗ làm gì nữa cho mệt?”. Mỗi lần nghe bạn bè, hàng xóm nói vậy, bà lại cười rồi phản biện: “Người già cần hoạt động xã hội, phải luôn luôn vận động để chống lão hóa. Như việc tôi hiện vẫn luôn cùng học trò học chữ, làm toán có nghĩa là cái đầu luôn được vận động. Như thế cũng là cách để giúp trí nhớ của mình tốt hơn...”.

Trước đây, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Hai Bà Trưng có trả cho bà hơn 2 triệu/tháng trong cả 12 tháng của năm vì đã có công dạy dỗ, cảm hóa những đối tượng cá biệt, các em nhỏ thiệt thòi. Nhưng 2 năm nay, bà không còn được nhận lương 3 tháng hè nữa, bất kể có dạy hay không. “Tất nhiên tôi không làm việc bị nhiều người bảo là "hâm" ấy suốt gần 20 năm nay vì tiền. Toàn bộ số tiền do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội trả cộng với sự giúp đỡ của các quỹ, các tổ chức từ thiện, tôi đều bỏ ra để mua cho các em từ sách, vở, bút, cho đến quần áo, xe đạp…"-bà bộc bạch.

Ông Dương Văn Tấn, ở khu Đền Lừ, Hoàng Mai, có con đang theo học lớp Hy Vọng của bà Côi, chia sẻ: “Cháu Giang nhà tôi bị bệnh down, cũng đã tìm xin học ở nhiều nơi nhưng chẳng chỗ nào nhận. Cuối cùng, may mắn cho tôi vì đã tìm thấy lớp học của cô Côi. Cô là một người giáo viên tâm huyết, có tấm lòng nhân hậu, thương người. Cô đã giúp đỡ con tôi và những em khác hết mình mà không toan tính. Tôi nghĩ tình thương yêu của cô xuất phát từ tâm thì mới làm được như vậy”.

Bằng một lời tri ân, đồng chí Bí thư chi bộ khu dân cư số 2 phường Tân Mai Phan Văn Thu đã thông qua chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới bà Côi về những gì đã làm suốt bao năm qua. Ông mong rằng sẽ có nhiều người tốt như bà Côi để xã hội bớt đi những gánh nặng và nỗi đau.

Bà giáo già vẫn lặn lội ở cái tuổi 74 từ Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai cho đến các nơi khác từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Hôm nào mẹ Côi nghỉ là lũ học trò nháo nhác lên và cảm thấy rất nhớ bà. Và ngược lại, mỗi lần đến lớp mẹ Côi cũng nhớ từng đứa học trò mến thương của mình. Nếu có đứa không đi học là mẹ Côi sốt ruột gọi điện hoặc đến tận nhà...

Đã có không biết bao nhiêu cô bé, cậu bé từ 6 tuổi cho đến các anh chàng bụi đời, bất hảo ngoài 30 tuổi được mẹ Côi cảm hóa, điều trị và dạy dỗ thành người.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ HƯỜNG (Theo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất