Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 21/4/2015 9:51'(GMT+7)

Minh bạch quét sạch tham nhũng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, sau khi nghe Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nhiều thành viên Chính phủ đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn vì sao tệ nạn tham nhũng vẫn chưa được quét sạch? Có đại biểu đặt câu hỏi vì sao có công trình quy mô rất lớn, có công trình gặp sự cố trong thi công mà nhà thầu giữ nguyên giá không điều chỉnh, trong khi đó nhiều công trình khác lại điều chỉnh tăng giá, thậm chí có công trình điều chỉnh tăng giá nhiều lần, phải chăng do nhiều vụ đấu thầu chưa minh bạch?

Tuần qua, cho ý kiến về các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành các văn bản pháp luật và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho rằng, cần luật hóa rõ ràng, minh bạch trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể được giao quyền. Đó là cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, tăng tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật và phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Tham nhũng không phải bây giờ mới có mà đã có từ rất lâu. Tham nhũng cũng không chỉ có ở Việt Nam mà hiện đang là quốc nạn của nhiều nước trên thế giới. Tại cuộc tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” do Thanh tra Chính phủ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức vào cuối năm ngoái, nhiều diễn giả dẫn chứng kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới và nhấn mạnh rằng, minh bạch chính là thứ vắc-xin phòng tham nhũng hiệu quả nhất. Minh bạch là khắc tinh của tham nhũng.

Từ thực tế công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, ở đâu mà các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không công khai, minh bạch thì ở đó dễ nảy sinh tư tưởng của công chức “gây khó để ló phong bì”. Giảm bớt được một thủ tục hành chính không cần thiết là giảm thêm một nguy cơ tham nhũng.

Để phòng, chống tham nhũng một cách căn bản, trước tiên phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác này, trong đó phải có những chế tài bắt buộc các cơ quan Nhà nước, công chức Nhà nước phải minh bạch hóa các hoạt động, cơ chế, thủ tục (trừ những vấn đề thuộc về bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật).

Tuy nhiên, để chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì bên cạnh việc sửa luật, các bộ, ngành mà trực tiếp là các bộ trưởng, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình phải chủ động, cố gắng hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính để giảm nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu.

Hiện nay, các địa phương đã và đang chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đây là dịp để các cấp ủy viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng phải minh bạch tài sản, thu nhập của mình. Việc minh bạch này cần phải được công khai bởi lẽ nếu tài sản, thu nhập của cán bộ được minh bạch thì công dân sẽ giám sát, đánh giá được tính liêm chính của cán bộ. Đây là một điều kiện rất cơ bản để đẩy lùi nạn tham nhũng, thanh sạch bộ máy công quyền. Việc công khai và đưa ra những chế tài xử lý vi phạm trong khai báo tài sản càng làm cho người dân thêm tin tưởng vào sự quyết tâm và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến chống tham nhũng./.

Đỗ Phú Thọ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất