Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 17/4/2015 20:3'(GMT+7)

Muốn hiểu hòa bình hãy đến Việt Nam!

Cựu chiến binh Mỹ Phranh Căm-beo.

Cựu chiến binh Mỹ Phranh Căm-beo.

Vì lẽ đó, trở lại Việt Nam, làm một việc gì đó có ý nghĩa cho đất nước này luôn là mong muốn của các CCB Mỹ. Mong muốn đó đến nay đã trở thành hiện thực của nhiều thành viên Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ, trong đó có Phranh Căm-beo (Frank Campbell) và Peter Nguyễn (Nguyễn Thế Phương).

Chưa bao giờ nghĩ Việt Nam là kẻ thù

Trở lại Việt Nam sau hơn 40 năm, Phranh Căm-beo, CCB Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, không giấu được xúc động. Bởi lẽ trong lòng CCB này vẫn còn những day dứt về chiến tranh, về những gì mà nhẽ ra ông không nên làm ở thời điểm đó.

Phranh Căm-beo đến Việt Nam vào năm 1972. Khi đó, ông là Thuyền trưởng Hải quân Hoa Kỳ đóng trên Biển Đông và chỉ ở trên tàu không vào đất liền. Mặc dù vậy, ông cũng được tận mắt chứng kiến sự tàn phá mà quân đội Mỹ để lại trên mảnh đất hình chữ S này. “Tôi đã chứng kiến những chiếc B-52 rải bom ở khu vực miền Trung. Tôi không nhìn thấy cảnh tượng tàn phá lúc đó vì lúc đó tôi ở trên tàu, nhưng hậu quả của bom, mìn sau chiến tranh thì tôi biết rất rõ”, ông Phranh Căm-beo nói.

Đó là lý do vì sao sau khi nghỉ hưu năm 1988, ông Phranh Căm-beo tiếp tục làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đồng thời tham gia vào Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ. “Tôi đã tham gia vào VEP với mong muốn vận động những người từng tham gia chiến tranh nói lên tiếng nói của mình và phản đối chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là câu trả lời cho bất kỳ điều gì, cho cả người chiến thắng và người thua”, ông Phranh Căm-beo chia sẻ.

Ông Phranh Căm-beo cho biết, kể từ khi rời Việt Nam năm 1974, ông luôn mong muốn trở lại đây vì như lời ông nói “chưa bao giờ ông nghĩ Việt Nam là kẻ thù của mình”. Trở lại Việt Nam sau 40 năm, ông Phranh Căm-beo hoàn toàn bất ngờ trước sự thay đổi ngoạn mục về mọi mặt của mảnh đất này. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, do hậu quả chiến tranh không chỉ đối với người dân Việt Nam mà cả người Mỹ còn khá nặng nề, nên công việc trước mắt còn rất nhiều. “Các CCB Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để kêu gọi chính phủ hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, nạn nhân bom, mìn Việt Nam cũng như làm sạch khu vực bom, mìn còn sót lại trong chiến tranh. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải khép lại quá khứ và nhìn về tương lai. Tôi hy vọng con cháu của chúng ta không phải trải qua chiến tranh”, ông Phranh Căm-beo bày tỏ.

Mỗi lần trở về lại thấy đất nước đổi thay mạnh mẽ

Rời Việt Nam vào tối 29/4/1975, khi đó Peter Nguyễn mới 23 tuổi. Thế nhưng, trước đó Peter Nguyễn đã có 3 năm kinh nghiệm làm sĩ quan tình báo cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đó là lý do vì sao khi biết chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ, Peter Nguyễn cùng gia đình di tản sang Mỹ. Tại Mỹ, Peter Nguyễn theo học tại Trường Đại học Cô-lô-ra-đô ở TP Boulder, tiểu bang Cô-lô-ra-đô. “Lúc đó tin tức ở Việt Nam rất ít. Muốn hiểu cái gì về Việt Nam, tôi phải vào thư viện, tìm báo chí của Mỹ, Pháp và đọc một cách ngấu nghiến. Năm 1977, tôi cố gắng tiết kiệm tiền để mua một chiếc đài bắt sóng ngắn với giá hơn 300USD, trong khi tôi làm việc chỉ được 2USD/giờ. Nhờ có chiếc đài này, tôi đã bắt được sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và biết được thông tin từ quê nhà", Peter Nguyễn nói.


 
 Cựu chiến binh Peter Nguyễn.

Ba năm sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, năm 1998, lần đầu tiên Peter Nguyễn trở về Việt Nam. Từ đó đến nay, ông đã 10 lần trở về quê hương. Mỗi lần trở về, ông lại thấy đất nước đổi thay mạnh mẽ, từ xây dựng nhà cửa, đường sá, nhà máy đến phát triển kinh tế, văn hóa… Năm 2013, ông là một trong những kiều bào ra thăm Trường Sa. Sau lần đi đó, ông mang về Mỹ một ít nước, cát, san hô ở Trường Sa và để lên bàn thờ. Mỗi sáng, ông dậy sớm thắp nén hương thơm, đọc kinh, cầu mong Biển Đông không “dậy sóng”.

Ông Peter Nguyễn chia sẻ: “Sau khi sang Mỹ, tôi mới hiểu được thế nào là hòa bình. Đó là nơi không có tiếng súng, không có lệnh giới nghiêm... Từ đó tôi tham gia vào Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình. Cho đến nay, tôi vẫn nói với kiều bào ở Mỹ và ngay cả người Mỹ rằng, muốn hiểu hòa bình hãy đến Việt Nam. Bởi hòa bình có giá trị rất thiêng liêng, nhất là khi người Việt Nam phải trả giá rất đắt để có được nó”./.

Linh Oanh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất