Thứ Hai, 23/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 3/6/2012 10:39'(GMT+7)

Mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và năm Quốc tế về năng lượng bền vững 2012

 Cùng với 150 quốc gia trên thế giới, sáng 3/6, tại khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và năm Quốc tế về năng lượng bền vững 2012. Chủ đề Ngày môi trường thế giới năm nay là “Kinh tế xanh: Có vai trò của bạn”.

Đến dự và chỉ đạo buổi lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành, mọi công dân tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ mội trường, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới cần có biện pháp để hạn chế khí phát thải nhà kính, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Đồng thời thực hiện xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững, đô thị bền vững, xây dựng nông thôn mới có lối sống hài hoà với môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường...

Kinh tế xanh là xu hướng phát triển, là sự lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Kinh tế xanh đang được xem là mô hình mới, giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Đồng thời, là một yếu tố cần thiết để đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Việt Nam đã tiếp cận với kinh tế xanh bằng những chương trình cụ thể, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, gắn tăng trưởng với công bằng xã hội, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường.

Thực tế, trong những năm qua, tuy Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn lớn, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Để khắc phục những hạn chế trên, Việt Nam đã có những chính sách hướng tới nền kinh tế xanh như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược sản xuất sạch hơn đến năm 2030... Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư tham mưu xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

Ngay sau buổi lễ mít tinh, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đã tham gia trông cây trên bãi thải than của Công ty cổ phần Than Hà Tu. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh và Chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” phối hợp tổ chức trồng rừng ngập mặn với khoảng 20.000 cây..../

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất