Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam vừa đề nghị Cục Cảnh sát giao thông chỉ
đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy (Cảnh sát giao thông nơi không có Cảnh
sát đường thủy) tại các tỉnh, thành phố mở đợt cao điểm về kiểm tra,
kiểm soát trên sông đối với người lái và phương tiện thủy vi phạm Luật
Giao thông đường thủy nội địa.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường xử lý vi
phạm đối với phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, chở quá
trọng tải cho phép, chở quá số người được phép chở, điều kiện kỹ thuật
của phương tiện không bảo đảm an toàn, người lái phương tiện không có
bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp
theo quy định mà tham gia hoạt động giao thông trên các tuyến đường
thủy nội địa. Đặc biệt, đối với các phương tiện thủy chở vật liệu xây
dựng (đá, cát, sỏi...).
Cục Đường thủy Nội địa cũng yêu cầu Cục Cảnh sát giao thông thường xuyên
trao đổi, cung cấp thông tin khi phát hiện vi phạm của phương tiện,
người điều khiển phương tiện thủy với lực lượng Đường thủy nội địa, Đăng
kiểm Việt Nam trên cùng địa bàn để phối hợp kiểm tra xử lý hoặc xử lý
theo thẩm quyền, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy
nội địa và sự cố tại các công trình vượt sông (cầu đường bộ, cầu đường
sắt…).
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam,
thời gian vừa qua, sự phối hợp tích cực giữa Cục Cảnh sát giao thông với
Cục Đường thủy Nội địa trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao
thông trên đường thủy nội địa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ,
tai nạn giao thông đường thủy nội địa đã được kiềm chế.
“Tuy nhiên, kết quả này chưa bền vững và có tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao
thông đường thủy gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân
dân,” ông Hoàng Hồng Giang nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam cũng đã có kiến nghị Ủy ban
Nhân dân thành phố Hải Phòng xem xét, chỉ đạo các Sở ngành có liên quan
căn cứ vào các quy định hiện hành đế tạm thời đình chỉ kinh doanh vận
tải thủy nội địa đối với doanh nghiệp tư nhân Thành Luân.
Lý do mà Cục Đường thủy đưa ra là doanh nghiệp tư nhân Thành Luân là chủ
sở hữu của tàu Thành Luân 28 đâm hỏng dầm cầu An Thái ngày 6/3 vừa qua,
khi phương tiện đã quá thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường, rời cảng thủy nội địa khi chưa được cơ quan
có thẩm quyền cấp phép.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo các Sở ngành có
liên quan căn cứ vào các quy định hiện hành để tạm thời đình chỉ kinh
doanh vận tải thủy nội địa đối với doanh nghiệp là chủ của phương tiện
SG-3745. Lý do phương tiện SG-3745 lai dắt sà lan SG-5984 đâm sập 02
nhịp cầu Ghềnh ngày 20/3 khi đã hết thời hạn hiệu lực của giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, người trực tiếp điều khiển
phương tiện khi xảy ra vụ việc không có giấy chứng nhận khả năng chuyên
môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp./.
Trong tháng Ba vừa qua, đã xảy ra 3 vụ tai
nạn đường thủy nội địa có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao
thông đường thủy, đường sắt và đường bộ, thiệt hại lớn về tài sản quốc
gia và gây ách tắc giao thông.
Cụ thể, ngày 6/3 tàu Thành Luân 28 (quá hạn đăng kiểm, tự ý rời cảng) đã
đâm hỏng dầm cầu An Thái trên sông Kinh Thầy, tỉnh Hải Dương. Ngày
12/3, phương tiện thủy không biển số (chưa đăng ký) đang hành trình trên
kênh Nhà Lê, thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đâm sập cầu Cơn Độ.
Ngày 20/3, tại km38+050 sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Bửu Hòa và
Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tàu kéo mang số đăng ký
SG-3745 (quá hạn đăng kiểm, người điều khiển phương tiện khi xảy ra tai
nạn không có giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp) lai dắt 01 sà lan sắt
số đăng ký SG-5984 đã va vào trụ cầu Ghềnh, làm trụ cầu bị sập kéo theo 2
nhịp cầu đường sắt rơi xuống sông, sà lan lật úp, tàu kéo bị chìm tại
khoang thông thuyền. |
(TTXVN)