Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 16/11/2008 15:28'(GMT+7)

Mô hình đào tạo cán bộ nguồn ở huyện Kon Plông

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ công tác tại cơ sở, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, cùng với sự chủ trì, phối hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, huyện ủy Kon Plông lựa chọn giải pháp mang tính đột phá xây dựng mô hình “ba vừa” đào tạo nguồn cán bộ, “vừa học văn hóa, vừa học lý luận chính trị, vừa học việc”. Qua thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, vừa tạo nguồn cán bộ kế cận lâu dài đáp ứng nhu cầu công tác tại cơ sở, từng bước khắc phục tình trạng “hẫng hụt” cán bộ ở cơ sở hiện nay.

Để thực hiện mô hình, huyện ủy Kon Plông đã yêu cầu mỗi xã chọn cử 4-5 em là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có tuổi đời không quá 26, trình độ văn hóa từ lớp 8 trở lên, lịch sử gia đình cơ bản. Qua kết quả xét chọn của cơ sở, đã cử được 32 em tham gia lớp học. Với việc bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý, các học viên này được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị hệ trung cấp vào ban ngày, ban đêm các em tiếp tục được học văn hóa. Mặt khác, các cơ quan nhận đỡ đầu đã phân công cán bộ giúp đỡ, hướng dẫn các em làm quen với công việc chuyên môn như tiếp nhận công văn, xử lý văn bản hành chính, viết báo cáo đơn giản, lập các biểu mẫu thống kê...

Nhờ sự quan tâm chu đáo của cấp ủy các cấp và sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan nhận kết nghĩa, đến nay đã có 27 em tốt nghiệp lớp 12 và 9 em được Ban Thường vụ huyện ủy Kon Plông quyết định kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình học tập. Hầu hết các em được đào tạo, bồi dưỡng tại huyện đã sử dụng thành thạo máy vi tính để soạn thảo văn bản, nhiều em đã mạnh dạn hơn trong việc giao tiếp, nắm bắt được công tác chuyên môn theo lĩnh vực phụ trách...

Em Y Phanh (sinh 1979) dân tộc Xê Đăng, trú tại thôn 9, xã Hiếu tâm sự “Ban đầu em nghe tuyên truyền, phổ biến rất nhiều về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... nhưng không hiểu nhiều lắm. Sau khi tiếp thu ở lớp học này, em mới sáng ra về lý luận. Còn chiếc máy tính, ban đầu đụng vào sợ điện giật, không dám sờ tay vào. Đến nay, em đã sử dụng thành thạo máy vi tính để soạn thảo và lưu trữ văn bản. Các văn bản như báo cáo hàng tuần, hàng tháng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kon Plông em được các anh, các chị phân công soạn thảo, đến nay, đã làm quen với công việc rồi, mừng lắm”. Còn chị Võ Thị Mỹ Thu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Kon Plông, nguyên giáo viên chủ nhiệm lớp, trong ánh mắt đong đầy niềm vui nói: “Chúng tôi mừng lắm, mừng là qua những ngày các em chịu khó học tập, nhiều em nay đã trưởng thành, đảm đương được công tác tại cơ sở. Nhiều em còn giữ những trọng trách quan trọng ở xã như A Dương giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, A Ninh, Phó Chủ tịch HĐND xã Măng Cành...”.

Tuy nhiên, thực hiện mô hình vẫn còn gặp khó khăn, do điều kiện của những xã vùng sâu, vùng xa nên có xã không có nguồn cán bộ đủ yêu cầu để cử đi học. Hầu hết số em được chọn cử đi học bằng hình thức cử tuyển nên chất lượng đầu vào còn hạn chế. Mặt khác, một số con em đồng bào dân tộc thiểu số kết hôn sớm nên chưa chấp hành tốt giờ giấc quy định học tập...

Mô hình đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, nên theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum, để phát huy hơn nữa triển khai mô hình vừa đào tạo văn hóa, vừa tập làm việc cho các bộ đương chức và dự nguồn lâu dài của các xã vùng III, một số xã vùng II cần thực hiện theo hướng “Đối với cán bộ đương chức chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ văn hóa nhưng còn trẻ (có thể công tác được từ 2 nhiệm kỳ trở lên), có khả năng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cho đi đào tạo tập trung tại huyện cùng với số cán bộ dự nguồn. Còn đối với cán bộ dự nguồn lâu dài thì mỗi năm lựa chọn mỗi xã từ 5 đến 10 em trong diện quy hoạch đã học xong lớp 9 hoặc chưa tốt nghiệp THPT tập trung về huyện để học văn hóa, vừa cho các em tập việc theo hướng nếu sau này bố trí làm công tác Đảng thì phân về các cơ quan Đảng, công tác chính quyền thì phân về các cơ quan Nhà nước, công tác đoàn thể thì phân về Mặt trận và các đoàn thể nhận đỡ đầu, hướng dẫn tập việc”...

Với sự chủ trì, phối hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cùng với cách làm sáng tạo của huyện ủy Kon Plông xây dựng mô hình “ba vừa” để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở đã phát huy hiệu quả tích cực trong cuộc sống, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng thiết nghĩ, ngoài việc đào tạo về trình độ văn hóa, bồi dưỡng về lý luận chính, cho học viên học việc tại mỗi cơ quan, đơn vị thì đào tạo thêm về chuyên môn, nghiệp vụ cho các học viên, để các học viên vững vàng hơn nữa về kiến thức chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu công tác đặt ra trong tình hình mới./.

Phan Cư
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất