Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 12/11/2008 15:57'(GMT+7)

Bốn phương - Tờ báo tiếng Việt ở Đài Loan (Trung Quốc)

Tờ báo tiếng Việt duy nhất ở Đài Loan giúp cho người Việt nhập cư thấy được an ủi hơn

Tờ báo tiếng Việt duy nhất ở Đài Loan giúp cho người Việt nhập cư thấy được an ủi hơn

Sự ra đời của báo Bốn Phương

Wen Chang Cheng, vốn là biên tập viên của tờ báo tiếng Hoa Lihpao daily, tâm sự hồi du học ở Việt Nam (từ 2005 đến 2006) ông rất nhớ tiếng mẹ đẻ. Ông cảm nhận rõ thế nào âm thanh tiếng mẹ đẻ thốt ra từ một người, thậm chí chỉ là một vài từ thông thường, có thể an ủi một người nước ngoài. Và ông nghĩ hẳn những người Việt Nam nhập cư vào Đài Loan (Trung Quốc) chắc cũng có cảm giác y như thế. Ông quyết định lập một tờ báo tiếng Việt cho họ, mang tên Bốn Phương tại Đài Loan này, nơi hầu hết các ấn phẩm được in bằng tiếng Anh.

Số thử nghiệm đầu tiên được phát hành vào tháng 9-2006 và đã thành công tuyệt vời khi tòa soạn ở Xindian, ngoại ô Đài Bắc, tràn ngập thư của độc giả. Nguyễn Thị Oanh, một độc giả, viết: “Tôi thật vui sướng khi được đọc một tờ báo tiếng Việt in ở Đài Loan. Chúng tôi muốn bày tỏ nhiều điều với xã hội Đài Loan và tờ báo đã giúp cho chúng tôi điều đó”.

Chang nói mục đích tờ báo là trở thành tiếng nói của những người chịu nhiều thua thiệt trong xã hội Đài Loan - những người nhập cư . Lãnh thổ này hiện là nơi sinh sống của khoảng 200.000 người Việt Nam, trong đó khoảng 70.000 công nhân và 100.000 phụ nữ kết hôn với người Đài Loan.

Theo các con số chính thức, người Việt Nam hiện là nhóm lớn nhất trong số lao động giúp việc nhà, đồng thời cũng đứng đầu về số cô dâu người nước ngoài đến Đài Loan từ các nước Đông Nam Á.

Cho dù số người Việt hiện diện ở Đài Loan đông như thế, nhưng không có một tờ báo nào ở đây nhắm đến nhóm này cho đến khi báo Bốn Phương ra đời.

Nguyệt san Bốn Phương chính thức được tung ra vào tháng 12-2006, cùng với một tờ báo tiếng Thái Lan, dưới sự hỗ trợ của Trường Đại học Shih Hsin và sự tài trợ của nhật báo Lihpao chuyên về giáo dục và những vấn đề của người thiểu số.

Chủ các tờ báo này là Lucie Cheng, một giáo sư ngành xã hội học tại đại học này. Tờ báo tiếng Thái bị tạm ngừng sau ít tháng vì thiếu quảng cáo, nhưng tờ Bốn Phương đã phát triển rất tốt, từ 16 trang với lượng phát hành 4.000 bản đã tăng lên 64 trang và 30.000 bản vào đầu năm nay.

Những vấn đề của người Việt nhập cư chiếm tỷ lệ lớn

Chang cho biết tòa soạn nhận được 300 - 400 thư mỗi tháng. Thư từ được báo sử dụng, trả lời từ đó đã khuyến khích những người khác tham gia kể “chuyện” của mình để truyền kinh nghiệm hoặc để tìm kiếm lời khuyên đúng đắn cho người đồng cảnh ngộ. Báo Bốn Phương cũng trở thành một kênh trao đổi nhận thức về luật pháp, tình cảm… trong cộng đồng người Việt.

Chẳng hạn có thư nêu đừng đổi chủ, điều bị cấm theo luật Đài Loan. Một lá thư viết “Các bạn thân mến, xin đừng trốn chạy. Chúng ta nên hành động nêu gương cho người đến sau. Chúng ta phải trở về quê nhà với danh tiếng không bị sứt mẻ”. Một số người giúp việc nhà viết thư cho tờ báo mô tả quan hệ thân thiện giữa họ với chủ nhà.

Theo Chang, sự hiện diện của công nhân nhập cư hoặc cô dâu trong thông tin báo chí nhằm làm giảm sự cực đoan trong suy nghĩ của người dân ở đây, tạo sự cảm thông. Những lá thư của độc giả đóng góp hơn phân nửa nội dung của tờ báo.

Báo cũng cung cấp bằng cả hai ngôn ngữ những tin tức quan trọng đến thông tin về sức khỏe, tôn giáo, văn hóa và giải trí, cũng như những vấn đề về quyền của người lao động. Tờ báo có một số bài in bằng hai ngôn ngữ Việt - Hoa nên cũng là một kênh cho người Đài Loan thông hiểu hơn về những người láng giềng của họ./.

Theo Lệ Thư  (SGGP điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất