Chủ Nhật, 22/3/2015 20:43'(GMT+7)
Mô hình trang trại trồng rau trên núi của 7 chàng trai dân tộc Tày
Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thay đổi tư duy để thành công, đó là những ấn tượng ban đầu của chúng tôi về 7 chàng trai người dân tộc Tày, thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).
Bảy chàng trai này đã cùng nhau góp công, góp sức, góp của và đất đai lập nên một trang trại rộng lớn hơn 21ha ở lưng chừng núi để trồng rau, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ý tưởng lớn gặp nhau
Chúng tôi đến thăm trang trại của 7 chàng trai vào đúng hôm mưa phùn, con đường đất dẫn vào khu vực trang trại khá hẹp và lầy lội. Đón tiếp chúng tôi, trưởng nhóm Ma Văn Nam ái ngại cho biết: "Cái khó nhất bây giờ là con đường dẫn vào trang trại chú à. Không có đường thuận lợi, nông sản làm ra rất khó bán, chi phí vận chuyển lớn sẽ không có lãi. Nếu tuyến đường chính dẫn vào thôn đổ bê tông xong chúng tôi sẽ mở rộng con đường dẫn lên trang trại để đi lại thuận tiện hơn. Lúc đó, các anh trở lại thăm trang trại sẽ không bị lấm lem như thế này."
Thật tình cờ khi đến ngôi nhà giữa cánh đồng rau xanh mướt, là nơi để các anh trao đổi, họp hành, nghỉ ngơi và trông giữ rau, cá, gia súc, gia cầm…
Đoàn công tác của Dự án 3PAD Bắc Kạn hiện cũng đang có mặt ở đây để khảo sát mô hình trang trại của các anh và bàn hướng đầu tư để nuôi thêm gà đen địa phương ở đây.
Anh Nam hồ hởi cho biết thêm: "Nếu dự án được đầu tư sẽ rất thuận lợi, vì anh em ở đây cũng có kinh nghiệm chăn nuôi gà thả vườn. Chúng tôi đã nuôi nhiều loại gà, chúng sinh trưởng, phát triển và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở đây. Từ đó sẽ tăng thêm thu nhập, giúp đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi".
Rót chén trà mạn mời chúng tôi, ánh mắt ánh lên niềm vui, anh Nam kể cho chúng tôi nghe về quá trình hình thành khu trang trại này. Ban đầu, vài hộ trong thôn có đất gần nhau cùng trồng trọt, chăn nuôi trâu bò vỗ béo, lợn gà. Những thửa ruộng nơi đây màu mỡ nhưng chỉ cấy được một vụ. Thế rồi một vài hộ nhận thấy nhu cầu rau xanh trong địa bàn là rất lớn mà ít người trồng, họ đã trồng thử nghiệm một vài loại rau để bán.
Không ngờ rau phát triển rất tốt, bán dễ và cho thu nhập khá hơn trồng lúa. Và cứ như thế, diện tích trồng rau tăng dần, đến đầu năm 2014, 7 hộ dân có diện tích đất gần nhau đã cùng nhau gộp lại; đồng thời vay ngân hàng hơn 80 triệu để lập trang trại trồng rau, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Anh Lương Văn Hùng, Trưởng thôn Bản Nghè, cũng là thành viên của khu trang trại chia sẻ: "Là thôn vùng cao, với 68 hộ, còn 11 hộ nghèo, đa số bà con dân tộc Tày, đời sống còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác trên nương rẫy cao và chỉ trồng một số loại cây trồng chính như lúa, ngô, đỗ tương, sắn… đã ăn sâu vào suy nghĩ của bà con. Giờ phát triển kinh tế tập thể cũng còn nhiều bỡ ngỡ, chưa kể đến việc gieo trồng phải theo thời vụ, đúng kỹ thuật, cách chăm sóc, bảo vệ, rồi hạch toán sản phẩm, khâu tiêu thụ, cạnh tranh sản phẩm…, cũng làm lung lay ý chí của một số anh em. Ngoài ra , việc góp đất, vay ngân hàng chỉ để trồng rau, trong khi đó các hộ khác vẫn trồng lúa, nhiều người đã cho chúng tôi bị 'hâm.' Bên cạnh đó, do ban đầu chưa có kinh nghiệm, chưa có đầu ra cho sản phẩm khiến lượng rau tồn ứ và hỏng khá nhiều, điều đó đã làm dao động một số anh em."
Quả ngọt đầu mùa
Tuy nhiên, nhờ sự chăm chỉ, cần cù, đoàn kết và ham học hỏi, qua những lần thất bại họ đã rút ra kinh nghiệm. Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu cũng qua đi, nhường chỗ cho niềm vui khi khu trang trại đã đi vào quy củ và cho thu nhập.
Các hộ cắt cử người chú trọng vào từng khâu một và đi học các lớp tập huấn do xã, huyện, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tổ chức. Toàn bộ các khâu làm đất, trồng, chăm bón, thu hoạch đều được làm theo kỹ thuật. Hạt giống được nhập về qua đại lý tại huyện, việc gieo ươm, chăm sóc theo đúng hướng dẫn.
Thổ nhưỡng hợp với các loại rau, cộng với việc trồng trên đất ruộng, kết hợp ủ bón các loại phân hữu cơ giúp đã các loại rau sinh trưởng và phát triển xanh tốt.
Trang trại có hơn 2ha chuyên canh trồng rau, mùa nào thức nấy đều tốt tươi, Mùa Đông có su hào, bắp cải, súp lơ, đậu đỗ; mùa Hè có rau đay, mùng tơi, rau dền, mướp, cải… Các loại rau xanh sau thu hoạch, lá và vỏ được dùng làm thức ăn cho cá, lợn, gà, trâu bò.
Tất cả các khâu gieo trồng, chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đều do các thành viên đứng ra tổ chức. Với quy mô hiện nay, trang trại Bản Nghè đã có thể cung cấp sản phẩm cho thị trường trong huyện, xã và các vùng lân cận.
Ngoài ra, trang trại còn phục vụ cho các trường bán trú trên địa bàn. Đây cũng là những khách hàng thường xuyên được cung cấp thực phẩm rau xanh, thịt lợn, cá đảm bảo số lượng, chất lượng. Sản phẩm làm ra được các thành viên thay phiên nhau mang ra chợ bán hoặc giao cho thương lái.
Thu nhập bình quân của trang trại từ bán rau, sau khi trừ chi phí cũng được trên 80 triệu/năm.
Tại trang trại, các công việc được phân công đều và lợi nhuận được ghi chép, chia đều theo công lao động. Anh Lương Văn Hùng chia sẻ: "Mọi người ở đây đều bình đẳng như nhau và có ý thức với công việc. Mỗi khi vào mùa vụ, mọi người đều huy động anh em trong nhà ra giúp một tay, có khi làm từ sáng đến tối, không nề hà công việc gì. Mọi người vừa lao động vừa chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, có nhiều hộ dân khác cũng muốn tham gia cùng làm nhưng còn e ngại hoặc chờ đợi xem mô hình này hoạt động như thế nào rồi mới đưa ra quyết định có tham gia hay không."
Không chỉ trồng rau, hiện các hộ dân còn đầu tư vào đào ao thả cá với diện tích 0,5ha. Song song với đó là tiến hành trồng được gần 16ha rừng lát và xoan, 3ha cây sắn hứa hẹn một nguồn thu không nhỏ; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 14 lao động thường xuyên với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/1 tháng.
Ông Giàng Văn Cậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cổ Linh cho biết, mô hình phát triển kinh tế của 7 hộ dân ở Bản Nghè mang lại hiệu quả cao cần được nhân rộng.
Không chỉ tạo công ăn việc làm, cung cấp rau xanh, thực phẩm sạch cho bà con trong xã mà còn giúp thay đổi nếp nghĩ của bà con trong việc phát triển kinh tế, dồn điền đổi thửa.
Đặc biệt, mô hình này cũng góp phần đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, mở ra một hướng mới cho việc trồng trọt, chăn nuôi; góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân./.
Theo VN+