Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 21/3/2015 15:17'(GMT+7)

Thông tin khí tượng thủy văn không thể thiếu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu

Trạm quan trắc khí tượng thủy văn - Ảnh minh họa

Trạm quan trắc khí tượng thủy văn - Ảnh minh họa



Kể từ năm 1961 đến nay, ngày 23/3 hằng năm các quốc gia cùng kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới. Ngoài ý nghĩa kỷ niệm ngày bản Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới có hiệu lực (23/3/1950), đây còn là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước thảm họa của thiên tai. 

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng, kiến thức về khí hậu tích lũy trong các thập kỉ vừa qua là nguồn tài nguyên vô giá, là điều kiện tiên quyết để các cơ quan chức năng ra những quyết định và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bằng chứng như nhiệt độ tăng, băng tan, nước biển dâng hay các hiện tượng thời tiết cực đoan khẳng định khí hậu đang biến đổi, các hoạt động của con người đang làm lượng phát thải khí nhà kính gia tăng, là nguyên nhân chính của sự biến đổi này. 

Tuy vậy, sự phát triển như vũ bão của khoa học giúp loài người vẫn còn cơ hội để thay đổi và giảm nhẹ biến đổi khí hậu xuống mức thấp nhất. Kiến thức khí hậu sẽ giúp nắm bắt và thực hiện cơ hội này. Đặc biệt, thông tin về thời tiết, khí hậu từ các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày đến các dự báo khí hậu theo mùa, đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống và ngày càng chính xác hơn. Giúp các nhà quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để đối phó và thích ứng. 

Những năm qua, cộng đồng trên thế giới luôn phải phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, 90% trong số đó liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước. Hiện nhiệt độ khí quyển và đại dương vẫn đang tiếp tục gia tăng, trong khi mực nước biển dâng và khí hậu cực đoan đang “nóng” lên cả về tần suất lẫn cường độ, điều đó chắc chắn sẽ kéo theo hàng loạt vấn nạn tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như làm trì trệ sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Việt Nam là một trong 5 nước chịu nhiều ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trong khoảng 50 năm qua, tại Việt Nam nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,7 độ C và mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Biến đổi khí hậu cũng đã và đang tác động mạnh đến Việt Nam thông qua các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, rõ rệt nhất là các cơn bão trái mùa, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Do đó, Việt Nam là quốc gia đi đầu hưởng ứng chiến lược giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra bằng những chính sách lâu dài và hành động cụ thể. Nhưng việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó có sự chủ quan, bị động nên nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu để hành động bảo vệ hệ thống khí hậu là hết sức quan trọng và cấp thiết. 

Thực tế cho thấy, từ các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày đến các dự báo khí hậu theo mùa đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hằng ngày và ngày càng trở nên chính xác hơn. Những thành tựu này đều nhờ vào sự phát triển của công nghệ viễn thám, của khoa học và sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ máy tính. Các tiến bộ khoa học khí tượng và khí hậu trong vòng 50 năm qua đã có những thành tựu đáng nể. Các sản phẩm và dịch vụ khí tượng thủy văn đã và đang hỗ trợ các nhà quy hoạch đô thị xây dựng chính sách và kế hoạch hành động, nhằm tăng cường năng lực ứng phó của các thành phố trước thảm họa tự nhiên và hướng tới phát triển kinh tế xanh. Cũng nhờ vào dự báo về xu thế nhiệt độ và lượng mưa, người nông dân có thể lên kế hoạch phù hợp để trồng trọt, cày cấy và giao thương. Các nhà quản lý nguồn nước sử dụng thông tin khí hậu để tối ưu hóa cung cấp nước và phòng chống lũ lụt. Ngành năng lượng sử dụng thông tin thời tiết để quyết định địa điểm xây dựng nhà máy điện… 

Sử dụng các thông tin khí tượng, khí hậu đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần phải lấy thông tin về thời tiết, khí hậu làm cơ sở đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để hạn chế tiêu cực của thiên tai. Để các thông tin khí tượng thủy văn phục vụ thiết thực hơn trong đời sống, các thông tin này cần được trình bày một cách dễ hiểu và dễ sử dụng nhất. Các sản phẩm và dịch vụ khí tượng thủy văn cần phổ biến rộng rãi theo mô hình phù hợp để người dân thấy được sự cần thiết, khẩn trương trước những thông tin được cập nhật để tích cực nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai công tác năm 2015 của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo phải nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên toàn quốc. Theo hướng tăng dày mật độ trạm để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh cáo thiên tai gắn với hệ thống thông tin, truyền thanh cơ sở. 

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ quan, đơn vị về những ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan hơn để có ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục tư tưởng chủ quan, đơn giản; tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì, thực hiện nghiêm chế độ trực và chủ động theo dõi nắm chắc tình hình, sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo đúng phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra. 

Kiểm tra, rà soát đánh giá lại danh mục tiềm ẩn các thảm họa, rủi ro, sự cố của ngành, lĩnh vực mình để điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch sát thực tế, phù hợp với sự phát triển của tình hình, cấp độ thảm họa, rủi ro, sự cố nhất là việc chuẩn bị các giải pháp, phương án, kế hoạch đối phó với siêu bão, sự cố hóa chất, thảm họa sinh học… Sớm hoàn thành phương án cảnh báo sóng thần từ Trung ương đến địa phương; hoàn thành việc xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng do bão, nhất là trong tình huống siêu bão, động đất, sóng thần làm cơ sở giúp các Bộ, ngành địa phương xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó; hoàn chỉnh đề án hệ thống quan trắc thông tin hồ chứa; chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy lợi có các phương án phòng ngừa sự cố khi có bão lũ, thiên tai. 

Hoàn thành phương án ứng phó sự cố hóa chất; rà soát, chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện bổ sung các phương án phòng ngừa sự cố các hồ chứa để bảo đảm an toàn trong mọi trường hợp do bão lũ hoặc biến đổi địa chất. Nghiên cứu, ưu tiên bố trí vốn bảo đảm kế hoạch mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác ứng phó thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn để nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. 

Riêng Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn khẩn trương triển khai xây dựng Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thao trường tổng hợp phục vụ huấn luyện tìm kiếm cứu nạn tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Quốc gia điều hành, quản lý, ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Gia Lâm. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Khí tượng thủy văn. Thời gian qua, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo Luật với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan. Luật Khí tượng thủy văn là một bộ luật quan trọng, xác định hành lang pháp lý trong công tác khí tượng thủy văn phù hợp với thực tế trong nước và thế giới, lồng ghép với vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, trong năm 2015 Luật Khí tượng thủy văn sẽ được trình lên các cơ quan có thẩm quyền, sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định./. 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất