Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 5/7/2009 7:57'(GMT+7)

Nhìn lại Tháng hành động Vì trẻ em năm 2009

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng và lãnh đạo Bộ Y tế tặng quà cho các cháu. Ảnh: CTV.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng và lãnh đạo Bộ Y tế tặng quà cho các cháu. Ảnh: CTV.

 Tháng hành động Quốc gia Vì trẻ em năm nay được triển khai từ Trung ương đến cơ sở với chủ đề "Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo". Ðiều đó càng có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhân tháng hành động Quốc gia Vì trẻ em năm nay, xin điểm qua một số hoạt động đã diễn ra trên cả nước.

Với Thông điệp: toàn xã hội nâng cao nhận thức và hành động trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSK, giáo dục, tăng cường chính sách xã hội cho trẻ em, đặc biệt trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đầu tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia Vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Theo đó, giai đoạn 2011-2020, bảo đảm trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn thích hợp, tiếp cận với giáo dục hoặc được hỗ trợ học nghề, hưởng các chính sách xã hội theo quy định, được sống an toàn cùng với bố, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc người thân trực hệ hoặc được sống ở những cơ sở chăm sóc thay thế. Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS trong diện quản lý được chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến HIV/AIDS.

Nhân Tháng hành động Quốc gia Vì trẻ em năm 2009, ngày 27 tháng 5, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã ban hành công văn số 666/AIDS về việc Tổ chức triển khai các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em nhiễm HIV. Trong Tháng hành động Quốc gia Vì trẻ em, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, UVBCT, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ LĐ - TB và XH, UBND Tp Hà Nội và Cục PC HIV/AIDS Việt Nam đã thăm, làm việc và tặng quà tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 và Trung tâm cai nghiện số 04 Ba Vì, Hà Nội. Lãnh đạo TW Hội DS – KHHGĐ và Hội DS – KHHGĐ nhiều địa phương đã đi thăm trẻ em nghèo tại các địa bàn.

Ngay đầu tháng 6/2009, TW Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã chính thức phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6) và đẩy mạnh thực hiện Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2004-2010. Hội tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 dự án: Tổ chức dịch vụ bảo vệ trẻ em dựa vào gia đình và cộng đồng tại tỉnh Khánh Hòa; thực hiện tiếp sức cho trẻ em nghèo tiếp tục đến trường ở Bắc Giang; tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non và bảo vệ trẻ em tại cộng đồng ở các tỉnh Bình Phước, Khánh Hòa, Bắc Giang do Quỹ UNILERVER Việt Nam hỗ trợ. Giữa tháng 5/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chỉ đạo các cấp, các ngành phải coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh…

Tại Đồng Tháp, Tổ chức UNICEF hỗ trợ chiến dịch truyền thông vì sự phát triển trẻ thơ. Đại diện Tổ chức UNICEF cho biết, tổ chức này đã đầu tư cho tỉnh Đồng Tháp 40 ngàn USD thực hiện chiến dịch truyền thông vì sự phát triển trẻ thơ từ tháng 6 - 12/2009. Tên chiến dịch “Tuổi thơ diệu kỳ” được thực hiện với chủ đề chính là: Trẻ nhỏ được chăm sóc và nuôi dưỡng trong một môi trường sạch sẽ, an toàn và tràn đầy tình yêu thương, với các khẩu hiệu “Ba năm đầu đời, cơ hội cho cả cuộc đời” và “Điều gì mỗi bé thơ cần, ai cũng có thể đáp ứng”.

Có thể nói, nhiều doanh nghiệp, bên cạnh những hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã dành khộng nhỏ phần kinh phí hỗ trợ các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội, trong đó có trẻ em là đối tượng được quan tâm hàng đầu.

Ngay trong Tháng hành động Quốc gia Vì trẻ em, Ngân hàng Liên Việt và công ty cổ phần bất động sản Hanel-Himlam đã chính thức làm lễ động thổ xây dựng Trường mầm non thôn La Thiện, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, để các cháu ở độ tuổi mầm non trong xã có môi trường học tập, sinh hoạt và vui chơi thuận lợi nhất. Công trình bao gồm một khu nhà học 2 tầng khang trang, nhà bếp nấu ăn, bồn hoa và khu sân vườn cho các cháu vui chơi. Tuy mới thành lập được hơn 1 năm nhưng LienVietBank cùng các Cổ đông sáng lập đã coi công tác nhân đạo, từ thiện là một trong những hoạt động của mình, đã đóng góp cho các hoạt động xã hội với tổng giá trị tương đương trên 100 tỷ đồng như: tặng quà cho các lớp học tình thương ; tặng sổ tiết kiệm cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thành lập quỹ Vườn ươm Nhân tài LienVietBank, tặng nhà cho các hộ gia đình nghèo tại các tỉnh Hậu Giang, Quảng Ngãi….Đây là một hoạt động nằm trong chương trình cam kết tài trợ cho giáo dục theo đúng tôn chỉ hoạt động “Gắn xã hội trong kinh doanh” của Ngân hàng Liên Việt

Diễn đàn "Trẻ em với các mục tiêu vì trẻ em" do tỉnh Thái Nguyên tổ chức tới đây là một hình thức sinh hoạt mới đối với trẻ em. Ở đó, trẻ em sẽ được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh; đây là nội dung chính trong Diễn đàn này và sẽ được tỉnh Thái Nguyên tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/7 tới. Để chuẩn bị cho diễn đàn này, vừa qua Ban Chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn các nội dung liên quan với sự tham gia Hội nghị của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Diễn đàn "Trẻ em với các mục tiêu vì trẻ em" năm nay được tổ chức ở 21 tỉnh, thành phố trong cả nước với mục đích: Thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong việc xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình mục tiêu vì trẻ em. Các nội dung nêu trên sẽ được thực hiện qua các hình thức: Vẽ tranh, tiểu phẩm và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể về mục tiêu Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Thái Nguyên.

Còn rất nhiều những tổ chức, cá nhân hàng ngày, hàng giờ âm thầm, bền bỉ làm nhiều việc thiện, chăm lo cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn như nhiễm chất độc da cam, bị bệnh tật bẩm sinh, mắc bệnh hiểm nghèo...mà không cần sự tri ân, chúng ta đã từng biết qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh những nỗ lực của các cấp, các ngành và những kết quả đạt được thời gian qua, theo đánh giá của UNICEF, Việt Nam vẫn còn bị tụt hậu trong một số lĩnh vực liên quan đến trẻ em so với các nước trên thế giới. Đó là những khó khăn, thách thức hiện nay đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta.

Đối tượng đang phải chịu hậu quả trực tiếp, dễ thấy nhất trong cuộc sống chính là người nghèo, trẻ em nghèo, nhất là ở các vùng cao, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, nước ta vẫn còn hơn bốn triệu trẻ em sống trong các hộ nghèo, chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Vẫn còn nhiều trẻ em chưa được tiếp cận đầy đủ với nước sạch và các phương tiện vệ sinh môi trường phù hợp; tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao. Do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, tình trạng trẻ em phạm tội, nghiện hút và lây nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có xu hướng gia tăng; sự phân hoá giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành phố …đã tạo ra khoảng chênh lệch về cơ hội học tập, sinh hoạt vui chơi giải trí cũng như các điều kiện phát triển khác của trẻ em.
Cá biệt, đây đó vẫn còn những trường hợp xâm hại và bạo hành trẻ em. Những năm gần đây xảy ra tình trạng học sinh bỏ học với nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bất cập của hệ thống sách giáo khoa, cùng với những yếu tố như khó khăn kinh tế, giá cả tăng cao …đã làm ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số các hộ nghèo, khiến nhiều trẻ em phải bỏ học để giúp gia đình kiếm sống.
Hiện tượng lạm dụng sức lao động trẻ em có xu hướng tăng. Tai nạn thương tích trẻ em đang trở thành một trong những vấn đề đáng báo động. Ở thành thị, tuy nhiều gia đình có điều kiện đầu tư cho cuộc sống, sinh hoạt và học tập của trẻ em nhưng gánh nặng học tập vẫn đã và đang trở thành rào cản trẻ em đến với các hoạt động vui chơi tập thể.

Để tiếp tục BVCS& GD trẻ em ngày càng tốt hơn theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thiết nghĩ, một số việc vừa trước mắt vừa lâu dài cần được quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện như sau:

1 - Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở đối với công tác BVCS&GD trẻ em một cách thường xuyên, liên tục, đặc biệt là tại những vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa; lồng ghép có hiệu quả các mục tiêu phát triển trẻ em vào các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, coi đó là chính sách và là tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu thi đua đối với cá nhân, tập thể.

2 - Đổi mới và tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chế độ chính sách; phổ biến những kinh nghiệm hay, những điển hình tốt nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội dành sự ưu tiên đầu tư cho công tác BVCS&GD trẻ em. Tổ chức, hướng dẫn, giáo dục trẻ em tham gia thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình để mai này có thể đảm đương được trách nhiệm là chủ nhân tương lai của đất nước.

3 - Tiếp tục xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống cơ quan làm công tác BVCS&GD trẻ em ở các cấp, đủ sức thực hiện chức năng quản lý nhà nước và vận động xã hội, thực hiện các nhiệm vụ tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch, giám sát, kiểm tra, phối hợp các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc triển khai công tác BVCS&GD trẻ em tại cộng đồng.

BVCS&GD trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức Phụ nữ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc tập hợp giáo dục, bảo vệ, chăm sóc thiếu nhi phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang rất cần những mái ấm tình thương, những tấm lòng thơm thảo của cá nhân, cộng đồng. Toàn xã hội hãy mang đến cho trẻ em nghèo tình thương yêu, sự đùm bọc, chăm sóc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Bằng tình thương yêu của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức xã hội, hãy giúp các em vượt qua nghèo đói, bệnh tật; giúp các em đến trường, bảo vệ các em trước sự xâm hại, ngược đãi, trước cạm bẫy của tệ nạn xã hội... Bên cạnh việc chú trọng xây dựng nhiều mô hình gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, cần tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi của trẻ em, tạo môi trường chơi và học lành mạnh để các em được học tập, vui chơi bổ ích, thiết thực hơn nữa.

Trần Thu Trang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất