Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 3/7/2009 9:57'(GMT+7)

Mờ mịt triển vọng đàm phán hạt nhân Iran

Ít khả năng Tổng thống Ahmadinejad sẽ thỏa hiệp về vấn đề làm giàu uranium

Ít khả năng Tổng thống Ahmadinejad sẽ thỏa hiệp về vấn đề làm giàu uranium

Những bế tắc trước đây chưa kịp khai thông, nay lại càng bế tắc hơn sau khi Iran đàn áp những người biểu tình phản đối cái mà phương Tây gọi là cuộc bầu cử gian lận theo hướng có lợi cho Tổng thống Ahmadinejad.

Ngày 1/7, hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Hassan Firouzabadi tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) "không đủ tư cách" để thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran sau khi đã "can thiệp vào các công việc nội bộ của Iran". Tướng Firouzabadi nêu rõ, "do EU can thiệp vào những vụ bạo động sau bầu cử ở Iran, khối này đã không còn tư cách tiến hành thảo luận về vấn đề hạt nhân với Iran". Ông Firouzabadi khẳng định "trước khi xin lỗi vì sai lầm nghiêm trọng đó, EU không có quyền bàn đến các cuộc đàm phán hạt nhân".

Trước phản ứng quyết liệt của Iran, Thụy Điển - tân Chủ tịch luân phiên EU - trong phát biểu đầu tiên về vấn đề Iran đã tỏ ra khá mềm mỏng. Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt bày tỏ hy vọng giới lãnh đạo Iran "sẽ có lựa chọn hợp lý" nhằm tránh đối đầu với cộng đồng quốc tế. Ông Reinfeldt kêu gọi Iran "tiến hành cải cách, chứ không nên tạo ra xung đột" với 27 quốc gia thành viên EU, Mỹ và những nước khác.

Trong khi đó, Mỹ - đối tác chính của EU trong vấn đề hạt nhân Iran - đang chìa tay cho giới lãnh đạo Tehran. Đến nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn bảo lưu đề nghị tiến hành đàm phán trực tiếp Mỹ-Iran về hạt nhân và các vấn đề khác, song Tehran dường như không đếm xỉa gì đến thiện chí của ông Obama. Tháng 3 vừa qua, ông Obama tuyên bố sẽ tìm cách tiếp xúc với Iran "một cách chân thành và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau", làm dấy lên hy vọng các cuộc đối thoại Mỹ-Iran có thể sẽ được khởi động. Tuy nhiên, những hy vọng đó đã tiêu tan hồi tuần trước, khi ông Obama phát biểu rằng Mỹ và toàn thế giới rất "kinh hoàng và phẫn nộ" trước các hành động bạo lực của Iran nhằm đàn áp những người biểu tình sau bầu cử. Người đứng đầu Nhà Trắng còn cảnh báo rằng cách thức phản ứng của Tehran sẽ quyết định quan hệ với các nước khác, trong đó có Mỹ. Bằng giọng điệu mạnh mẽ thường thấy, Tổng thống Ahmadinejad đã đáp lại bằng tuyên bố sẽ làm cho Mỹ phải hối tiếc vì đã chỉ trích cuộc đàn áp của Iran. Vị tổng thống theo đường lối cứng rắn của Iran thẳng thừng nói rằng đề nghị cải thiện quan hệ của chính quyền Obama chỉ là "đạo đức giả".

Vậy trong bối cảnh này, liệu Obama có thể thực hiện được lời hứa thay nắm đấm sắt của người tiền nhiệm G.W. Bush bằng bàn tay thân tình với Iran? Các quan chức Mỹ khẳng định cánh cửa đàm phán vẫn mở, bất chấp những nghi ngờ về tính hợp pháp của việc Ahmadinejad tái đắc cử và các phát biểu chống Mỹ của ông này. Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, nói: "Chúng ta phải tận dụng mọi biện pháp có thể, kể cả ngoại giao, để ngăn chặn Iran đạt được khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều đó nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ".

David Axelrod, cố vấn cấp cao của Obama, cho biết Washington "mong muốn... đàm phán với phía Iran". Theo ông này, bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tehran cũng sẽ chỉ ra "hai con đường. Một là Iran phải trở lại cộng đồng quốc tế, hai là phải hứng chịu hậu quả rất nghiêm trọng" - tương tự như cách tiếp cận "củ cà rốt và cây gậy" của chính quyền Bush.

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi có vẻ thẳng thắn hơn khi nói rằng cuộc họp vào tuần tới của Nhóm G-8 ở Italia sẽ thảo luận khả năng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ là Nga và Trung Quốc chưa chắc đã ủng hộ một động thái như vậy. Trong khi đó, John Bolton, Đại sứ Mỹ tại LHQ dưới thời chính quyền W.Bush, nhận xét: "Không có dấu hiệu nào cho thấy nội bộ Iran có sự bất đồng về vấn đề hạt nhân".

Nói tóm lại, sở dĩ các cuộc đàm hạt nhân trước đó với Tehran thất bại là do Iran khăng khăng cho rằng không có gì phải bàn cãi về quyền làm giàu uranium của Tehran. Ngay cả những người Iran hay chỉ trích Tổng thống Ahmadinejad cũng rất tự hào về khả năng hạt nhân của nước họ. Do đó, rất ít khả năng tổng thống theo đường lối cứng rắn của Iran sẽ thỏa hiệp về vấn đề làm giàu uranium để xoa dịu tình trạng bất ổn hậu bầu cử ở trong nước./.


Lan Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất