Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 19/7/2012 10:30'(GMT+7)

Quản lý, khai thác theo hướng lâu dài tài nguyên biển

Xây dựng chiến lược phát triển bền vững biển, đảo

Xây dựng chiến lược phát triển bền vững biển, đảo

Vùng biển Việt Nam có trên 3.000 đảo lớn nhỏ che chắn tạo thành những vùng sâu kín gió, với hơn 80 cảng biển lớn nhỏ trong gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa và giao thương kinh tế quốc tế. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Việt Nam đều gắn kết với biển như dầu khí, nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ sản, hàng hải và du lịch biển…Làm thế nào để quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, để nguồn tài nguyên này không chỉ phục vụ cho đời sống của thế hệ hôm nay mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho các thế hệ mai sau, là câu hỏi chung cho những nhà chính sách và nghiên cứu khoa học chuyên ngành của Việt Nam hiện nay.

Tiềm năng kinh tế to lớn

Vùng thềm lục địa của Việt Nam là nơi tập trung nhiều loại khoáng sản khác nhau, trong đó có dầu khí với tiềm năng dự báo khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4-5 tỷ tấn và trữ lượng khí đồng hành là 250-300 tỷ m3, được phân bố ở 4 bể dầu khí: bể dầu khí sông Hồng, bể dầu khí Cửu Long, bể dầu khí Nam Côn Sơn và bể Malau-Thổ Chu. Qua số liệu trên có thể thấy rằng, tiềm năng dầu khí trên vùng biển Việt Nam so với các nước láng giềng không phải là nhỏ.

Theo bà Trần Thị Tuyết, Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Việt Nam), biển Việt Nam được công nhận là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển trên thế giới, nơi hội tụ hàng loạt các hệ sinh thái từ vùng nước nông như rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, đầm phá, cửa sông, đến biển xa như vùng nước trồi, hệ biển sâu (có nơi tới 4000 m). Trong các hệ sinh thái đó, khu hệ động thực vật vô cùng đa dạng. Cho đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận trên 2000 loài cá, 2500 loài thân mềm, 1500 loài giáp xác....Thành phần và mức độ đa dạng khác biệt nhau giữa các vùng địa lý và môi trường sống. Chính vì vậy, mỗi vùng biển có thể cung cấp những nguồn lợi thủy sản khác nhau tạo nên tính đa dạng “vùng miền” của các sản phẩm khai thác từ nguồn đa dạng sinh học biển.

Đa dạng sinh học biển Việt Nam đang thực sự là chỗ dựa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài những nguồn lợi tính được như nguồn lợi thủy sản, du lịch biển...đa dạng sinh học còn mang lại những lợi ích to lớn khác như: chức năng dịch vụ của các hệ sinh thái biển, ven biển (chống xói mòn, điều tiết nước, xử lý ô nhiễm,...).

Từ những định hướng của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, ngành kinh tế hàng hải cũng đang dần được mở rộng theo nhịp độ chung của hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cả về số lượng và chất lượng tàu, mở thêm nhiều thị trường và trực tiếp tham gia vào thị trường khu vực, với tốc độ tăng trưởng đạt 30%/năm. Du lịch biển được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta hiện nay. Hàng năm vùng biển thu hút khoảng 73% số lượt khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12,6%/năm. Đặc biệt, ngành dầu khí là một trong những ngành chủ lực của kinh tế biển đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.

Tiềm năng biển của Việt Nam là rất lớn, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và nguồn lợi kinh tế-sinh thái. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của các ngành kinh tế biển còn khá khiêm tốn so với tiềm năng vùng biển, do còn thiếu năng lực và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, ô nhiễm môi trường biển cũng đang là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Mặc dù đang ở mức khống chế, nhưng nếu không có các giải pháp phát triển kinh tế hợp lý thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Kinh nghiệm của một số quốc gia

Theo Ths. Nguyễn Văn Huy - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong nhiều năm qua, các quốc gia có biển đều không ngừng nỗ lực, xây dựng, triển khai nhiều chính sách, biện pháp, chương trình và kế hoạch nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững đất nước. Đến nay, nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ và thành công đáng ghi nhận. Xu hướng chung của các nước tập trung vào một số nội dung như: Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý để khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển đồng thời từng bước hoàn thiện khung thể chế quản lý biển. Điển hình như: Hoa Kỳ đã thông qua Luật biển vào năm 2000, Canada đã xây dựng và ban hành Luật biển từ năm 1997.

Tại Nhật Bản, sau khi ban hành Luật cơ bản về Biển năm 2007, nước này đã thành lập một cơ quan đầu mối về chính sách biển tổng hợp do Thủ tướng đứng đầu nhằm thúc đẩy biện pháp về biển một cách tập trung và tổng hợp; hoặc tại Úc, sau khi ban hành chính sách biển quốc gia, Úc đã đưa ra một loạt những điều chỉnh cơ cấu tổ chức bao gồm việc thành lập một Ủy ban bộ trưởng biển quốc gia cùng với nhóm cố vấn biển quốc gia, văn phòng biển quốc gia và một ban chỉ đạo qui họach biển, trong đó chức năng của Ủy ban bộ trưởng biển quốc gia tập trung vào việc điều phối chính sách biển, giám sát quá trình kế hoạch phân vùng biển, xây dựng các chương trình, kế họach thực thi chính sách biển quốc gia, đề xuất ưu tiên nghiên cứu biển liên quan đến phát triển và thực thi chính sách biển Úc.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển, nhiều quốc gia cũng tổ chức các chương trình hành động nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng với các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng đã được triển khai. Việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên biển và vùng ven biển, bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm tại các vùng biển cũng được tích cực tiến hành; công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải; khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí; khai thác khoáng sản; đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản; thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển… được ưu tiên chú trọng.

Bên cạnh đó, một số quốc gia còn thúc đẩy các giải pháp: tăng cường quản lý tổng hợp đới bờ, quản lý dựa vào hệ sinh thái, quy hoạch và phân vùng không gian biển và đới bờ, xây dựng các khu bảo tồn biển, quản lý dựa vào cộng đồng, chú trọng các giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển, lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vào trong chính sách, quy hoạch và công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển, xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thảm họa, chống xói lở bờ biển, bảo vệ dân cư, ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh điều tra, khảo sát, quan trắc, nghiên cứu về tài nguyên, môi trường biển để sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, tăng cường xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường biển, tăng cường giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực biển phục công tác điều tra, nghiên cứu và quản lý tài nguyên, môi trường biển, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về biển để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển.

Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó hướng tới các chính sách và hành động nhằm hiểu hơn về biển, đảo, gìn giữ nguồn vốn tự nhiên, chất lượng môi trường. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là thúc đẩy khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản, tiềm năng, vị thế của biển, đảo; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao khả năng chống chịu của các hệ sinh thái biển, đảo thông qua thiết lập và vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện các nguyên tắc bền vững trong khai thác sử dụng tài nguyên, kiềm chế gia tăng ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học, hình thành hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, củng cố vành đai xanh ven biển góp phần thực hiện thành công và bền vững chiến lược biển Việt Nam.

TS.Đặng Xuân Phương, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, biển và hải đảo Việt Nam phải được quản lý tổng hợp và thống nhất nhằm bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường cũng không thể rời với tư cách là một quốc gia biển, đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ trở thành một đất nước “Mạnh về biển, làm giàu từ biển”./.

Thu Phương - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất