Thứ Sáu, 29/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 19/7/2012 10:46'(GMT+7)

Sẽ tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng bằng điện thoại

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ đưa Hệ thống tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng bằng điện thoại (Call Center) và Trang thông tin điện tử bảo vệ người tiêu dùng vào hoạt động chính thức.

Ông Nam cho biết, để tạo điều kiện cho người tiêu dùng khi phản ánh các vụ việc vi phạm trên thực tế, Bộ Công Thương đã xây dựng và vận hành thử nghiệm Hệ thống tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng bằng điện thoại.

Qua hệ thống này, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng có thể nhanh chóng phản ánh các thông tin, vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng trên thực tế. Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kịp thời giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng… Đây là kinh nghiệm của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ,…

Bên cạnh hệ thống Call Center, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và chạy thử nghiệm trang thông tin điện tử riêng về bảo vệ người tiêu dùng để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phản ánh những hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đồng thời, giúp người tiêu dùng được thuận lợi trong gửi các yêu cầu, phản ánh đối với những vấn đề liên quan một cách nhanh nhất.

Ông Nam khẳng định, đây là một hoạt động hết sức cần thiết không chỉ giúp người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu các quy định của pháp luật, phản ánh các thắc mắc mà còn là một kênh thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo số liệu ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2011 có hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương và tỉ lệ giải quyết thành công là 90,2%.

Các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong cả nước cũng đã giải quyết được gần 2.000 vụ với tỉ lệ thành công là 70 – 80%. Một số hội như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Kiên Giang có tỉ lệ thành công lên tới 90%. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 60 vụ khiếu nại được gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh thụ lý.

Đặc biệt thực hiện trách nhiệm thu hồi sản phẩm có khuyết tật, tại Việt Nam đã có 10 trường hợp doanh nghiệp chủ động thu hồi sản phẩm với số lượng 15.000 sản phẩm do phát hiện có khuyết tật, mặc dù trên thực tế hầu hết các trường hợp bị thu hồi chưa ghi nhận thiệt hại cho người tiêu dùng trên thực tế…

Hội thảo “Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra sáng nay (18/7) tại Hà Nội.

Tại Hội thảo đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội – nghề nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng trao đổi, thảo luận và rút ra bài học kinh nghiệm, định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Đồng thời kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.


Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất