Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 18/8/2012 18:5'(GMT+7)

Mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng (Việt Nam).

Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng (Việt Nam).

Khoản 1, Điều 6, Luật Biển Việt Nam nêu rõ: Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi.

Khoản 2, Điều 6, Luật Biển Việt Nam quy định về các nội dung cụ thể mà các đối tác quốc tế có thể hợp tác với Việt Nam thực hiện trên các vùng biển Việt Nam. Đó là các nội dung: Điều tra, nghiên cứu biển, đại dương, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và cảnh báo thiên tai; Bảo vệ đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái biển; Phòng chống ô nhiễm môi trường biển, xử lý chất thải từ hoạt động kinh tế biển, ứng phó sự cố tràn dầu; Tìm kiếm, cứu nạn trên biển; Phòng, chống tội phạm trên biển; Khai thác bền vững tài nguyên biển, phát triển du lịch biển.

Cần phải nói rõ rằng, trước khi Luật Biển Việt Nam được Quốc hội Việt Nam thông qua, tọa độ địa lý đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được thể hiện trong các tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Các hoạt động hợp tác của Việt Nam với các đối tác quốc tế đã được thực hiện bình thường trên các vùng biển Việt Nam trước khi Luật Biển Việt Nam được thông qua. Các hoạt động ấy đều phù hợp với luật pháp cũng như thông lệ quốc tế và các bên đối tác quốc tế đều tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về biển, Việt Nam đã phối hợp với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay tổ chức cho tàu “Viện sĩ Ô-pa-rin” nghiên cứu trên vùng biển Việt Nam 4 lần kể từ năm 1987. Đây là một trong những con tàu nghiên cứu khoa học về biển lớn nhất thế giới, được nhiều người ví như một viện nghiên cứu lưu động trên biển. Ngoài ra, Viện Hải dương học Nha Trang và Phân viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đã thực hiện 12 chuyến khảo sát biển bằng tàu nghiên cứu khoa học của Nga và 8 chuyến nghiên cứu biển bằng tàu Việt Nam. Các hoạt động nghiên cứu chung này đã giúp Việt Nam phát triển ngành nuôi trồng hải sản bền vững, định hướng nghiên cứu khoa học về biển và sinh vật biển, đánh giá về hiện trạng, chức năng, cấu trúc hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và quần đảo Trường Sa.

Trong lĩnh vực phòng, chống ô nhiễm môi trường biển, Việt Nam đã phối hợp với các nước ASEAN tổ chức tốt các hoạt động hợp tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Một trong những hoạt động hợp tác của Việt Nam với các nước ASEAN trong lĩnh vực này là việc Việt Nam tham gia vào nhóm công tác về môi trường biển và vùng ven bờ ASEAN. Thông qua nhóm công tác này, các nước thành viên có nhiệm vụ chia sẻ kết quả và kinh nghiệm quản lý môi trường biển, cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới, khắc phục sự cố môi trường xảy ra ở vùng biển mỗi nước.

Việt Nam và Trung Quốc cũng đã nhiều lần hợp tác về lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn. Trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc đã có không ít lần diễn tập chung về các tình huống cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, Việt Nam cũng đã hợp tác với nhiều nước, nổi bật nhất là Nga và Ấn Độ, khai thác dầu khí trên các vùng biển Việt Nam. Các hoạt động này đã được duy trì trong suốt nhiều chục năm qua. Hiện giờ, nhiều dự án thăm dò, khai thác dầu khí do Việt Nam phối hợp với các đối tác quốc tế vẫn đang được duy trì bình thường trên các vùng biển Việt Nam.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trên biển của Việt Nam trước khi Luật Biển Việt Nam ra đời. Luật Biển Việt Nam ra đời không làm xáo trộn các hoạt động hợp tác trên biển giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế đang được thực hiện trên các vùng biển Việt Nam mà Luật Biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm cho các hoạt động hợp tác quốc tế ấy tiếp tục được duy trì, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng của Việt Nam ký kết các thỏa thuận hợp tác hoặc cho phép ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế trên vùng biển Việt Nam.

Theo quy định của Luật Biển Việt Nam và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các đối tác nước ngoài khi triển khai các hoạt động hợp tác trên vùng biển Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của Việt Nam. Luật Biển Việt Nam yêu cầu các đối tác nước ngoài khi triển khai hoạt động hợp tác trên vùng biển Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ, Khoản 7, Điều 33 Luật Biển Việt Nam quy định rõ: Tàu, thuyền nước ngoài vào vùng biển Việt Nam thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.

Trong lĩnh vực gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, Luật Biển Việt Nam cũng yêu cầu tàu, thuyền, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Nếu tàu, thuyền, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường biển trong vùng biển, cảng biển, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam thì bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Nếu việc vi phạm dẫn tới thiệt hại thì ngoài bị xử lý như trên, tàu, thuyền, tổ chức, cá nhân còn phải làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của pháp luật. Không những thế, tổ chức, cá nhân hoạt động trên vùng biển Việt Nam còn phải có nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản đóng góp khác về bảo vệ môi trường biển theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, Điều 36 Luật Biển Việt Nam quy định: Tàu, thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, chịu sự giám sát của phía Việt Nam, bảo đảm cho các nhà khoa học Việt Nam được tham gia và phải cung cấp cho phía Việt Nam các tài liệu, mẫu vật gốc và các kết quả nghiên cứu liên quan.

Như vậy, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế về biển, Luật Biển Việt Nam đã quy định đầy đủ, chặt chẽ các hoạt động hợp tác quốc tế trên vùng biển Việt Nam để bảo đảm rằng các hoạt động hợp tác ấy không làm phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự, an toàn trên biển, an toàn trên không và an toàn dưới lòng đất của Việt Nam.

Do đặc điểm các vùng biển Việt Nam nằm trong vùng biển nửa kín, nên theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia ven bờ khác để phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác các nguồn lợi sinh vật của biển. Luật Biển Việt Nam là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng của Việt Nam trên cơ sở đó hợp tác với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc hợp tác trên vùng biển nửa kín, Biển Đông, các nước trong khu vực nên tôn trọng và thực hiện đúng tinh thần của Tuyên bố Ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Về lâu dài, các nước trong khu vực cần nhanh chóng hoàn thành và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để bảo đảm sự hợp tác hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Là một nước yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn tuân thủ đúng luật pháp quốc tế về biển, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, DOC, đồng thời mong muốn COC sớm được thông qua. Đó cũng là mong muốn của Việt Nam với các nước khác trong khu vực./.

(Thùy Lâm/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất